Gia hạn, giảm thuế hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp phục hồi sau bão, lũ

Gia hạn, giảm thuế hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp phục hồi sau bão, lũ
3 giờ trướcBài gốc
Giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước để khuyến khích tiêu dùng. Ảnh tư liệu
PV: Bà đánh giá thế nào về chính sách giảm thuế, phí thời gian qua để tiếp thêm động lực cho người dân, doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh và từ đó, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế?
PGS. TS Vương Thị Thu Hiền: Trong thời gian qua, với việc tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, cụ thể là chính sách thu ngân sách nhà nước (NSNN) được mở rộng ưu đãi như: giảm thuế giá trị gia tăng 2%; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn… nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Có thể nói, việc giảm thuế với xăng, dầu đã có tác dụng tốt trong việc kiềm chế lạm phát của Việt Nam thời gian qua, trung bình vẫn ở mức 4% trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới đang đối mặt với lạm phát cao.
Ngoài ra, một số chính sách ưu đãi khác đã được ban hành như: giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2023; giảm mức thu 36 khoản phí, lệ phí... cũng cho thấy hiệu quả khi đã hỗ trợ, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Tôi cho rằng, chính sách miễn, giảm thuế đã góp phần rất quan trọng giúp người dân, doanh nghiệp phục hồi và kích thích sự tăng trưởng kinh tế sau thời kỳ đại dịch Covid-19. Như chúng ta đã thấy, kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà phát triển tích vực ở cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam trong năm 2024, dự báo mức tăng trưởng khoảng 6 - 6,7%...
Bên cạnh đó, chính sách chi NSNN tiếp tục được thực hiện theo hướng chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên nguồn lực ổn định an sinh xã hội.
PV: Để tiếp tục hỗ trợ cho đà tăng trưởng, trong những tháng cuối năm 2024, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục ban hành nhiều chính sách gia hạn, miễn giảm thuế và tiền thuê đất. Bà nhìn nhận thế nào về các chính sách này?
PGS. TS Vương Thị Thu Hiền: Nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh để hỗ trợ tăng trưởng cho năm 2024, trong tháng 6, Chính phủ đã triển khai các chương trình hỗ trợ người dân, doanh nghiệp qua việc sớm ban hành nhiều chính sách có tính kích thích cao đối với nền kinh tế cả nước như tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng cuối năm; gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2024; mới đây giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước…
Tôi cho rằng, việc tiếp tục ban hành nhiều chính sách gia hạn, miễn giảm thuế, phí và tiền thuê đất thể hiện sự sát sao quan tâm của Chính phủ đối với doanh nghiệp. Các chính sách ban hành rất kịp thời, rất đúng và hiệu quả, có tác động mạnh, độ lan tỏa rộng, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và ổn định cuộc sống của người lao động, đem lại lợi ích to lớn cả trước mắt và lâu dài cho nền kinh tế.
PV: Bên cạnh những chính sách gia hạn, giảm thuế, cần chú trọng những giải pháp gì để đạt được mục tiêu tăng trưởng, thưa bà?
PGS. TS Vương Thị Thu Hiền: Trong thời gian tới, cần ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Đề xuất giải pháp điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tài khóa hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm thúc đẩy các động lực tăng trưởng để góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, cần tập trung đẩy nhanh và thực hiện có hiệu quả gói tài khóa đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành; tiếp tục đẩy nhanh giải ngân các gói hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội, cũng như gói hỗ trợ về lĩnh vực y tế.
Cùng với đó, đẩy mạnh giám sát việc giải ngân vốn đầu tư công và có những động thái mạnh mẽ hơn theo hướng ưu tiên bố trí vốn cho các dự án có tiến độ thực hiện dự án tốt; phát huy phối hợp hiệu quả chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và chính sách giá cả để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô là tiền đề để tạo thêm lòng tin của thị trường, nhà đầu tư, cũng như “thúc” doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, cần tổ chức thực hiện tốt việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị thiệt hại do bão số 3 như: Chính sách gia hạn, miễn giảm thuế; chính sách đầu tư công trong phục hồi, phát triển kết cấu hạ tầng; chính sách hỗ trợ tín dụng và an sinh xã hội...
PV: Xin cảm ơn bà!
Chủ động tuyên truyền, hỗ trợ gia hạn, miễn giảm thuế
Theo PGS. TS Vương Thị Thu Hiền, cơ quan thuế thời gian qua đã chủ động tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, đặc biệt là các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế cả trong thời điểm dịch Covid-19 và giai đoạn sau đại dịch để người dân, doanh nghiệp có thêm nguồn lực phục hồi và phát triển, từ đó đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.
Đức Việt
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/gia-han-giam-thue-ho-tro-kip-thoi-doanh-nghiep-phuc-hoi-sau-bao-lu-160417-160417.html