Gia tăng bệnh nhân mắc ung thư da

Gia tăng bệnh nhân mắc ung thư da
7 giờ trướcBài gốc
Bệnh nhân ung thư tế bào hắc tố được phẫu thuật tại Bệnh viện K. Ảnh: BVCC.
Bệnh nhân N.V.T. (sinh năm 1950), thể trạng gầy gò đến khám với tình trạng có một nốt đen ở vùng gan gần gót chân phải. Bệnh nhân cho biết tổn thương đã có từ nhiều năm nay nhưng vì không ngứa, đau hay khó chịu gì nên bệnh nhân không quan tâm đến. Theo thời gian, nốt đen này không những không mất đi mà còn lớn dần và thay đổi hình dạng loang lổ trên bề mặt da. Khi người nhà đọc được các bài viết về ung thư da trên mạng, thấy cái dấu hiệu được mô tả giống với bệnh nhân nên đã động viên bệnh nhân đi khám bệnh.
Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh nhân được khám, chỉ định xét nghiệm máu, siêu âm, chụp Dermoscopy - một xét nghiệm đặc thù trong chuyên ngành Da liễu, có thể phát hiện sớm những dấu hiệu ung thư da. Kết quả chẩn đoán cho thấy bệnh nhân bị ung thư tế bào hắc tố ở gan bàn chân phải.
Bệnh nhân đã được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt toàn bộ khối ung thư và làm xét nghiệm mô bệnh học, nhằm xác định chính xác mức độ xâm lấn, giai đoạn bệnh, từ đó sẽ có kế hoạch điều trị kịp thời, phù hợp với giai đoạn bệnh.
Sau khi tầm soát và xác định không có dấu hiệu di căn, bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt rộng tổn thương, theo đúng tiêu chuẩn điều trị ung thư tế bào hắc tố để đảm bảo loại bỏ được hết tế bào ung thư, hạn chế tái phát và khuyết da sau khi cắt bỏ khối u được tạo hình bằng kĩ thuật ghép da.
Được biết, ung thư tế bào hắc tố là loại bệnh lý ác tính phát triển từ các tế bào hắc tố, là tế bào chịu trách nhiệm sản xuất melanin, sắc tố tạo màu da. Ung thư tế bào hắc tố ít gặp hơn các loại ung thư da khác. Mặc dù chỉ chiếm khoảng 1%, nhưng ung thư tế bào hắc tố lại là nguyên nhân gây ra hầu hết các trường hợp tử vong liên quan đến ung thư da do tính chất xâm lấn và khả năng di căn nhanh của nó. Các tế bào ung thư hắc tố xâm lấn và di căn tới các cơ quan khác bằng cách di chuyển qua các mô, máu và hệ bạch huyết. Tế bào ung thư có thể di căn đến mọi vị trí trên cơ thể, hay gặp nhất là ở não, phổi, gan…
Đáng chú ý, thời gian gần đây, ung thư da nói chung và ung thư tế bào hắc tố nói riêng đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng.
Một nghiên cứu của bác sĩ tại Bệnh viện Da liễu Trung ương trong 6 năm (2017-2022) cho thấy có 1.133 bệnh nhân ung thư da điều trị nội trú tại cơ sở y tế này. Gần 70% trong số đó là bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào đáy, riêng 3 năm 2020-2022 đã ghi nhận 407 ca. Tuy nhiên, trong 2 năm 2023-2024, số lượng bệnh nhân ung thư da đã gia tăng đáng kể. Mỗi tuần, bệnh viện tiếp nhận khoảng 10 - 20 bệnh nhân đến khám và điều trị. Tính chung, số lượng bệnh nhân ung thư da tại đây đạt khoảng 300 - 500 người mỗi năm.
Đối với ung thư tế bào hắc tố - loại ung thư ác tính nhất với tỷ lệ di căn cao, trước đây bác sĩ ít gặp, chỉ khoảng 25 ca/năm nhưng gần đây, bệnh viện ghi nhận từ 1-2 ca/tuần. Đặc biệt, có những trường hợp bệnh nhân chỉ mới 20-30 tuổi đã mắc ung thư da.
BS Vũ Nguyên Bình - Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết: “Từ đầu năm đến nay, có nhiều bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương với tổn thương là mảng tăng sắc tố đen ở bàn chân, bàn tay đã được chúng tôi chẩn đoán là ung thư tế bào hắc tố và tiến hành điều trị”.
PGS.TS Nguyễn Hữu Sáu - Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho rằng, một phần do nhận thức của người dân về bệnh lý này đã được nâng cao, đồng thời việc áp dụng thêm nhiều phương pháp và thiết bị chẩn đoán hiện đại đã giúp phát hiện bệnh sớm hơn. Đáng chú ý, một số bệnh nhân nhờ theo dõi các buổi livestream trên nền tảng mạng xã hội của bác sĩ mà đã kịp thời đến khám và phát hiện sớm ung thư da.
Đặc biệt, theo các bác sĩ, việc phát hiện sớm ung thư da, trong đó bao gồm ung thư tế bào hắc tố, sẽ giúp việc điều trị trở nên nhẹ nhàng hơn, giảm gánh nặng kinh tế và tăng tỷ lệ sống trên 5 năm. Nếu ở giai đoạn muộn, tỷ lệ này chỉ còn khoảng 10-20%.
Với những người có tiền sử gia đình nhiều người mắc ung thư da hoặc có nhiều tổn thương da bất thường, nên tham khảo ý kiến bác sĩ và thực hiện xét nghiệm di truyền để phát hiện nguy cơ mắc bệnh. Bên cạnh đó, những trường hợp có nguy cơ cao mắc ung thư da bao gồm người có nhiều nốt ruồi bất thường, không đối xứng, đường viền không đều, màu sắc khác biệt (nâu, đen, đỏ), hoặc có đường kính lớn hơn 0,6cm.
Người thường xuyên tiếp xúc với than hoặc các hợp chất asen, làm việc ngoài trời, hoặc từng bị cháy nắng. Người có hệ miễn dịch suy yếu hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch (như sau cấy ghép nội tạng). Người hút thuốc, làm tăng nguy cơ ung thư tế bào vảy, đặc biệt ở da môi. Người có tiền sử gia đình mắc các bệnh di truyền hiếm gặp, như hội chứng Gorlin hoặc bệnh khô da sắc tố.
Phòng ngừa và bảo vệ da khỏi tác hại của tia cực tím là cách hiệu quả nhất để giảm nguy cơ ung thư da, bằng cách sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên. Thoa đều toàn thân ít nhất 10 phút trước khi ra ngoài và nhắc lại mỗi 2 - 3 giờ. Che chắn cơ thể bằng áo chống nắng, mũ rộng vành, kính râm, khẩu trang.
Để phòng bệnh ung thư da, cần thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, bổ sung nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế chất béo, tránh hút thuốc lá, rượu bia và thức khuya. Kiểm soát cân nặng và duy trì hoạt động thể chất thường xuyên. Chủ động tìm hiểu tiền sử gia đình đồng thời duy trì thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý nguy hiểm.
Đức Trân
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/gia-tang-benh-nhan-mac-ung-thu-da-10295502.html