Gia trưởng
Đứng đầu một gia đình là gia trưởng. Đây thường là người cha, trong trường hợp còn ông bà nội, thì ông nội là gia trưởng, vì người cha trong lúc này, so với ông nội vẫn là hàng con.
Theo tục lệ, con cái đã trưởng thành hay đã kết hôn thường sống biệt lập, ngoại trừ người con trưởng, như vậy người cha không có quyền quản lý tài sản của các con khi đã biệt cư, nhưng riêng người con trưởng không được ở riêng nếu cha không bằng lòng. Trong trường hợp đã ra ở riêng, mỗi người con trở nên người gia trưởng của gia đình mình.
Gia đình là tế bào quan trọng nhất của xã hội. Ảnh: Bách Hóa Xanh.
Đối với gia đình, người gia trưởng có uy quyền tuyệt đối:
* Về tế tự, chỉ người gia trưởng mới có quyền giữ việc hương hỏa, thờ cúng tổ tiên.
* Về tài sản, người gia trưởng có quyền quản lý không phải riêng tài sản của mình, mà tất cả các tài sản do vợ con làm không kể tài sản của những người con thứ đã lập gia đình và ở riêng. Tài sản của vợ, do bố mẹ vợ cho, tuy người chồng cũng được quản lý, nhưng muốn cầm bán phải có sự ưng thuận của vợ.
* Về vợ và con cái, gia trưởng có toàn quyền giám đốc. Ngày xưa gia trưởng có quyền bắt vợ đi làm thuê hay đem bán đều được. Gia trưởng còn có quyền sinh sát đối với con cái, nhưng đây chỉ là theo luân lý, về phong tục và luật pháp thì không vậy. Theo luật Gia Long: Vợ là người ngang hàng của chồng (thê giả tề gia), và cha không được đánh chết con, đánh chết con bị (ngày xưa dùng từ phải = bị) phạt 100 trượng.
* Hôn nhân của con cái, gia trưởng có quyền độc đoán bắt con cái phối ngẫu với người nào, con cái không được trái mệnh.
Tóm lại, xưa kia gia trưởng là một ông vua trong gia đình. Lẽ tất nhiên, thời thế đổi thay, văn minh tiến bộ đã làm giảm nhiều quyền hạn của gia trưởng, nhưng gia trưởng vẫn còn nhiều uy quyền, và cũng cần có uy quyền này, gia trưởng mới giữ vững được cương thường gia đạo.
Tộc trưởng
Tộc trưởng là người đứng đầu một họ. Một họ có nhiều chi họ, mỗi chi họ có thể có nhiều phân chi, và mỗi phân chi gồm nhiều gia đình.
Khi vị gia trưởng qua đời, các con trai, từ con trưởng đến con thứ, nếu đã lập gia đình, mỗi người đều đương nhiên trở thành gia trưởng. Thường các con thứ ra ở riêng trước khi cha mẹ qua đời.
Tại miền Nam, chỉ có người con trai út ở lại với bố mẹ. Con trưởng và những người con thứ khác khi trưởng thành được bố mẹ gây dựng bằng cách cưới vợ và mua cho một dương cơ, cấp cho một ít ruộng để tự lập. Đến người con út, sau khi lập gia đình, ở luôn với bố mẹ và thừa hưởng dương cơ của bố mẹ khi bố mẹ qua đời. Đây là điểm đặc biệt khác hai miền Trung và Bắc.
Khi mỗi người con đều trở thành gia trưởng, người con trai trưởng ngoài sự làm chủ gia đình riêng lại còn phải thờ phụng cha mẹ, và như vậy, đối với tất cả các em trai và các chị em gái, người này đã trở thành trưởng chi họ, lẽ tất nhiên các chị em gái ăn theo về họ nhà chồng, nhưng trong việc cúng giỗ bố mẹ và thờ phụng tổ tiên nhà mình vẫn phải theo người con trai trưởng.
Riêng các em trai, gia trưởng của các gia đình nhỏ của họ, mỗi người có thể có nhiều con trai, thì những con trai ấy lại lập gia đình riêng, và cứ như thế mãi, chi họ ngày càng lớn rồi chia làm nhiều phân chi.
Qua sự sinh sản nảy nở, mỗi người đàn ông có thể làm chủ một nhà và làm trưởng một phân chi họ hoặc một chi họ. Tất cả các chi họ và phân chi họ cùng gộp lại thành họ lớn, tức là gia tộc, người đứng đầu chi trưởng, nghĩa là chi đàn anh nhất, gọi là tộc trưởng.
Tộc trưởng phải phụng sự tổ tiên cả họ ở nhà thờ họ, nơi thờ phượng tổ tiên của chi trưởng và tổ tiên từ ngũ đại trở lên của các chi nhánh. Còn tổ tiên từ tứ đại trở xuống của mỗi chi, thờ riêng ở nhà thờ chi trưởng, nơi này thường gọi là bản chi từ đường. Vào các nhà thờ, chúng ta thường được đọc mấy chữ trên kèm với họ của chủ nhân, thí dụ: LÊ TỘC BẢN CHI TỪ ĐƯỜNG, nghĩa là nhà thờ họ Lê của một chi.
Tộc trưởng được quyền dự tất cả mọi cuộc hội họp liên quan tới gia tộc của các chi họ, nhất là Hội đồng gia tộc để quyết định những việc của mỗi ngành: chỉ định người trông nom gia tài của một người trong chi quá cố, con cái còn dưới tuổi trưởng thành, chấp nhận việc lập hương hỏa v.v...
Tộc trưởng cũng có quyền phân xử những việc tranh chấp trong họ, khuyến cáo về mọi việc liên quan tới lễ nghi: hôn sự, tang sự v.v...
Nếu tộc trưởng còn quá trẻ tuổi, thường có một ông chú ruột làm cố vấn giúp đỡ.
Ở miền Nam “tộc trưởng còn là người lớn tuổi hoặc có đức vọng hơn hết trong họ, chứ không theo nguyên tắc đích trưởng như ở miền Bắc và miền Trung”.
Toan Ánh/ NXB Trẻ