Không vượt qua nổi mốc 3.375 USD, giá vàng giảm mạnh trong phiên đầu tuần, về mức hỗ trợ ngắn hạn 3.342 USD/ounce. Phiên giao dịch châu Á sau đó ghi nhận một đợt phục hồi lên 3.365 USD, nhưng nhanh chóng giảm mạnh xuống 3.322 USD/ounce vào trưa thứ Ba.
Thị trường vàng bước vào một giai đoạn tương đối ổn định, giao dịch đi ngang trong một biên độ hẹp từ 3.320 đến 3.342 USD/ounce.
Sáng thứ Tư, một tin đồn liên quan đến khả năng Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell từ chức theo yêu cầu của chính quyền Trump đã tạo ra một cú hích mạnh với giá vàng. Giá giao ngay nhanh chóng tăng vọt từ 3.325 USD/ounce lên 3.363 USD chỉ sau 45 phút.
Tuy nhiên, niềm hưng phấn này không kéo dài. Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và các quan chức khác nhanh chóng đưa ra tuyên bố trấn an thị trường rằng sẽ không có bất kỳ thay đổi nào sắp xảy ra đối với ngân hàng trung ương, giá vàng đã hạ nhiệt.
Giá vàng chạm đáy tuần ở mức 3.312 USD/ounce vào sáng thứ Năm, sau đó nhanh chóng phục hồi và vượt mốc 3.340 USD vào đầu giờ chiều cùng ngày.
Kết thúc tuần, kim loại quý này có một đợt tăng giá cuối cùng trong phiên giao dịch châu Á và châu Âu vào thứ Sáu, đạt đỉnh trên 3.360 USD/ounce. Dữ liệu tích cực về kỳ vọng lạm phát khiến giá vàng điều chỉnh nhẹ, nhưng vẫn duy trì ở mức 3.350 USD/ounce.
Chuyên gia dự báo giá vàng tăng. Ảnh: Chí Hiếu
Dự báo giá vàng
Naeem Aslam, Giám đốc Đầu tư tại Zaye Capital Markets, cho rằng đồng USD đang tìm thấy hỗ trợ khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) dự kiến duy trì lập trường trung lập suốt mùa hè. Trừ khi các số liệu kinh tế sụt giảm mạnh, Fed sẽ khó có thể cắt giảm lãi suất. Điều này đồng nghĩa với việc đồng USD có nhiều khả năng tăng giá. Đây không phải là kịch bản thuận lợi cho giá vàng.
Lukman Otunuga, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại FXTM, nhận định, giá vàng hiện dao động trong phạm vi khá hẹp, với mức hỗ trợ ở 3.290 USD và mức kháng cự tại 3.370 USD.
Giữa bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang, áp lực từ Tổng thống Trump về việc cắt giảm lãi suất và dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Hoa Kỳ, vàng đang thiếu một động lực rõ ràng để bứt phá.
Nhìn xa hơn những biến động ngắn hạn, các nhà phân tích cảnh báo về mối bất hòa dai dẳng giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Powell. Mối quan hệ căng thẳng này có thể tạo ra biến động đáng kể trên thị trường tài chính, thậm chí làm lu mờ các xu hướng ngắn hạn của giá vàng trong tương lai.
Sean Lusk, Giám đốc phụ trách phòng ngừa rủi ro thương mại tại Walsh Trading, cho rằng căng thẳng giữa Tổng thống Donald Trump và Jerome Powell là yếu tố chính giúp giá vàng duy trì ở mức cao như hiện tại, bất chấp việc thị trường có vẻ đã sẵn sàng cho một đợt điều chỉnh.
Về chính sách tiền tệ, ông Lusk dự đoán Fed sẽ không cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 7, và cũng sẽ không vội vàng thực hiện động thái này sau đó.
Liên quan đến các yếu tố thúc đẩy giá vàng trong ngắn hạn và trung hạn, ông Lusk bày tỏ sự hoài nghi về khả năng kim loại quý này sẽ tăng giá mạnh. "Trong hai năm rưỡi qua, các ngân hàng trung ương đã mua vào. Nhưng liệu họ có cần phải tiếp tục mua khi thị trường chứng khoán đang hoạt động tốt hơn dự kiến không?", ông nêu vấn đề.
Theo Lusk, giá vàng đã có một đợt giảm ngắn xuống mức 3.250 USD, và 3.290 USD là mốc hỗ trợ tiếp theo cần theo dõi.
Marc Chandler, Giám đốc điều hành tại Bannockburn Global Forex, bày tỏ sự lạc quan về triển vọng của giá vàng trong những ngày tới. Ông đánh giá, sự phục hồi của lãi suất ngắn hạn tại Mỹ và đợt điều chỉnh tăng của đồng USD có thể đã kết thúc hoặc sắp kết thúc, tạo điều kiện thuận lợi cho vàng.
“Kim loại quý này đã không giao dịch trên mức 3.400 USD trong khoảng một tháng. Tôi kỳ vọng giá vàng sẽ tăng trong những ngày tới”, ông Chandler nói.
Ông cũng khuyến nghị các nhà đầu tư nên theo dõi chặt chẽ đường xu hướng giá vàng từ mức cao kỷ lục khoảng 3.500 USD và mức cao nhất trong tháng 6 là 3.451 USD. Đường xu hướng này dự kiến ở mức gần 3.430 USD vào đầu tuần tới và giảm xuống khoảng 3.425 USD vào cuối tuần.
Nếu vàng vượt qua được các ngưỡng này, đó sẽ là tín hiệu tích cực cho xu hướng tăng giá.
Duy Anh