Giá vàng leo thang, Trung Quốc có thể mạnh tay mua tích trữ

Giá vàng leo thang, Trung Quốc có thể mạnh tay mua tích trữ
14 giờ trướcBài gốc
Theo MarketWatch, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã liên tục mua vàng vật chất để bổ sung vào tài sản dự trữ quốc gia của mình. Ngày càng có nhiều đồn đoán rằng nước này có thể đang bí mật mua thêm kim loại quý như một phần của chiến lược nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.
Liên tiếp mua vàng
Điều này được nhiều nhà đầu tư tin tưởng trong bối cảnh giá vàng dường như không thể giảm mạnh, dù có những thời điểm có nhiều yếu tố chống lại xu hướng đi lên của vàng.
Khoảng 2 tháng qua, giá vàng chỉ giảm xuống ngưỡng 3.300 USD/ounce là bật tăng trở lại và lại hướng đến ngưỡng 3.350 USD/ounce. Trong một khoảng thời gian, yếu tố hỗ trợ mạnh cho vàng - tình hình bất ổn tại Trung Đông - đã dần lắng xuống và không còn được nhắc đến nhiều. Sự ổn định trở lại của Syria đã mở ra một triển vọng ổn định và phát triển cho khu vực này.
Tuy nhiên, giá vàng vẫn tăng nhanh trở lại mỗi khi áp lực chốt lời lên cao. Một số quỹ ETF vàng gần đây đã bán mạnh ra nhưng giá vàng vẫn không xuyên thủng ngưỡng 3.300 USD/ounce.
Trong phiên tối 18/7 (giờ Việt Nam) trên thị trường New York, giá vàng bật tăng lên ngưỡng 3.360 USD/ounce.
Trung Quốc và ngân hàng trung ương nhiều nước vẫn đẩy mạnh mua vàng. Ảnh: KC
Chuyên gia Jan Nieuwenhuijs (Money Metals) cho biết, PBoC bắt đầu tăng cường mua vàng từ đầu năm 2022, thời điểm xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Vào thời điểm đó, phương Tây đã đóng băng dự trữ ngoại hối của Nga (bằng đồng USD và euro). Lo ngại về khả năng đồng USD bị vũ khí hóa, theo một cách chưa từng thấy, các ngân hàng trung ương nước ngoài đã mua vàng với một lượng kỷ lục.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), năm 2022, lần đầu tiên sau nhiều năm PBoC công bố báo cáo về việc tăng dự trữ vàng. Tuy nhiên, con số này do chính PBoC đưa ra, trong khi việc thu thập dữ liệu chính xác từ Trung Quốc vốn là một thách thức do tính bảo mật.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Money Metals - Stefan Gleason, cho rằng, việc Trung Quốc hạn chế công khai thông tin là hoàn toàn hợp lý.
“Xét cho cùng, việc bất kỳ người mua nào thực hiện các hành động khiến giá mua của họ đắt hơn mức cần thiết đều không có lợi cho họ", ông nói.
WGC thông tin, PBoC đã báo cáo tổng lượng vàng mua vào là 62 tấn trong tháng 11 và tháng 12 năm 2022, nâng tổng dự trữ vàng của nước này lần đầu tiên lên hơn 2.000 tấn. Trong năm 2023, PBoC là ngân hàng trung ương mua vàng nhiều nhất trên thế giới, khi bổ sung thêm 225 tấn vào dự trữ vàng của mình, nâng tổng số vàng dự trữ lên 2.235 tấn.
Trong năm 2024, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã mua 44 tấn vàng, trong đó 29 tấn được mua từ tháng 1 đến tháng 4. Sau đó, PBoC không báo cáo bất kỳ thay đổi nào về dự trữ vàng cho đến khi hoạt động mua vàng được nối lại vào tháng 11/2024. Tính đến cuối năm 2024, PBoC nắm giữ 2.280 tấn vàng, chiếm 5% tổng dự trữ quốc tế.
Gleason cho rằng, Trung Quốc và các quốc gia khác muốn giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại toàn cầu cũng cho thấy Mỹ sẽ rút lui khỏi hoạt động thương mại quốc tế, do đó "các quốc gia khác có ít lý do hơn để nắm giữ nhiều USD như vậy".
Trung Quốc có thể đang nắm giữ 33.000 tấn vàng
Khi được hỏi liệu PBoC có thể đang mua nhiều vàng hơn mức công bố hay không, Joe Cavatoni, chiến lược gia thị trường tại WGC, cho hay đang có cuộc thảo luận trên thị trường về việc "liệu các giao dịch mua có được PBoC báo cáo đầy đủ?".
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng "khả năng có nhiều chuyện xảy ra hơn những gì được báo cáo".
Hiện tại, Mỹ vẫn là quốc gia sở hữu dự trữ vàng (theo công bố chính thức) lớn nhất với khoảng 8.100 tấn, theo sau là Đức (khoảng 3.350 tấn), Italia (2.450 tấn) và Pháp (2.440 tấn). Nga sở hữu 2.300 tấn.
Trong một báo cáo hồi cuối năm 2023, Dominic Frisby - nhà sáng lập FlyingFrisby (một tổ chức có trụ sở tại London chuyên đầu tư vào các thị trường, trong đó có vàng), dự đoán, lượng vàng mà Trung Quốc nắm giữ cao gấp 10 lần so với con số được công bố công khai. Theo đó, Trung Quốc có thể đang nắm giữ 33.000 tấn vàng, tương đương khoảng 3.300 tỷ USD (theo giá hiện tại).
Frisby cho rằng Trung Quốc đang nuôi tham vọng rất lớn. Là nước sản xuất và nhập khẩu vàng lớn nhất thế giới, nhưng phương châm của Bắc Kinh là “không được tỏa sáng quá rực rỡ”.
Frisby tính toán, trong thế kỷ 21, Trung Quốc đã khai thác được khoảng 7.000 tấn vàng. Hơn 50% hoạt động khai thác vàng của Trung Quốc được thực hiện bởi các tổ chức thuộc sở hữu nhà nước và nước này không xuất khẩu vàng mà họ khai thác. Tất cả số vàng này được tích trữ trong nước.
Về khía cạnh nhập khẩu, không có con số chính xác về số lượng vàng Trung Quốc đã mua từ Thụy Sĩ, Dubai hay London, nhưng Frisby đưa ra một số con số ước tính: đã có 22.000 tấn vàng đã được rút ra khỏi Sàn giao dịch vàng Thượng Hải. Ngoài ra, khoảng 4.000 tấn vàng nữa thuộc sở hữu của Chính phủ Trung Quốc ở thời điểm năm 2000.
Tổng cộng, Frisby ước tính Trung Quốc đang nắm giữ ít nhất 33.000 tấn vàng và một nửa trong số đó có thể thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc. Số lượng vàng này gấp 4 lần số lượng vàng Mỹ có.
Tại thị trường Việt Nam, giá vàng có xu hướng tăng trở lại. Cụ thể, tới cuối phiên giao dịch ngày 18/7, giá vàng miếng 9999 tại SJC và Doji được niêm yết ở mức 119,5-121 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). SJC công bố giá vàng nhẫn loại 1-5 chỉ ở mức 114,2-116,7 triệu đồng/lượng, trong khi tại Doji là 115,9-118,4 triệu đồng.
Mạnh Hà
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/gia-vang-leo-thang-trung-quoc-co-the-manh-tay-mua-tich-tru-2423361.html