'Giấc mơ Nobel cho người Việt hoàn toàn có thể trở thành sự thực'

'Giấc mơ Nobel cho người Việt hoàn toàn có thể trở thành sự thực'
6 giờ trướcBài gốc
Ngày 20-7, tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về Phát triển nền tảng văn hóa, giáo dục trong kỷ nguyên mới.
TS Trần Tuấn Sang (nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu Công nghệ Lượng tử Tiên tiến Queensland Australia) đã nhắc lại câu nói “mong muốn Việt Nam sẽ có người đoạt giải Nobel” của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến công du tại Thụy Điển hồi tháng 6-2025 và cho rằng, để hiện thực hóa điều này, Việt Nam cần tích cực hội nhập vào các mạng lưới khoa học toàn cầu, đặc biệt là hệ sinh thái Nobel.
Theo TS Sang, đây là nơi không chỉ có tri thức mà còn là nơi hình thành các mối quan hệ, đề cử, và công nhận quốc tế để tạo tiền đề cho người Việt đoạt giải Nobel trong tương lai.
TS Trần Tuấn Sang đề cập đến giấc mơ Nobel cho người Việt. Ảnh: VIẾT THỊNH
TS Trần Tuấn Sang cũng khẳng định, giấc mơ Nobel cho người Việt là hoàn toàn có thể trở thành sự thực nếu có lộ trình cụ thể, sự đầu tư đúng đắn và chiến lược hội nhập sâu với giới khoa học quốc tế.
Đại biểu Lê Nguyễn Minh Phương (giảng viên chuyên ngành về ngoại ngữ tại Hàn Quốc) bày tỏ mơ ước: Thế hệ trẻ Việt ở bất cứ đâu vẫn tự tin nói được tiếng Việt, hiểu về nguồn cội quê hương và luôn tự hào nói "Tôi là người Việt Nam".
Đề cập đến vai trò của tri thức trẻ trong thời đại số, đại biểu Lê Nguyễn Minh Phương khẳng định, tri thức trẻ có hai vai trò chính: một là cầu nối và hai là kết nối cầu nối.
Các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về Phát triển nền tảng văn hóa, giáo dục trong kỷ nguyên mới. Ảnh: VIẾT THỊNH
“Nếu như ngày xưa thì tôi rất hay trăn trở: Về như thế nào, ở lại thì chúng ta có thể làm gì cho quê hương được không? Còn bây giờ thì chúng ta hoàn toàn có thể đóng góp từ xa, bằng nhiều cách” - Lê Nguyễn Minh Phương nói.
Tuy nhiên cô cũng chỉ ra thực trạng có nhiều rào cản về mặt chính sách và thể chế.
Cô nêu vấn đề: Ví dụ bây giờ một bạn đang là giáo sư ở nước ngoài, với mức lương và môi trường nghiên cứu như vậy, bạn có thể hướng dẫn cho nhiều người tiếp cận với những kiến thức mà bạn có và kết nối cộng đồng một tuần. Nhưng khi bạn trở về nước thì sao?.
“Trở về nước lại là câu chuyện bao nhiêu tín chỉ giảng dạy trong năm, những công việc kiêm nhiệm, lương... Trở về là để đóng góp, nhưng mà mình chỉ vật lộn với cuộc sống của cá nhân và mình không thể nào hỗ trợ cho được những người khác, cho cộng đồng xung quanh mình” - Lê Nguyễn Minh Phương đề cập.
Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI khai mạc ngày 19-7 với chủ đề Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu góp sức cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Sự kiện thu hút 201 đại biểu chính thức, hơn 300 đại biểu dự thính và khách mời trong và ngoài nước tham dự theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Diễn đàn tập trung thảo luận bốn nhóm nội dung gồm: Ứng dụng AI và các công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất lao động; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với kinh tế xanh và phát triển bền vững; thích ứng với những thách thức từ biến đổi toàn cầu; phát triển nền tảng văn hóa, giáo dục trong kỷ nguyên mới.
VIẾT THỊNH
Nguồn PLO : https://plo.vn/giac-mo-nobel-cho-nguoi-viet-hoan-toan-co-the-tro-thanh-su-thuc-post861375.html