Bạn đọc THANH TÂM (34 tuổi, ngụ TP HCM) hỏi:
Vừa rồi, tôi có leo núi về, sau đó, các cơ bắp chân đau nhức. Tôi đã làm theo hướng kéo giãn để giải cơ nhưng vẫn không khỏi? Xin bác sĩ cho biết làm sao để giải cơ đúng cách sau khi vận động cường độ cao?
Kỹ thuật viên phục hồi chức năng LÊ THỊ MINH THỊNH, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM (cơ sở 3), trả lời: Giải cơ là cách gọi phổ biến trong lĩnh vực trị liệu thủ công, phục hồi chức năng và chăm sóc hệ cơ, xương, khớp. Thuật ngữ này mô tả các kỹ thuật nhằm làm mềm mô cơ, giảm co cứng, cải thiện tuần hoàn và hỗ trợ phục hồi vận động. Giải cơ có thể được chỉ định khi người bệnh gặp tình trạng cơ bị co rút kéo dài do: làm việc sai tư thế trong thời gian dài; tập luyện sai kỹ thuật hoặc quá sức; tổn thương mô mềm sau chấn thương. Hoặc có vấn đề về thần kinh, cột sống, khớp ảnh hưởng đến dẫn truyền thần kinh - cơ. Những trường hợp này thường gây đau, hạn chế vận động và ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.
Giải cơ là làm mềm mô cơ, giảm co cứng, cải thiện tuần hoàn và hỗ trợ phục hồi vận động .Minh họa AI: HẢI YẾN
Các kỹ thuật thường gặp trong xoa bóp trị liệu và phục hồi chức năng như xoa, miết làm nóng cơ, tăng lưu thông máu; day, bóp, lăn làm mềm mô cơ giảm co thắt; ấn huyệt tác động điểm đau (trigger point); kéo giãn cơ khôi phục độ dài cơ sinh lý và cải thiện biên độ vận động. Các vùng dễ được can thiệp là cổ - vai - gáy, thắt lưng, đùi, mông, cẳng chân, bàn chân - nơi dễ bị ảnh hưởng bởi tư thế sai hoặc vận động quá mức.
Tuy nhiên, nhiều người lầm tưởng "càng mạnh càng hiệu quả". Thực tế, lực tác động quá mức có thể gây bầm tím, tụ máu, rách mô liên kết, gây lệch khớp hoặc chèn ép thần kinh. Vì vậy, không nên tự ý thực hiện kỹ thuật "giải cơ" theo hướng dẫn trên mạng. Theo y học cổ truyền, có các phương pháp như xoa bóp - bấm huyệt; châm cứu, cứu ngải, ôn châm; giác hơi.
H.Yến ghi