Giải mã những quả ném biên của Indonesia và đối sách nào cho đội tuyển Việt Nam

Giải mã những quả ném biên của Indonesia và đối sách nào cho đội tuyển Việt Nam
7 giờ trướcBài gốc
Trước chuyến làm khách trên sân Manahan Stadium của Indonesia, HLV Ha Hyeok-Jun của ĐT Lào đã nhấn mạnh những quả ném biên của Pratama Arhan là “vũ khí lợi hại của Tim Garuda”, đồng thời nói rằng “chúng không khác gì đá phạt góc”.
Hẳn nhiên chiến lược gia người Hàn Quốc đã mất nhiều thời gian trên sân tập ở News Laos National Stadium để lên phương án ngăn chặn. Chỉ có điều khi ra thực tế, nó vẫn quá khó để đối phó.
Trong trận đấu tối 12/12, khi các cầu thủ Lào vẫn còn ngây ngất với bàn thắng dẫn trước 2-1, phút 18, từ đường biên Arhan thực hiện quả ném biên rất mạnh thẳng vào vòng cấm. Quả bóng bay lên rất cao rồi rót thẳng vào khu vực đông đúc trước cầu môn. Thủ môn của Lào cố gắng nhảy lên nhưng bóng vọt qua tay, khẽ chạm vào Rayhan Hannan rồi đi vào lưới.
Cầu thủ Indonesia ăn mừng trong trận hòa 3-3 trước ĐT Lào.
Lào không phải nạn nhân đầu tiên của Arhan. Người hâm mộ Việt Nam chắc còn nhớ hồi tháng 3, trong trận đấu thuộc vòng loại thứ hai World Cup 2026, từ khoảng cách còn xa hơn, ước chừng 35m, hậu vệ trái của Indonesia cũng đưa trái bóng bằng tay tới khu cấm địa. Bóng lướt qua hàng loạt cái đầu rồi đến vị trí của Tuấn Tài.
Thật không may, cầu thủ của Thể Công Viettel lại đánh đầu hụt và sau đó, tới lượt Minh Trọng lúng túng đẩy bóng đúng vị trí của Egy Maulana Vikri. Một bàn thắng được ghi dễ dàng, mang lại chiến thắng 1-0 cho Indonesia.
Khi hết trận, HLV Philippe Troussier nhấn mạnh đó là lỗi cá nhân, đồng thời trần tình rằng đội tuyển đã tập luyện rất kỹ phương án chống các quả ném biên. Rõ ràng cách giải thích này rất thiếu thuyết phục, bởi xem kỹ lại tình huống thủng lưới dễ nhận ra, các cầu thủ Việt Nam hoàn toàn bị động. Bên cạnh đó, cũng để các cầu thủ Indonesia di chuyển tự do để đón bóng hai. Tại SEA Games 32, U23 Việt Nam của Troussier cũng nhận 2 bàn thua từ các quả ném biên. Thế nhưng không có bài học nào được rút ra.
Tình huống lúng túng của hàng thủ Việt Nam sau quả ném biên của Arhan, dẫn đến bàn thắng duy nhất của Egy Maulana Vikri ở Vòng loại thứ hai World Cup 2026.
Mặc dù vậy, phải nói rằng những quả ném biên của Arhan quá khó lường. Người ta thường so sánh cầu thủ trẻ của Indonesia với Rory Delap, chuyên gia ném biên của Stoke City trước đây. Tuy nhiên các quả ném của Arhan có độ xoáy cao hơn, đồng thời đi theo đường vòng cung khiến các đối thủ rất khó đoán đúng điểm rơi.
Theo Arhan, anh bắt đầu phát hiện và trau dồi kỹ năng ném biên từ năm 2017, khi còn ở đội trẻ SSB Terang Bangsa. Sau này trở thành một phần của đội U19 Indonesia nhằm chuẩn bị cho U20 World Cup (giải đấu bị hủy vì đại dịch Covid-19), Arhan được HLV Shin Tae-yong khuyến khích biến những quả ném biên thành vũ khí. Anh tiếp tục hoàn thiện kỹ năng đặc biệt này trong màu áo PSIS Semarang, rồi Tokyo Verdy và Suwon FC.
Tiết lộ từ trang Tempo cho biết, các bài kiểm tra thể chất nhấn mạnh lực cánh tay ấn tượng của Arhan, giúp hậu vệ 22 tuổi có thể ném quả bóng đi xa hàng chục mét, còn độ cao có thể lên tới hơn 20m. Vì vậy những quả ném biên của Arhan thậm chí có hiệu suất ăn bàn cao hơn phạt góc hay đá phạt.
Những quả ném biên của Arhan trở thành vũ khí lợi hại của Indonesia.
Arhan sở hữu lực cánh tay cực khỏe, đồng thời làm chủ kỹ thuật ném biên.
Cho đến nay, có ít nhất 8 trận Indonesia kiếm được bàn thắng từ đôi tay của Arhan. Các nạn nhân bao gồm cả Nhật Bản và Trung Quốc. Ở trận giao hữu với đương kim vô địch thế giới Argentina năm 2023, Tim Garuda suýt có bàn thắng nếu thủ môn Emiliano Martinez không có pha cản phá xuất thần sau cú đánh đầu ngược của Elkan Baggott, người đón được cú ném biên từ Arhan.
Tờ La Nacion của Argentina sau đó gọi Arhan là “anh chàng điên rồ trên đường pitch” khi mang đến rất nhiều rắc rối từng những quả ném biên.
Arhan thực sự rất đặc biệt. Nhưng cũng phải nói thêm, để tối ưu kỹ năng này, Indonesia đã xây dựng một chiến lược công phu.
Vì những quả ném biên của Arhan khó khống chế, Tim Garuda thường bố trí nhân sự ở các vị trí quả bóng có thể bật ra, tận dụng sự hỗn loạn và ghi bàn. Họ cũng rất giỏi trong việc khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn, bằng cách cắt đặt một cầu thủ cản trở thủ môn đối phương di chuyển, trong khi một người khác làm nhiệm vụ hạn chế tầm nhìn.
Indonesia đã xây dựng một chiến lược nhằm tối ưu hóa các quả ném biên.
Trận gặp Việt Nam hay bàn thắng phút 77 vào lưới Myanmar cách đây ít ngày là các ví dụ. Hàng loạt cầu thủ nhảy lên nhưng không ai có thể tiếp cận trái bóng, trong khi thủ môn rơi vào thế bị động. Bóng lăn ra đúng vị trí của Asnawi, người sút bóng dội cột, bật vào Zin Nyi Nyi Aung rồi đi vào lưới.
Thomas Gronnemark, người từng làm HLV ném biên của Liverpool thời Juergen Klopp, chia sẻ, một quả ném biên không chỉ bao gồm kỹ thuật ném, mà còn liên quan đến việc nhận bóng, di chuyển ra sao, chọn vị trí ở đâu và tạo không gian như thế nào.
Do đó, chống các quả ném biên của Arhan ngoài những cầu thủ có chiều cao, phán đoán và tranh chấp tốt, còn phải lên kế hoạch theo kèm các cầu thủ Indonesia đang chờ đợi tình huống bóng hai. Thủ môn cũng luôn luôn nắm thế chủ động, tạo cho mình không gian hoạt động tốt và sẵn sàng băng ra mỗi khi có thể.
Hy vọng HLV Kim Sang-sik có thể làm tốt hơn người tiền nhiệm Troussier và chuẩn bị phương án hiệu quả cho các quả ném biên của Indonesia. Có thể nói đội bóng xứ vạn đảo lần này không quá mạnh, và dựa vào vũ khí chính mang tên Arhan. Nếu kiểm soát tốt các tình huống ném biên, cơ hội để ĐT Việt Nam chiến thắng là rất lớn.
ASEAN Mitsubishi Electric Cup 2024 được trình chiếu trực tiếp và trọn vẹn trên FPT Play, tại: http://fptplay.vn
Thanh Hải
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/giai-ma-nhung-qua-nem-bien-cua-indonesia-va-doi-sach-nao-cho-doi-tuyen-viet-nam-post1700283.tpo