Giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng còn lại: Chỉ đạo quyết liệt, giải pháp cụ thể

Giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng còn lại: Chỉ đạo quyết liệt, giải pháp cụ thể
2 giờ trướcBài gốc
Đang thi công một tuyến đường. Ảnh minh họa
9 tháng giải ngân đạt thấp
9 tháng năm 2024, Tây Ninh ước giải ngân vốn đầu tư công hơn 2.267 tỷ đồng, đạt trên 54% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt trên 53% kế hoạch HĐND tỉnh giao. Trong khi đó, chỉ còn 4 tháng nữa sẽ kết thúc giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
Theo kế hoạch năm 2024, vốn ngân sách Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ giao cho Tây Ninh hơn 4.170 tỷ đồng; HĐND tỉnh giao hơn 4.250 tỷ đồng, tăng hơn 76 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Như vậy chỉ trong 4 tháng, Tây Ninh sẽ phải giải ngân số vốn gần bằng với 9 tháng đã thực hiện. Mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công trong quý III trên địa bàn tỉnh phải đạt ít nhất 75%; đến cuối năm đạt trên 95%.
Tính đến hết tháng 8.2024, có 5 đơn vị chủ đầu tư cấp tỉnh có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt cao. Dẫn đầu là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 100%, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội 82,42%, Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh 77,23%, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh gần 77%, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 61,36%. Có 9 đơn vị giải ngân đạt từ 2,19% đến dưới 50%; 5 đơn vị giải ngân 0%.
Cấp huyện, chỉ có Châu Thành giải ngân đạt 71,33%; Tân Biên 68,28%; thành phố Tây Ninh gần 65%; thị xã Hòa Thành 63,05%; Gò Dầu 51,21%. Bốn huyện còn lại có tỷ lệ giải ngân dưới 50%, trong đó, thị xã Trảng Bàng giải ngân đạt 8,76%.
Nhận diện hạn chế, kiên quyết khắc phục, không để rơi vào tình trạng 0 đồng
Một trong những khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh là công tác giải phóng mặt bằng hoặc các thủ tục về đất đai; xử lý của nhà thầu trên công trường, xử lý tiến độ thi công chưa tốt; một số dự án chuyển tiếp có số vốn lớn nhưng giải ngân chậm do phải thực hiện công tác điều chỉnh, phát sinh hạng mục cho phù hợp tình hình triển khai thực tế của dự án; một số khác do năng lực của nhà thầu, đơn vị tư vấn còn hạn chế.
Tại phiên họp giao ban xây dựng cơ bản quý III, ông Dương Văn Thắng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng các đơn vị chủ đầu tư đã có nhiều nỗ lực. Tuy nhiên, 4 tháng còn lại sẽ là một áp lực lớn; trong bối cảnh hiện tại, nếu không có quyết tâm cao thì khó có thể đẩy tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công lên.
Ông Dương Văn Thắng đề nghị các sở, ngành, địa phương, ban quản lý dự án, chủ đầu tư phải tăng tốc và nỗ lực hơn nữa, nhất là đối với các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp trong 9 tháng qua.
Các chủ đầu tư phải tích cực khẩn trương, có trách nhiệm nghiệm thu khối lượng khi nhà thầu hoàn thành, thanh toán vốn kịp thời; không vì lý do gì mà làm khó, làm chậm. Bên cạnh đó, chủ đầu tư tăng cường kiểm tra hiện trường, kiểm tra thi công và việc thực hiện cam kết của các nhà thầu; phải xử lý đơn vị thầu nhiều lần vi phạm cam kết về tiến độ thi công.
Ảnh minh họa
Từ thực trạng triển khai thực hiện, tiến độ giải ngân như hiện nay, ông Nguyễn Thanh Ngọc- Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp cụ thể gắn với trách nhiệm của từng chủ đầu tư. Chủ tịch UBND tỉnh chia các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh làm 3 nhóm để có những biện pháp thúc đẩy thi công hiệu quả.
Trong đó, nhóm một là những dự án đang chờ đấu thầu. Đây là nhóm có nhiều nguy cơ cao rơi vào tình trạng giải ngân 0 đồng. Công tác đấu thầu phải chuẩn bị chu đáo, làm kỹ, lựa chọn đúng nhà thầu có năng lực, phải bảo đảm thời gian. Nếu chủ đầu tư chủ quan để vướng mắc, đến tháng 12 mới hoàn thành đấu thầu thì sẽ không giải ngân được.
Nhóm hai là những dự án đang thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng. Nhóm này có 2 khả năng xảy ra: nếu địa phương thực hiện tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng thì tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công sẽ tăng; nhưng đến tháng 10 công tác bồi thường giải phóng mặt bằng không hoàn thành thì sẽ không tăng tỷ lệ giải ngân.
Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý các địa phương, chủ đầu tư, ban quản lý dự án đang có những dự án đã được phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng trước đây và đang triển khai thì không dừng lại, phải tiếp tục thực hiện. Tới đây, UBND tỉnh sẽ hoàn thiện và ban hành quyết định quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, áp dụng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; những dự án đang lập phương án bồi thường sẽ tích hợp vào.
Nhóm ba là các dự án đang có điều chỉnh về dự án đầu tư và một số dự án đang tổ chức đấu thầu. Trong đó, dự án đang tổ chức đấu thầu có nguy cơ cao không có khối lượng để tạm ứng tối đa 30%. Vấn đề đáng lo ngại và cũng là một trong những khó khăn về chủ quan được nhận diện, đó là, năng lực của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn còn hạn chế, nhất là các dự án có khối lượng lớn thuộc lĩnh vực nông nghiệp, giao thông vận tải. Vì vậy, cần nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư, phải thật quyết liệt, quyết tâm; trong lựa chọn nhà thầu đặc biệt chú ý, kiên quyết không để lọt những đơn vị thầu “tay không bắt giặc”.
Xử lý nghiêm, triệt để đối với nhà thầu hoãn thi công dự án nhiều lần
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, chủ đầu tư phải rà soát lại tiến độ, nguyên nhân đúng về việc chậm giải ngân để có giải pháp, xây dựng sơ đồ Gantt trong xây dựng thủ tục, trong triển khai thi công giải ngân, gửi về UBND tỉnh trước ngày 28.9 để theo dõi đánh giá. Chủ đầu tư tăng cường công tác giám sát đơn vị đấu thầu, đơn vị tư vấn; xử lý nghiêm, triệt để đối với nhà thầu đã hoãn thi công dự án nhiều lần.
Chủ đầu tư quan tâm giải quyết thủ tục tạm ứng, thủ tục giải ngân, tránh nhũng nhiễu. Thủ trưởng đơn vị làm chủ đầu tư phải giám sát các cá nhân thực hiện công tác này. Trong quá trình triển khai có vướng mắc, tập trung giải quyết theo các cấp độ (địa phương, sở, ngành, UBND tỉnh). Những vướng mắc cần xử lý theo thẩm quyền của UBND tỉnh phải báo cáo ngay, không chờ họp. Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, đánh giá tiến độ, tham mưu cho UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn.
Năm 2024, Tây Ninh tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác đầu tư công. Cuối năm, tỉnh sẽ xếp loại đánh giá thủ trưởng đơn vị trên cơ sở kết quả thực hiện giải ngân vốn đầu tư công được giao. Đơn vị nào giải ngân vốn đầu tư công không đạt chỉ tiêu do nguyên nhân chủ quan thì sẽ hạ bậc thi đua. Từ 2025 trở đi, đơn vị nào đề xuất chủ trương đầu tư mới các dự án thì phải hoàn thành thủ tục trong quý IV, để quý I năm sau triển khai.
Đối với việc bổ sung, điều chuyển vốn, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp đề xuất; tuy nhiên, chỉ điều chuyển vốn đối với các đơn vị có chủ trương của UBND tỉnh. Các đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ phân khai vốn nhưng dư vốn thì chuyển lại để phân bổ; tỉnh không chấp nhận việc các chủ đầu tư điều hành giải ngân kém rồi xin điều chuyển vốn.
Phương Nguyệt
Nguồn Tây Ninh : https://baotayninh.vn/giai-ngan-von-dau-tu-cong-4-thang-con-lai-chi-dao-quyet-liet-giai-phap-cu-the-a179301.html