Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách nhằm giảm thiểu tác hại của thuốc lá. Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá với hàng loạt quy định cấm hút thuốc nơi công cộng, cảnh báo hình ảnh trên bao bì, hay tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đều là những bước đi đúng hướng. Tuy nhiên, số người hút thuốc ở Việt Nam vẫn ở mức cao.
Theo thống kê của Bộ Y tế hiện nay, ước tính nước ta có khoảng 15,6 triệu người trưởng thành hút thuốc lá, chiếm 22,5% dân số. Trong đó, tỷ lệ nam giới hút thuốc chiếm 45,3% và nữ giới là 1,1%. Việt Nam thuộc nhóm 15 quốc gia có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới, với trung bình số điếu thuốc hút trong ngày lên tới gần 217 triệu điếu.
Bà Tomoko Iida - Giám đốc Kết nối Khoa học của khu vực Nam Á, Đông Nam Á cho rằng, một chiến lược tiếp cận dựa trên nghiên cứu khoa học là hướng đi mà Việt Nam có thể xem xét trong việc giảm hút thuốc lá
Chia sẻ tại sự kiện Technovation mới đây, bà Tomoko Iida - Giám đốc Kết nối Khoa học của khu vực Nam Á, Đông Nam Á, Tập đoàn Philip Morris International (PMI) cho biết, kinh nghiệm giảm hút thuốc lá từ các quốc gia tiên tiến như Nhật Bản, Thụy Điển và bằng chứng khoa học cho thấy: Một chiến lược tiếp cận dựa trên nghiên cứu khoa học là hướng đi mà Việt Nam có thể xem xét.
Năm 2014, lần đầu tiên Nhật Bản chứng kiến sản phẩm thuốc lá không khói được giới thiệu thí điểm tại Nagoya. Khi ấy, khái niệm "thuốc lá không đốt cháy" gần như không được biết đến. Thách thức lớn nhất không nằm ở sản phẩm, mà là ở nhận thức làm sao để người dân hiểu rằng chính quá trình đốt cháy mới là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh trong hành vi hút thuốc.
Nhờ truyền thông hiệu quả và chính sách quản lý dựa trên bằng chứng khoa học, chỉ trong vòng 9 năm, doanh số thuốc lá điếu ở Nhật giảm một nửa, từ 186 tỷ điếu (2014) xuống còn 92 tỷ điếu (2023). Tỷ lệ người hút thuốc lá điếu giảm từ 19,6% xuống còn 9,4% – vượt cả mục tiêu quốc gia đề ra cho năm 2032.
Đặc biệt, tỷ lệ giới trẻ sử dụng thuốc lá không khói ở Nhật cực kỳ thấp, dưới 0,1%, cho thấy chính sách quản lý chặt chẽ có thể ngăn chặn nguy cơ sản phẩm mới gây nghiện trong giới trẻ.
Việc có chính sách quản lý hiệu quả giúp các quốc gia giảm mạnh tỷ lệ hút thuốc lá
Khác với Nhật Bản, Thụy Điển đã tiếp cận giảm hút thuốc lá từ nhiều thập kỷ trước bằng một sản phẩm truyền thống: thuốc lá ngậm không đốt cháy, hấp thụ nicotine qua niêm mạc miệng. Từ những năm 1970, sản phẩm này đã phổ biến trong nam giới Thụy Điển và giúp quốc gia này đạt được tỷ lệ ung thư phổi thấp nhất châu Âu. Khi sản phẩm túi ngậm nicotine ra đời, tốc độ chuyển đổi càng nhanh hơn.
Hiện nay, doanh số thuốc lá ngậm và túi ngậm nicotine đã vượt thuốc lá điếu tại Thụy Điển. Theo nghiên cứu, tác động tích cực về mặt sức khỏe cộng đồng cần 10–20 năm mới thể hiện rõ rệt, nhưng xu hướng đã rõ: nhóm chuyển đổi sớm có tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn hẳn.
Thậm chí, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA Hoa Kỳ) đã cho phép thuốc lá ngậm lưu hành với chỉ định “giảm nguy cơ”, vì dữ liệu cho thấy người chuyển từ thuốc lá điếu sang loại này có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và phổi thấp hơn rõ rệt. Đây là một thay đổi lớn trong nhận thức và chính sách y tế công cộng.
Theo bà Tomoko Ilida, một thực tế cần được nhìn nhận nhiều người hút thuốc lá sẽ không thể từ bỏ ngay lập tức, bất chấp các nỗ lực cấm đoán hay cảnh báo từ cơ quan chức năng. Vì vậy, việc tạo điều kiện cho họ tiếp cận các sản phẩm ít gây hại hơn là lựa chọn thực tế. Đây cũng chính là triết lý của mô hình "Giảm tác hại thuốc lá" không phủ nhận sự tồn tại của nicotine, mà chuyển hướng tiêu thụ nicotine sang các hình thức không đốt cháy – vốn loại bỏ hàng nghìn chất độc sinh ra từ quá trình cháy.
Theo nghiên cứu của FDA Hoa Kỳ, Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, và Dịch vụ Y tế Quốc gia chính phủ Anh, chính khói đốt chứ không phải nicotine mới là thủ phạm chính gây ung thư hay các bệnh lý liên quan đến thuốc. Việc sử dụng nicotine hợp lý qua sản phẩm sạch hơn vẫn có thể đáp ứng nhu cầu sinh lý (tăng tập trung, giải tỏa căng thẳng), đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực lên sức khỏe.
Từ câu chuyện của Nhật và Thụy Điển, một bài học rõ ràng cho thấy chuyển đổi hành vi là yếu tố then chốt để giảm số người hút thuốc lá điếu. Việc áp dụng chiến lược mới – dựa trên bằng chứng khoa học, đặt sức khỏe cộng đồng lên hàng đầu nhưng cũng không phủ nhận nhu cầu thực tế là hướng đi giúp giảm được số người hút thuốc, góp phần xây dựng một xã hội khỏe mạnh, văn minh hơn.
P.V