Giảm thuế nhiều sẽ ảnh hướng đến khả năng cân đối ngân sách địa phương

Giảm thuế nhiều sẽ ảnh hướng đến khả năng cân đối ngân sách địa phương
5 giờ trướcBài gốc
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội trả lời câu hỏi của các phóng viên báo chí.
Khớp thời gian Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi có hiệu lực
Tại họp báo sau Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, liên quan đến câu hỏi của phóng viên về giảm thuế giá trị gia tăng, ông Nguyễn Tuấn Anh - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết, Quốc hội đã quyết nghị tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025 để kích cầu cho nền kinh tế.
Chính sách này đã thực hiện thời gian qua, có những tác động nhất định, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Do đó, Quốc hội đồng tình với Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện chính sách này.
Lý giải vì sao chính sách giảm thuế không thực hiện trong cả năm thay vì 6 tháng đầu năm 2025, ông Nguyễn Tuấn Anh cho hay, vấn đề này liên quan đến cân đối ngân sách các địa phương. Hiện nay, dự toán ngân sách đã được Quốc hội thông qua, do đó việc giảm thuế nhiều sẽ ảnh hưởng đến khả năng cân đối ngân sách.
Cùng với đó, Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Do đó, việc thực hiện giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025 là phù hợp, khi hết thực hiện giảm thuế sẽ chuyển sang thực hiện theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi.
Bám sát chiến lược cải cách hệ thống thuế
Liên quan đến giảm thuế cho cơ quan báo chí, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho hay, vừa qua, khi sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng, Chính phủ đã bám sát Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 là mở rộng cơ sở thuế, giảm các đối tượng không chịu thuế cũng như thuế suất 5% để tiến tới thống nhất 1 mức thuế suất. Tuy nhiên, Chính phủ đã đánh giá nhiều lĩnh vực hàng hóa dịch vụ để điều chỉnh đối tượng không chịu thuế cũng như giảm thuế suất 5%, nhưng việc điều chỉnh rất khó, chỉ điều chỉnh được một số lĩnh vực ngành nghề.
Một số đại biểu cũng đề nghị đối với lĩnh vực văn hóa, trong đó có báo chí thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng. Thông lệ quốc tế cũng cho thấy việc giảm thuế sẽ không đảm bảo công bằng đối với các lĩnh vực. Do đó, một số lĩnh vực dịch vụ phải nghiên cứu để tăng dần thuế suất chứ không phải giảm đi.
Tuy nhiên, thời gian qua, những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch COVID-19, Chính phủ và Quốc hội khi xem xét cũng cố gắng giữ nguyên thuế suất 5% với một số ngành hàng, không điều chỉnh tăng.
Giải đáp câu hỏi của phóng viên về giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, Luật Thuế thu nhập cá nhân đã giao Chính phủ khi có điều chỉnh CPI thì trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Trong thời gian qua, Bộ Tài chính tập trung vào các chính sách liên quan đến các lĩnh vực đang ách tắc, vướng mắc cần tháo gỡ ngay để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Ngay trong sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng cũng đã điều chỉnh ngưỡng chịu thuế từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng, tăng gấp đôi; đồng thời cũng điều chỉnh cả Luật Thuế thu nhập cá nhân để đồng bộ về quy định đối với các cá nhân, hộ kinh doanh.
Với vấn đề giảm trừ gia cảnh, Chính phủ sẽ trình khi sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân và Quốc hội sẽ xem xét quyết định theo đúng quy định pháp luật.
Trần Huyền
Nguồn Tài Chính : http://tapchitaichinh.vn/giam-thue-nhieu-se-anh-huong-den-kha-nang-can-doi-ngan-sach-dia-phuong.html