Giao dịch chứng khoán sáng 26/9: Cổ phiếu ngân hàng phân hóa, VN-Index vẫn chinh phục mốc 1.290 điểm

Giao dịch chứng khoán sáng 26/9: Cổ phiếu ngân hàng phân hóa, VN-Index vẫn chinh phục mốc 1.290 điểm
21 giờ trướcBài gốc
Thị trường vừa trải qua phiên giao dịch ngày 25/9 khá lạc quan khi hội tụ nhiều yếu tố mà nhà đầu tư mong đợi như độ rộng thị trường tốt, chỉ số chung tăng cao nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng, thanh khoản tăng vọt lên mức cao nhất trong hơn 1 tháng và sự trở lại trạng thái mua ròng mạnh của nhà đầu tư ngoại.
Về yếu tố kỹ thuật, các chỉ báo MACD, RSI, CMG đều đang hướng lên, cho thấy thanh khoản mua chủ động vẫn đang chiếm ưu thế và thị trường tiếp tục có động lực để đi lên. Tuy nhiên, việc các chỉ báo đang ở vùng cao và xác suất hình thành 2 đỉnh, nên có thể xuất hiện những rung lắc, đặc biệt là VN-Index đang tiệm cận vùng kháng cự tâm lý mạnh 1.300 điểm.
Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng 26/9, dòng tiền có chút thận trọng hơn khi VN-Index vừa trải qua 6/7 phiên tăng, đặc biệt là 2 phiên tăng liên tiếp. Tuy nhiên, sắc xanh vẫn chiếm ưu thế trên bảng điện tử và các cổ phiếu trong nhóm VN30 vẫn hỗ trợ tích cực, đã giúp chỉ số chung duy trì đà tăng.
Đáng chú ý, sau những phiên liên tiếp làm trụ đỡ chính, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang chuyển qua trạng thái phân hóa khi một số mã chịu áp lực bán chốt lời, biến động rung lắc và điều chỉnh nhẹ như VPB, CTG, MBB, BID, VIB…
Dù vậy, lực cầu vẫn hướng đến các nhóm cổ phiếu lớn là bank – chứng – thép, cho thấy niềm tin vào xu hướng tăng của thị trường vẫn lớn. Hiện 3 mã bank là MSB, VPB, STB đang có giao dịch sôi động nhất thị trường khi đều đạt hơn 10 triệu đơn vị.
Thị trường trở nên phân hóa và giao dịch có phần chậm lại sau 2 phiên tăng liên tiếp. Chỉ số VN-Index giữ đà tăng nhẹ ở vùng giá 1.290 điểm trong nửa cuối phiên sáng.
Chốt phiên, sàn HOSE có 191 mã tăng và 170 mã giảm, VN-Index tăng 3,32 điểm (+0,26%) lên 1.290,8 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 375,8 triệu đơn vị, giá trị gần 8.693 tỷ đồng, giảm 27,13% về khối lượng và 25,26% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 8,8 triệu đơn vị, giá trị 207,2 tỷ đồng.
Nhóm VN30 vẫn tích cực với 19 mã tăng và 10 mã giảm, trong đó, cặp đôi cổ phiếu ngân hàng vẫn dẫn đầu xu hướng tăng là TPB và HDB tương ứng tăng 2,9% và 2%; đồng thời mã đóng góp lớn nhất cho thị trường vẫn là VCB với gần 1,1 điểm, chốt phiên mã này tăng 0,9% lên mức 93.600 đồng/CP. Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu đều giảm trong biên độ hẹp chưa tới 1%, ngoại trừ duy nhất MBB giảm 1%.
Ở nhóm vừa và nhỏ, cặp đôi AGM và LDG là tâm điểm đáng chú ý. Trong đó, LDG có phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp với khối lượng khớp lệnh 1,77 triệu đơn vị và dư mua trần 2,66 triệu đơn vị; còn AGM dù mở cửa vẫn nằm sàn nhưng đã được giải cứu thành công sau 4 phiên liên tiếp bị bán tháo và chốt phiên tăng kịch trần với thanh khoản đạt 0,8 triệu đơn vị và dư mua trần 0,37 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, trong khi nhóm cổ phiếu chứng khoán và thép quay ra điều chỉnh nhẹ thì nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn giữ được đà tăng nhẹ với giao dịch vẫn sôi động nhất thị trường.
Cụ thể, trong 9 mã có thanh khoản trong khoảng 10-20 triệu đơn vị khớp lệnh thì có tới 8 mã thuộc nhóm ngân hàng và phần lớn đều giữ đà tăng. Trong đó, TPB và MSB tăng tốt nhất dòng bank, tương ứng đạt 2,9% và 3,3%, đều có khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường, lần lượt đạt 18,82 triệu đơn vị và 17,73 triệu đơn vị. Các mã bank khác như STB tăng 1,4%, SHB tăng 0,9%, TCB tăng 0,8%; trong khi VPB, CTG, MBB giảm nhẹ.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán phân hóa, với VIX sau phiên bùng nổ hôm qua đã đảo chiều giảm nhẹ 0,4% và khớp lệnh vẫn dẫn đầu ngành, đạt 9,3 triệu đơn vị; HCM giảm 0,8% và khớp 7,1 triệu đơn vị; trong khi VND tăng 0,7% và khớp 6,35 triệu đơn vị…
Ở nhóm cổ phiếu thép, HPG và NKG đều rung lắc và giảm nhẹ, còn HSG giữ mốc tham chiếu, thanh khoản cũng giảm mạnh với HPG dẫn đầu ngành, chỉ đạt hơn 8,5 triệu đơn vị.
Nhóm bất động sản tăng nhẹ, với NVL, DXG, TCH, VRE, VCG… vẫn giữ đà tăng. Trong đó, NVL chốt phiên tăng 2,2% và khớp lệnh đạt 10,8 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng đã khiến thị trường giao dịch giằng có và quay đầu điều chỉnh nhẹ về cuối phiên.
Chốt phiên, sàn HNX có 66 mã tăng và 77 mã giảm, HNX-Index giảm 0,3 điểm (-0,13%) xuống 235,53 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 20,65 triệu đơn vị, giá trị 425,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,62 triệu đơn vị, giá trị 16,76 tỷ đồng.
Trái với phiên hôm qua, trong phiên sáng nay nhóm HNX30 giao dịch kém tích cực, với các mã đà tăng tốt nhất đạt hơn 1% đều có vốn hóa không quá lớn và không chi phối mạnh tới chỉ số chung là DXp, TMP, PVG.
Về thanh khoản, toàn thị trường chỉ có 5 mã có khối lượng khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị. Trong đó, SHS vẫn sôi động nhất với hơn 3 triệu đơn vị, chốt phiên đứng giá tham chiếu; còn các mã khác là PVS, CEO, MBS đều giằng co nhẹ; ngoại trừ duy nhất TNG giữ được sắc xanh nhưng chỉ tăng 0,4%.
Trên UPCoM, thị trường cũng rung lắc nhẹ và tạm dừng phiên sáng trong sắc đỏ.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,1 điểm (-0,1%) xuống 93,41 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 31,4 triệu đơn vị, giá trị 537,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,31 triệu đơn vị, giá trị 18,5 tỷ đồng.
Tâm điểm thị trường là cặp đôi cổ phiếu dầu khí. Trong đó, BSR đã hạ độ cao đôi chút, chốt phiên tăng 3,3% lên 24.800 đồng/CP và thanh khoản vượt trội, đạt 12,26 triệu đơn vị; còn OIL chốt phiên tăng 1,5% và khớp 1,8 triệu đơn vị.
T.Thúy
Nguồn ĐTCK : https://tinnhanhchungkhoan.vn/giao-dich-chung-khoan-sang-269-co-phieu-ngan-hang-phan-hoa-vn-index-van-chinh-phuc-moc-1290-diem-post354640.html