Ô nhiễm không khí đang là một trong những thách thức nghiêm trọng tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội. Lượng xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch được xem là một trong những nguồn phát thải chính, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.
Trước yêu cầu cấp bách về kiểm soát nguồn phát thải, từ cuối năm 2024, HĐND Thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết thí điểm “vùng phát thải thấp – LEZ”. Tuy nhiên, mới đây, ngày 15/7, đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho biết thành phố sẽ dừng thí điểm vùng LEZ để tập trung thực hiện cấm xe máy chạy xăng trong khu vực Vành đai 1 từ tháng 7/2026 theo Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là bước đi cụ thể trong lộ trình giảm phát thải, hướng tới xây dựng một Thủ đô hiện đại, xanh và đáng sống hơn.
Vành đai 1 – khu vực chỉ chiếm chưa đến 1% diện tích Hà Nội là nơi tập trung mật độ giao thông dày đặc bậc nhất, với khoảng 400.000 xe máy thường xuyên hoạt động trên gần 450km. Mỗi ngày, có đến hơn 1 triệu lượt phương tiện cơ giới từ bên ngoài lưu thông vào khu vực này, tạo áp lực lớn lên hạ tầng, môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Với quyết tâm giảm ô nhiễm, Chính phủ yêu cầu Hà Nội chấm dứt hoàn toàn xe máy chạy xăng trong Vành đai 1 từ 1/7/2026. Từ 2028 mở rộng ra Vành đai 2 và tới năm 2030 là Vành đai 3.
Ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết: "Chúng tôi đang tăng cường chủng loại xe bus, tạo nên mạng lưới mô hình xe vận tải điện trung chuyển trong Vành đai 1. Trên cơ sở đó, trong đường Vành đai 1 và ngoài Vành đai 1 tiến tới sẽ sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ".
Hiện Hà Nội đã vận hành gần 300 xe buýt sử dụng năng lượng sạch và 2 tuyến metro. Trong quy hoạch đến năm 2045, Thành phố sẽ có 15 tuyến đường sắt đô thị dài hơn 600km. Mục tiêu đến năm 2030 là 100% xe buýt chuyển sang dùng điện hoặc năng lượng xanh.
TS Khương Kim Tạo - Chuyên gia giao thông đô thị cho hay: "Thời gian vừa rồi, rất nhiều xe bus điện tham gia giao thông. Về mặt thay thế xe xăng, tôi nghĩ việc này đáng tin cậy. Tuy nhiên, việc xanh hóa hệ thống giao thông toàn quốc, chúng ta cần thời gian để thực hiện một cách toàn diện".
Chuyển đổi phương tiện không chỉ là câu chuyện về công nghệ, mà còn là hành trình thay đổi thói quen, hành vi và nhận thức. Chỉ còn chưa đầy một năm để chuẩn bị cho cột mốc 1/7/2026 – thời gian không còn nhiều, nhưng đây là cơ hội để Hà Nội bứt phá, vươn tới một đô thị xanh – sạch – bền vững. Một lộ trình rõ ràng, một quyết tâm lớn. Tương lai giao thông xanh của Hà Nội đang bắt đầu từ những bước chuyển hôm nay.
Hoài Linh
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/giao-thong-xanh-de-ha-noi-phat-trien-ben-vung-347728.htm