Cô gái Lý Minh (24 tuổi, Trung Quốc) mới đây đã chia sẻ câu chuyện khi về thăm giáo viên chủ nhiệm đã về hưu của mình nhân dịp Tết Nguyên đán.
Cô giáo này họ Trần, từng dạy nhiều học sinh đỗ vào các trường đại học danh giá của Trung Quốc, được nhận vào làm cho các công ty nổi tiếng, ra nước ngoài du học hoặc trở thành người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội.
Cô Trần rất tự hào khi nhắc đến học trò của mình và nhớ đến cả những phụ huynh của các học sinh xuất sắc này.
Khi đó Lý Minh đã tò mò hỏi: "Theo kinh nghiệm và quan sát của cô thì gia đình như thế nào có thể nuôi dạy những người con ưu tú?".
Cô giáo Trần ngẫm nghĩ một chút và cho rằng bên cạnh năng khiếu cho trẻ, 90% những học sinh thành công mà cô biết đều được bố mẹ dạy theo những cách sau:
1. Cha mẹ biết lắng nghe
Khi trẻ em được tôn trọng và lắng nghe thì chúng sẽ dễ mở lòng, sẵn sàng chia sẻ cảm xúc của mình với cha mẹ hơn. Ảnh minh họa
Theo giáo viên chủ nhiệm này, trong quá trình giáo dục con cái nhiều bậc phụ huynh quen với tự mình quyết định, giao việc cho con hơn là đối thoại bình đẳng và hỏi ý kiến trẻ.
Trên thực tế, khi trẻ em được tôn trọng và lắng nghe thì chúng sẽ dễ mở lòng, sẵn sàng chia sẻ cảm xúc của mình với cha mẹ hơn.
Kiểu giao tiếp này giúp mối quan hệ gia đình gần gũi, tạo lập môi trường mang đến cảm giác an toàn cho trẻ. Đồng thời sự thấu hiểu từ cha mẹ còn nuôi dưỡng sự tự tin, khả năng tư duy độc lập của trẻ.
Cô Trần kể về một học sinh nam tên Trịnh Khôi tuy hơi nghịch ngợm nhưng điểm số lại rất tốt, cách cư xử cũng trưởng thành hơn tuổi thật.
Mẹ của Trịnh Khôi không bao giờ ép cậu ngồi vào bàn học, thay vào đó cô gợi ý thời gian biểu phù hợp để giúp con tập trung học và sau đó có thể chơi điện tử theo sở thích.
Mỗi lần có lớp học thêm mới, mẹ sẽ không tự mình quyết định mà hỏi cảm nhận và cùng thảo luận với Trịnh Khôi trước.
Mẹ cho Trịnh Khôi cảm giác được lắng nghe và thể hiện cảm xúc của chính mình, nhờ vậy cậu cũng biết đặt mình vào vị trí của người khác nên rất được bạn bè yêu mến.
Với tư chất như vậy, ai cũng tin Trịnh Khôi sẽ có triển vọng tiến xa trong tương lai.
2. Cha mẹ để con tự do và tự chịu trách nhiệm
Cha mẹ chẳng ai là không quan tâm, không mong những điều tốt đẹp nhất cho con và muốn con mình luôn được bảo vệ. Sự bảo vệ quá mức từ cha mẹ sẽ khiến cho trẻ bị đóng khung.
Không ít cha mẹ quản lý, quyết định mọi vấn đề của con mình, từ việc học ở đâu, làm gì đến những hoạt động trong cuộc sống thường ngày, lo con trẻ đi nhầm bước thì cuộc sống sẽ khó khăn.
Tuy nhiên, cha mẹ chỉ có thể nuôi trẻ lớn khôn, vì con mà làm việc chứ không thể thay con trưởng thành.
Quản lý và quyết định thay con cái không chỉ đồng nghĩa với việc tước đoạt của con cơ hội để trưởng thành, mà còn biến con trở thành kẻ ăn bám.
Hãy tin tưởng con mình, để trẻ tự do phát triển. Trẻ độc lập càng sớm, càng nhanh trưởng thành, cha mẹ cũng sẽ sớm thanh thản hơn.
3. Cha mẹ biết "làm gương"
Gia đình là nơi đầu tiên để trẻ hòa nhập xã hội. Trong những năm đầu đời của hầu hết trẻ em, người mà chúng tiếp xúc nhiều nhất và gần gũi nhất chính là cha mẹ, vậy nên lời nói và việc làm của cha mẹ sẽ có tác động sâu sắc đến con cái.
Cô Trần cho rằng khi cha mẹ để ý đến việc làm gương tốt cho con, đứa trẻ đó sẽ dễ dàng bắt chước theo và trở thành người tốt trong cách cư xử cũng như việc không ngừng hoàn thiện bản thân.
Một học sinh của cô Trần đang làm nghiên cứu sinh của ĐH Bắc Kinh - ĐH top đầu Trung Quốc kể với cô rằng từ nhỏ khi cô bé làm bài tập, bố sẽ ngồi đọc sách.
Trong thời gian cô ôn thi căng thẳng, bố cũng không dùng điện thoại giải trí mà cùng cô giải quyết những đề bài khó.
Hàng ngày bố đều dành thời gian cùng cô tập thể dục, nhắc nhở về việc chăm chỉ hoạt động thể chất bên cạnh việc trau dồi kiến thức.
Giáo viên chủ nhiệm họ Trần kết luận, giáo dục là công việc vất vả nhưng nếu đi đúng hướng, bố mẹ sẽ gieo mầm thành công cho tương lai đầy triển vọng của con.
4. Cha mẹ trò chuyện thân mật với con
Cách cha mẹ và con cái trò chuyện với nhau vô cùng quan trọng. Để trẻ cởi mở và vui vẻ khi trò chuyện, quan trọng nhất là phải tạo cho trẻ cảm giác an toàn. Ảnh minh họa
Có rất nhiều gia đình quát mắng và dùng hình phạt để giáo dục con trẻ. Họ cho rằng như vậy sẽ giúp trẻ tăng cường khả năng chịu đựng, biết nghe lời, ngoan ngoãn hơn.
Tuy nhiên, sự thật là không có đứa trẻ nào thích được "dạy dỗ" như vậy. Giáo dục trẻ theo cách đó chỉ khiến chúng thêm lì lợm và nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực.
Bạo lực bằng lời nói cũng vô cùng đáng sợ. Tuy không có tổn thương trên thân thể nhưng sẽ tạo nên những vết thương trong lòng trẻ.
Những vết thương này sẽ khiến trẻ luôn lo lắng và sẽ ám ảnh chúng cả đời. Rất nhiều người từ nhỏ bị cha mẹ trách móc nặng nề, sau này lớn lên cho dù đã thành công, nhưng vẫn rất tự ti, luôn thiếu cảm giác an toàn, vô cùng nhạy cảm và đa nghi.
Cách cha mẹ và con cái trò chuyện với nhau vô cùng quan trọng. Để trẻ cởi mở và vui vẻ khi trò chuyện, quan trọng nhất là phải tạo cho trẻ cảm giác an toàn.
Thay vì tạo áp lực cho con cái, cha mẹ nên trở thành người bạn đồng hành, giúp trẻ tự tin phát triển những năng khiếu của mình.
Vậy nên, muốn có những đứa con ưu tú, đầu tiên phải biết cách giáo dục trẻ bằng những cuộc trò chuyện thân mật. Có như vậy trẻ sẽ vui vẻ tiếp nhận và làm theo mà không cần thúc ép.
5. Cha mẹ có thói quen đọc sách
Chỉ cần cha mẹ hay đọc sách, con trẻ sẽ bắt chước theo, ngoan ngoãn ngồi cạnh cha mẹ để cùng đọc. Ảnh minh họa
Gia đình nào mà cha mẹ đọc càng nhiều sách, con cái sẽ có tỷ lệ thành công cao hơn. Muốn con mình trở nên ưu tú, cha mẹ nên rèn luyện cho mình thói quen đọc sách từ nhỏ.
Trẻ con vốn tính hiếu động, bắt chúng ngồi yên đọc sách không phải là chuyện dễ dàng. Càng cưỡng ép, trẻ lại càng chống đối, thậm chí sinh ra tâm lý chán ghét sách vở.
Tuy nhiên, xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ lại vô cùng đơn giản. Chỉ cần cha mẹ hay đọc sách, con trẻ sẽ bắt chước theo, ngoan ngoãn ngồi cạnh cha mẹ để cùng đọc.
Đọc sách cũng là hình thức giáo dục đơn giản, tiết kiệm nhưng vô cùng hiệu quả để giáo dục con cái, cha mẹ nên làm gương cho con từ nhỏ.
Tường Vy (t/h)