Làng Sơn Đồng thuộc xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức (cũ) nay là xã Sơn Đồng (Hà Nội) là nơi có nghề tạc tượng và đồ thờ Phật giáo lớn nhất cả nước. Nơi đây từng được xác lập kỷ lục Việt Nam về số lượng, chất lượng tượng gỗ được tạc khắc, cũng như số lượng người làm tượng. Không chỉ là một làng nghề đơn thuần, Làng nghề Sơn Đồng đã trở thành một biểu tượng, là nơi tham quan du lịch hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước và là nét đẹp về văn hóa của Thủ đô.
Năm 2007, sách Kỷ lục Việt Nam đã ghi danh Sơn Đồng là “Làng nghề tạc tượng và đồ thờ phụng Phật giáo lớn nhất Việt Nam”. Hiện nay, sản phẩm của làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng không chỉ phục vụ đời sống văn hóa tâm linh, tín ngưỡng trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga...
Nghệ nhân của làng nghề Sơn Đồng cho biết, có những công đoạn hoàn thiện sản phẩm tượng Phật, tượng Thánh bắt buộc phải làm hoàn toàn bằng tay thì mới giữ được hồn cốt của sản phẩm
Dạo qua một vòng làng nghề, phóng viên không khỏi choáng ngợp bởi có rất nhiều sản phẩm chế tác của bà con trong làng nghề được tạo tác tinh xảo, đẹp mắt.
Với đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, tượng gỗ của làng Sơn Đồng mang nét tinh xảo mà ít nơi nào có được. Từ những gốc mít già xù xì, qua bàn tay tài hoa của những người thợ, nhiều pho tượng lớn nhỏ đã hình thành, chứa đựng tâm tư, tình cảm, sự tôn kính của người dân, gửi gắm những mong cầu cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Qua chia sẻ của một số nghệ nhân lâu năm tại Làng Sơn Đồng được biết, làng nghề nơi đây đã hình thành và phát triển được hàng ngàn năm, kể từ khi nền văn hóa Phật giáo được truyền bá vào Việt Nam. Trong thời kỳ phong kiến, làng nghề có hàng trăm người thợ được phong Tước bá hộ kỹ nghệ (nay gọi là nghệ nhân). Các công trình của Thăng Long - Hà Nội xưa đều có đôi bàn tay tài hoa của người nghệ nhân Sơn Đồng tham gia như: Văn miếu Quốc Tử Giám, Khuê Văn Các, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, chùa Một Cột...
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Trí Dũng (57 tuổi) một nghệ nhân của Làng nghề Sơn Đồng cho biết, nghề làm tượng Phật và các đồ thờ cúng khó nhất là việc người thợ phải thổi được hồn vào pho tượng, nhìn phải có thần, có dáng. Bên cạnh đó, mỗi nghệ nhân phải làm bằng chính cái tâm trong sáng và toàn bộ bằng các kỹ năng khéo léo được tích lũy.
Ông Dũng nói rằng, có những sản phẩm của xưởng ông sản xuất không "dám" để cho người ít kinh nghiệm làm. Bởi lẽ, khi chưa đủ tài năng và kinh nghiệm sẽ tạo ra các sản phẩm vô hồn. Từ đó không tạo ra giá trị đặc sắc, đánh mất uy tín lâu năm mà bao nhiêu con người trong làng nghề đã tạo dựng.
"Khi làm một sản phẩm thì người làm ra nó phải hiểu cội nguồn sâu xa của từng sản phẩm. Đối với sản phẩm là tượng phật thì phải hiểu được phẩm chất linh hồn của mỗi vị Phật, vị Thánh. Tùy theo mức độ tinh xảo, độ lớn hoặc khách hàng có "kỹ tính" bắt buộc làm hoàn toàn bằng tay hay không thì thời gian thi công mỗi sản phẩm sẽ khác nhau.
Trung bình để hoàn thiện một bức tượng chúng tôi phải mất thời gian khoảng 1 tháng. Cơ sở của chúng tôi nhận đặt hàng từ đền chùa khắp cả nước, sau đó mới sản xuất theo kích thước khách yêu cầu. Tùy kích cỡ, chất liệu, độ phức tạp mà giá các pho tượng đặt hàng sẽ khác nhau", ông Dũng bày tỏ
Còn anh Nguyễn Như Hải (Chủ xưởng tạc tượng, đồ thờ Như Hải) cho biết: “Riêng đặc thù của sản phẩm đồ thờ yêu cầu rất lớn đối với người làm về sự tập trung cao độ.
Bởi lẽ, chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng khiến “hồn” của bức tượng "bay đi”. Khi đó giá trị thực sự mà một sản phẩm tâm linh sẽ không được như ý muốn.
Quá trình làm ra một sản phẩm, ngày nay đã có sự hỗ trợ của máy CNC (máy gia công gỗ công nghệ cao, được lập trình đục khắc bằng máy vi tính - PV) để có thể tiết kiệm thời gian làm ra các sản phẩm. Tuy nhiên có những công đoạn người thợ của làng nghề Sơn Đồng bắt buộc phải làm bằng tay.
Chẳng hạn như mắt của tượng Phật, tượng Thánh phải cần đến những bước chạm khắc tỉ mỉ thì mới khiến cho bức tượng đó thể hiện được sự hiền từ hoặc hung tợn, uy nghi. Ngoài ra, có những bộ phận khác như lông mi, đôi môi hoặc chỉ một ngón tay cũng cần đến những đường nét đục tay của người thợ mà các máy móc công nghệ khác không thể tạo ra được".
Sản phẩm của làng nghề Sơn Đồng tạo ra có độ hoàn thiện cao, hết sức tinh xảo.
Chia sẻ với phóng viên, chị Hoàng Thị Mai, một thợ của làng nghề Sơn Đồng cho biết, công việc của chị em phụ nữ trong làng nghề chủ yếu là xả nhám, hoàn thiện những chi tiết mà máy móc chưa gia công xong.
"Công việc trong làng nghề gỗ tất nhiên là sẽ có phần bụi bặm hơn so với các nơi làm việc khác. Tuy nhiên nó cũng mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho các chị em phụ nữ khác trong làng. Ngày nay, cũng có rất ít các chị em phụ nữ muốn tham gia làm việc trong các xưởng gỗ trong làng mà đa phần lựa chọn các công việc khác nhẹ nhàng và ít bụi bặm hơn.
Để có thể hoàn thiện các sản phẩm đồ thờ cúng tâm linh, dù là làm những công đoạn đơn giản nhưng cũng phải có sự chú tâm vì đó là những thao tác sau cùng trước khi bàn giao sản phẩm đến tay khách hàng", chị Mai bày tỏ.
Một số hình ảnh sản phẩm qua bàn tay người thợ của làng nghề Sơn Đồng:
Ngoài những sản phẩm đồ thờ cúng tâm linh truyền thống, ngày nay làng nghề Sơn Đồng còn phát triển thêm các sản phẩm mang phong cách hiện đại.
Một chi tiết để làm nên sản phẩm của làng nghề Sơn Đồng, chi tiết này vẫn phải có sự gia công bằng tay của người thợ để tạo nên sự hoàn thiện tối đa.
Một số hình tượng động vật được đục bằng tay khá tỉ mỉ
Những sản phẩm của làng nghề Sơn Đồng được khắp nơi ưa chuộng
"Long ngai" là một trong số những sản phẩm yêu cầu độ tinh xảo, chi tiết và bàn tay khéo léo của người thợ làng nghề Sơn Đồng.
Bài, ảnh: Trung Dũng