Nghề dệt thổ cẩm tại bản Phẩy - Thái Minh từ lâu đã là niềm tự hào của phụ nữ dân tộc Thái nơi này
Niềm tự hào của dân tộc Thái
Bà Lào Thị Hải (SN 1972), Trưởng làng nghề dệt bản Phẩy - Thái Minh, xã Tiên Đồng, tỉnh Nghệ An, đã gắn bó với khung cửi từ thuở nhỏ. Tuy nhiên bà nói rằng, chỉ thực sự xem dệt thổ cẩm là kế sinh nhai từ năm 1991, khi cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn. Bà đã tận dụng những bộ váy Thái cũ của bà ngoại, tháo sợi ra để dệt thành những chiếc túi, chiếc khăn mang ra chợ bán. Bất ngờ, những sản phẩm thủ công ấy lại được đón nhận.
"Sau khi được Hội LHPN xã cho vay 2 triệu đồng, một số tiền lớn vào thời điểm đó, tôi đã mua bò và đầu tư mua thêm vải, sợi về dệt. Nghề dệt thổ cẩm không chỉ là kế sinh nhai mà còn là niềm tự hào, niềm đam mê của tôi và nhiều phụ nữ Thái. Dù có những lúc thăng trầm, tôi vẫn duy trì nghề này suốt mấy chục năm nay", bà Hải chia sẻ.
Trưởng làng nghề dệt bản Phẩy - Thái Minh Lào Thị Hải
Theo truyền thống, mọi người con gái Thái đều biết dệt thổ cẩm, được truyền nghề từ mẹ, bà. Thế nhưng việc dệt chỉ để phục vụ bản thân, gia đình và làm của hồi môn khi con gái về nhà chồng, khác hẳn với việc sản xuất hàng hóa. Bước ngoặt quan trọng để nghề dệt thổ cẩm ở bản Phẩy - Thái Minh trở thành làng nghề chính thức bắt đầu từ năm 2003.
"Hội LHPN xã đã tổ chức đưa các nghệ nhân từ huyện Con Cuông về dạy nghề cho 30 chị em, hình thành nên đội ngũ nòng cốt cho làng nghề đến tận bây giờ", bà Hải nhớ lại. Bản thân bà cũng là một trong số những người được đào tạo bài bản và có chứng chỉ dệt thổ cẩm, sau đó lại tiếp tục truyền dạy cho những người khác.
Dệt thổ cẩm ở bản Phẩy - Thái Minh nổi tiếng bậc nhất xứ Nghệ
Sự nỗ lực của bà Hải và các cấp Hội LHPN đã giúp làng nghề phát triển mạnh mẽ. Thời kỳ hưng thịnh nhất là vào năm 2015-2016, khi bản Phẩy - Thái Minh chính thức được tỉnh Nghệ An công nhận là làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Thời điểm đó, có tới 65 hộ gia đình tham gia làm nghề, chủ yếu là phụ nữ, giúp sản phẩm thổ cẩm của bản Phẩy - Thái Minh được biết đến rộng rãi và có chỗ đứng trên thị trường.
Nỗi lo nghề truyền thống mai một
Hiện tại, làng nghề dệt thổ cẩm bản Phẩy - Thái Minh vẫn duy trì hoạt động với những người mẹ, người bà cần mẫn bên khung cửi. Tuy nhiên, số người theo nghề đang giảm dần. "Chỉ có những người trung tuổi, cao tuổi vẫn theo nghề. Với các bạn trẻ, họ chọn nghề khác. Thực tế, nghề dệt thổ cẩm không mang lại thu nhập cao và ổn định nên việc nhiều người trẻ không còn mặn mà là điều dễ hiểu", bà Hải nói.
Du khách xem bà Hải dệt thổ cẩm
Thống kê của bà Hải cho thấy, số hộ tham gia làm nghề hiện chỉ còn khoảng 30 hộ, chủ yếu là phụ nữ lớn tuổi không có khả năng đi làm ăn xa. Bà thẳng thắn so sánh: "Làm chăm chỉ cũng không có thu nhập được như đi làm công nhân ở công ty. Một tháng chỉ được 2-3 triệu đồng, trong khi đi làm công ty thì được 7-8 triệu đồng".
Với mức chênh lệch thu nhập đáng kể, những người trẻ tuổi có xu hướng rời quê hương, tìm đến các khu công nghiệp để có mức lương ổn định hơn. Nghề dệt thổ cẩm vì thế chỉ còn là nghề "thời vụ" được làm lúc nông nhàn. Bản thân bà Hải, dù bán hàng hàng ngày tại các chợ địa phương nhưng vẫn thường xuyên phải đi mua thêm sản phẩm từ nơi khác nếu không có đủ hàng do chị em trong làng dệt ra.
Chị Vi Thị Thúy (chủ Homestay Thúy Thắng) và bà Lào Thị Hải (bìa trái) đang giới thiệu về sản phẩm dệt thổ cẩm với du khách
Nghề dệt thổ cẩm không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn ẩn chứa những giá trị văn hóa sâu sắc của người Thái. Đặc biệt, gần đây vào ngày 3/6/2025, nghề dệt thổ cẩm của người Thái ở Nghệ An vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình "Nghề thủ công truyền thống". Đây là niềm tự hào to lớn của bà Hải và toàn thể cộng đồng người Thái.
Mặc dù du lịch ở xã Tiên Đồng đang phát triển mạnh và làng nghề thổ cẩm bản Phẩy - Thái Minh trở thành điểm đến hấp dẫn du khách nhưng việc tiêu thụ sản phẩm thủ công, đặc biệt là các mặt hàng thêu tay tinh xảo (có giá cao, ví dụ một chân váy thêu mất 5-7 ngày và giá 700 nghìn đồng, trong khi hàng máy chỉ 200 nghìn đồng) vẫn còn gặp khó khăn.
Bà Hải luôn trăn trở làm sao để duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm bản Phẩy - Thái Minh
Trước những thách thức và niềm tự hào về di sản, bà Lào Thị Hải vẫn mang trong mình khát vọng lớn lao là giữ gìn và phát triển nghề dệt truyền thống. Bà không ngừng duy trì việc cung cấp sợi cho chị em trong bản nhận về làm, đảm bảo có sản phẩm để bán. Niềm hy vọng của bà đang được nhen nhóm từ thế hệ trẻ như các cháu của bà.
"Cháu nội tôi Lò Thị Minh Châu, 11 tuổi, đã bắt đầu học đan và thêu những họa tiết đơn giản như con chim hay chữ cái. Cháu rất thích thú học hỏi từ bà", bà Hải chia sẻ. Bà mong muốn được mở các lớp học để truyền dạy cho lớp trẻ, nhưng dù đã đề xuất lên cấp trên, bà vẫn chưa nhận được phản hồi.
Thế hệ trẻ ở bản Phẩy - Thái Minh rất cần được truyền thụ lại nghề dệt thổ cẩm truyền thống
Nghề dệt thổ cẩm bản Phẩy - Thái Minh không chỉ là một nghề truyền thống mà còn là một phần hồn cốt trong văn hóa của người Thái. Để giữ gìn và phát triển di sản quý báu này, cần có sự chung tay của cả cộng đồng, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội.
Việc tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người làm nghề và đặc biệt là khuyến khích, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ tiếp cận và yêu thích nghề truyền thống sẽ là những bước đi quan trọng để giữ cho ngọn lửa dệt thổ cẩm của người Thái bản Phẩy - Thái Minh không bao giờ tắt.
Minh Châu