Gỡ điểm nghẽn trong áp dụng BIM vào đấu thầu dự án xây dựng

Gỡ điểm nghẽn trong áp dụng BIM vào đấu thầu dự án xây dựng
7 giờ trướcBài gốc
Sáng 19-7, Tạp chí Xây dựng (Bộ Xây dựng) tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Áp dụng BIM trong đấu thầu dự án đầu tư xây dựng: Quy định pháp luật, thực tiễn và kiến nghị chính sách”.
TS. Tạ Ngọc Bình, Viện Kinh tế xây dựng, cho rằng, các văn bản pháp lý hiện nay như Quyết định 348, Nghị định 35 hay Thông tư 09 đã thiết lập hệ thống hướng dẫn tương đối đồng bộ, tạo điều kiện pháp lý cho áp dụng BIM trong các gói thầu đầu tư xây dựng.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thái Bình, Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng, cho biết BIM đang trở thành một nền tảng cốt lõi cho chuyển đổi số toàn diện trong ngành xây dựng. Tuy nhiên, những vướng mắc thực tiễn, nhất là trong quá trình đấu thầu, đánh giá năng lực nhà thầu và định giá chi phí BIM, vẫn là rào cản cần được tháo gỡ.
Theo đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Tiến Thông, BIM không chỉ là một công cụ mô hình hóa thông tin mà còn là chìa khóa chuyển đổi số nhằm hình thành “bản sao số song hành” (Digital Twin). Đặc biệt với các dự án lớn như tuyến đường sắt đô thị, BIM cho phép phối hợp đa bên theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015, kiểm soát xung đột thiết kế, tiến độ thi công và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác nghiệm thu, vận hành.
Trong lĩnh vực tư vấn thiết kế, ThS. Phạm Phú Đức, Phó Tổng giám đốc CTCP Tư vấn thiết kế xây dựng Đà Nẵng, chia sẻ rào cản lớn nhất trong áp dụng BIM lại đến từ chính khâu lựa chọn nhà thầu. Việc đánh giá năng lực BIM chưa rõ ràng khiến các đơn vị có năng lực thực sự bị loại sớm. Thực tế tại nhiều dự án cho thấy, nếu triển khai BIM từ giai đoạn thiết kế với sự tham gia đồng bộ của tư vấn, có thể giúp tiết kiệm hàng tỷ đồng nhờ giảm sai sót, hạn chế điều chỉnh.
TS. Nguyễn Văn Chính, Trường Đại học Giao thông vận tải cho rằng, một điểm yếu lớn hiện nay là chưa có quy định cụ thể về áp dụng BIM trong giai đoạn thi công là khâu chiếm tỷ trọng lớn trong dự án xây dựng. Hệ quả là nhà thầu và tư vấn đấu thầu thường hiểu khác nhau về các yêu cầu BIM, gây khó khăn trong việc lập và đánh giá hồ sơ mời thầu, dự thầu.
Tại hội thảo, các chuyên gia thống nhất cho rằng để triển khai BIM thành công trong đấu thầu, cần bổ sung tiêu chí BIM trong hồ sơ mời thầu với trọng số cao, đặc biệt là các dự án nhóm A sử dụng vốn đầu tư công; chuẩn hóa khái niệm và nhân sự BIM trong pháp luật xây dựng; ban hành Thông tư hướng dẫn riêng về chi phí BIM; tăng cường đào tạo BIM cho sinh viên, nhà thầu và công chức nhà nước.
Việc áp dụng BIM trong đấu thầu không còn là câu chuyện kỹ thuật mà đã trở thành một phần thiết yếu trong hệ thống thể chế xây dựng hiện đại. BIM là công cụ trung tâm của chuyển đổi số, đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ vòng đời dự án - từ thiết kế, thi công, bàn giao đến vận hành, bảo trì.
Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, tháo gỡ rào cản về chi phí và quan trọng nhất là thay đổi tư duy từ thử nghiệm sang đồng bộ hóa và phổ cập hóa BIM. Chỉ khi tất cả các chủ thể, từ chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu đến cơ quan quản lý đều cùng nhận thức rõ và cùng hành động, thì BIM mới thực sự trở thành động lực thúc đẩy ngành xây dựng phát triển hiện đại, hiệu quả và bền vững.
Cao Phong
Nguồn SGĐT : https://dttc.sggp.org.vn/go-diem-nghen-trong-ap-dung-bim-vao-dau-thau-du-an-xay-dung-post124417.html