Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, Bitcoin vẫn dẫn đầu tăng trưởng mạnh nhất so với các kênh tài sản khác. Trong khi đó, mức xếp hạng tăng trưởng của vàng cũng hạ nhiệt, nhưng vẫn trên mức 80 điểm cho thấy nhu cầu nắm giữ ở kênh tài sản này vẫn cao. Đồng thời, thị trường chứng khoán châu Á cũng tăng trưởng vượt trội so với thị trường chứng khoán khác trong tuần qua, với tiêu biểu là Hồng Kông, Hàn Quốc và Việt Nam, trong đó mức xếp hạng tăng trưởng của Việt Nam đã tăng trên mức 88 điểm cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh cho nên xu hướng tăng cũng sẽ bền vững hơn trong trung hạn.
Xếp hạng tăng trưởng của các thị trường. Nguồn: YSVN
Tuần qua, thị trường lại tiếp tục có một tuần giao dịch sôi động, thanh khoản ngày càng tăng. Sau khi đụng cản tâm lý mốc 1.500 điểm, thị trường có dấu hiệu chốt lời, giằng co quanh ngưỡng này, lực cầu bắt đầu thận trọng hơn. Do đó, tần suất xuất hiện các phiên giao dịch rung lắc sẽ nhiều hơn khi chỉ số tiếp cận vùng kháng cự 1.500-1.530 điểm trong thời gian tới.
Kết tuần, VN-Index tăng 2,71% lên mức 1.497,28 điểm, hướng đến vùng giá cao nhất lịch sử tháng 1/2022. Trong khi VN30 tăng 3,13% lên mức 1.643,91 điểm, tiếp tục tăng tốt khi vượt lên giá cao nhất lịch sử tháng 11/2021.
Độ rộng thị trường tích cực, nổi bật ở nhóm bất động sản khi cổ phiếu đầu ngành vượt đỉnh lịch sử, nhóm chứng khoán với thanh khoản duy trì mức cao và thông tin quí II/2025 tích cực, nhóm bán lẽ, xây dựng.... Trong khi chịu áp lực điều chỉnh, tích lũy ở các nhóm mã khác như thép, cảng, bảo hiểm... Thanh khoản thị trường tăng, duy trì ở mức rất cao. Khối lượng giao dịch trên HoSE tăng 8,6% so với tuần trước, trung bình hơn 1,3 tỷ cổ phiếu/phiên. Trong đó thanh khoản thị trường Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN. Khối ngoại tiếp tục mua ròng với giá trị 1.219,8 tỷ đồng trên HoSE trong tuần này.
Theo chuyên gia Công ty Chứng khoán SHS, xu hướng ngắn hạn VN-Index tăng trưởng trên hỗ trợ gần nhất 1.480 điểm sau khi đã vượt lên. VN-Index tiếp tục hướng đến vùng giá 1.500 điểm - 1.537 điểm, tương ứng giá cao nhất đỉnh lịch sử tháng 1/2022. VN30 duy trì xu hướng tăng giá vượt trội sau khi vượt lên giá cao nhất lịch sử tháng 1/2021. Thị trường vẫn tăng trưởng và trong giai đoạn cập nhật kết quả kinh doanh quý II/2025. Với những điểm nhấn nổi bật, tăng giá tốt ở các mã bắt đầu có thông tin tích cực.
Chuyên gia SHS cho rằng, hành động hợp lý lúc này là "Trend Following", nắm giữ theo xu hướng tăng trưởng. Đồng thời đánh giá các cơ hội đầu tư ở các nhóm ngành được xem là động lực tăng trưởng chính, với mục tiêu tăng trưởng GDP trong 6 tháng cuối năm trên 8%. Ở vùng giá hiện tại, tổng vốn hóa toàn thị trường khoảng 330 tỷ USD, tương đương 70% GDP năm 2024. Nhà đầu tư nắm giữ theo xu hướng, theo dõi các áp lực bán giá cao. Đánh giá kỹ các giao dịch ngắn hạn khi VN-Index hướng đến vùng giá đỉnh lịch sử tháng 1/2022.
Tận dụng các nhịp điều chỉnh kỹ thuật để tích lũy cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, kết quả kinh doanh quý II/2025 tích cực, được dòng tiền thị trường quan tâm.
Trong tuần qua, Bộ Tài chính và FTSE Russell đã có buổi trao đổi về các vấn đề nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam để chuẩn bị cho kỳ đánh giá vào tháng 9/2025. Trong đó, theo quan sát của Yuanta Việt Nam về đề xuất hợp tác có hướng mở rộng và kỳ vọng trong lần đánh giá nâng hạng lần này đó là việc mở rộng các bộ chỉ số phù hợp với thị trường Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc FTSE Russell đang chuẩn bị cho việc xem xét nâng hạng thị trường.
FTSE Russell cũng đã hợp tác với Sở Giao dịch chứng khoán Đài Loan để xây dựng các chỉ số phù hợp với thị trường chứng khoán này kể từ năm 2002 và FTSE Russell cũng đã bắt đầu xem xét nâng hạng thị trường chứng khoán Đài Loan từ năm 2004. Việc cho ra mắt các chỉ số hợp tác giữa FTSE Russell và Sở Giao dịch Chứng khoán Đài Loan đã thúc đẩy thuận lợi cho việc nâng hạng của thị trường chứng khoán này cùng với đó là việc dễ dàng huy động vốn từ nhà đầu tư nước ngoài thông qua các quỹ ETF và các quỹ theo dõi chỉ số của FTSE.
Tổng quy mô ETF tại Đài Loan cuối năm 2024 là 196 tỷ USD (chiếm 66% tổng AUM của các quỹ tại Đài Loan). Trong đó, các quỹ ETF theo FTSE đạt mức tổng tài sản là 8,2 tỷ USD (chiếm 4,2% quy mô ETF tại Đài Loan). Trong đó, một số ETF theo FTSE là ETF có thanh khoản cao nhất Đài Loan, thường xuyên nằm trong top giao dịch hàng trên thị trường chứng khoán Đài Loan.
Như vây, việc mở rộng bộ chỉ số FTSE cho Việt Nam mang lại bước đệm quan trọng để nâng hạng thị trường ở các hạng cao hơn, thúc đẩy ETF nội địa và quốc tế phát triển; chuẩn hóa thông tin và minh bạch hóa cấu trúc thị trường; rút ngắn khoảng cách giữa Việt Nam và các thị trường đã thành công.
Nhã An