Góp ý chất lượng vào chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Góp ý chất lượng vào chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
14 giờ trướcBài gốc
Chiều 26/9, đoàn khảo sát của Ủy ban QP-AN của Quốc hội có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc khảo sát phục vụ tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH).
Trung tướng Đỗ Quang Thành - Phó Chủ nhiệm Ủy ban QP-AN của Quốc hội và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải cùng chủ trì buổi làm việc.
Trung tướng Đỗ Quang Thành - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cùng Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải chủ trì hội nghị.
Ngày 4/10/2001, Luật PCCC&CNCH chính thức có hiệu lực, góp phần tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước và đề cao trách nhiệm của toàn dân đối với hoạt động PCCC. Dù vậy, quá trình thi hành qua một thời gian dài đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới.
Dự thảo Luật PCCC&CNCH đang được chỉnh lý gồm 9 chương, 65 điều. Ngoài những quy định chung, dự thảo đã đề xuất bổ sung nhiều hành vi bị cấm trong PCCC&CNCH; giảm bớt yêu cầu đối với quy hoạch dự án xây mới khu công nghiệp; sửa yêu cầu đối với thiết kế xây dựng công trình phải có giải pháp PCCC; bổ sung quy định về nghiệm thu, kiểm tra nghiệm thu về PCCC; điều chỉnh một số yêu cầu cơ bản về phòng cháy đối với cơ sở kinh doanh; đề xuất PCCC khi sử dụng điện...
Đại tá Đặng Hoài Sơn - Phó Giám đốc Công an tỉnh báo công tác PCCC&CNCH trên địa bàn tỉnh.
Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu đánh giá các quy định mới có tính khả thi cao, cơ bản phù hợp với tình hình hiện nay.
Các đại biểu cũng góp ý các quy định về thẩm định, thẩm tra, nghiệm thu và kiểm tra công tác nghiệm thu về PCCC&CNCH (Điều 16, 17) theo hướng quy định thẩm định thiết kế về PCCC do cơ quan công an, cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan đăng kiểm thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; chủ đầu tư, chủ cơ sở tự tổ chức thẩm tra thiết kế về PCCC...
Đối với quy định về điều kiện bảo đảm an toàn PCCC&CNCH (Điều 18, 19, 20, 21, 22) đề nghị chỉnh lý, bổ sung quy định về phòng cháy đối với nhà ở theo hướng quy định Nhà nước khuyến khích hộ gia đình lắp đặt thiết bị có chức năng báo cháy và kết nối với hệ thống truyền tin báo cháy, trừ trường hợp đối với nhà ở tại các thành phố trực thuộc Trung ương không bảo đảm yêu cầu về PCCC sẽ giao Chính phủ quy định lộ trình việc lắp đặt thiết bị có chức năng báo cháy và kết nối với hệ thống truyền tin báo cháy.
Các ý kiến cũng cho rằng, cần bỏ quy định về kinh doanh dịch vụ PCCC (Điều 54) nhằm tạo điều kiện thông thoáng hơn nữa cho cơ sở, doanh nghiệp trong hoạt động PCCC, CNCH; cần nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung một số từ ngữ trong các Điều 7, 13, 15.
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Văn Chung góp ý về các quy định liên quan đến lĩnh vực KH&ĐT.
Cũng tại buổi làm việc, đại biểu đã nghe kết quả về các mặt PCCC&CNCH như: công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về PCCC&CNCH; xây dựng phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC&CNCH; việc xử lý các cơ sở, công trình chưa đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng; công tác thanh tra, kiểm tra về PCCC; xử lý vi phạm trong lĩnh vực PCCC&CNCH; điều tra nguyên nhân vụ cháy...
Cho ý kiến về thực trạng PCCC&CNCH, các đại biểu đề cập tới những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời, đưa ra kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo rà soát lại các quy định pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về PCCC&CNCH; sớm ban hành, sửa đổi, bổ sung các luật, nghị định cũ; đặc biệt là Luật PCCC&CNCH; quan tâm chế độ, chính sách đối với lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH...
Trung tướng Đỗ Quang Thành - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh phát biểu tại buổi làm việc.
Trung tướng Đỗ Quang Thành - Phó Chủ nhiệm Ủy ban QP-AN của Quốc hội ghi nhận, các báo cáo đã bám sát tình hình, phản ánh đầy đủ công tác PCCC&CNCH. Các đại biểu đã phát huy trách nhiệm, đưa ra nhiều ý kiến góp ý chất lượng. Đoàn sẽ tiếp thu, tổng hợp để Ủy ban QP-AN cùng với cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, đối chiếu, rà soát, chỉnh lý dự thảo luật phù hợp thực tiễn, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban QP-AN mong muốn UBND tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là các đối tượng chịu tác động bởi sự điều chỉnh của luật này tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các nội dung góp ý, hoàn chỉnh báo cáo.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải phát biểu.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải nhấn mạnh, việc cho ý kiến vào các dự thảo luật được UBND tỉnh hết sức quan tâm. Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu kỹ lưỡng, đầy đủ, đặc biệt là các quy định liên quan tới ngành, lĩnh vực của đơn vị để đóng góp các ý kiến chất lượng, sát thực tiễn, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả khi dự thảo luật được Quốc hội thông qua.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị góp ý vào dự thảo luật đảm bảo nội dung, yêu cầu đề ra; việc cho ý kiến cần đảm bảo tính chặt chẽ về mặt pháp lý nhưng cũng tạo điều kiện để phát triển KT-XH…
Từ ngày 15/12/2023 đến ngày 14/8/2024, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra 55 vụ cháy, không có thiệt hại về người; thiệt hại về tài sản 41/55 vụ, thiệt hại ước tính thành tiền gần 1,5 tỷ đồng và 15,48 ha rừng, thực bì, cây bụi bị cháy. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ cháy giảm 28 vụ, thiệt hại về tài sản giảm 211 triệu đồng.
Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tiếp nhận 13 tin báo yêu cầu CNCH; đã điều động lực lượng, phương tiện trực tiếp tổ chức CNCH 12/13 vụ, trực tiếp cứu được 8 người bị nạn ra ngoài an toàn, phối hợp hướng dẫn thoát nạn cho 11 người, phối hợp cứu được 4 người bị thương.
Thùy Dương
Nguồn Hà Tĩnh : https://baohatinh.vn/gop-y-chat-luong-vao-chinh-ly-du-thao-luat-phong-chay-chua-chay-va-cuu-nan-cuu-ho-post274435.html