Gửi tâm tư, nguyện vọng đến đại hội

Gửi tâm tư, nguyện vọng đến đại hội
4 giờ trướcBài gốc
Báo Phú Yên ghi nhận những ý kiến đại diện các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh nhân Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ IV năm 2024, giai đoạn 2024-2029.
ÔNG RA LAN THU, DÂN TỘC BA NA, PHÓ BÍ THƯ ĐẢNG ỦY, CHỦ TỊCH UBND XÃ CÀ LÚI, HUYỆN SƠN HÒA: Phát huy hiệu quả các chính sách chăm lo đời sống người dân
Cà Lúi là xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) đặc biệt khó khăn; người đồng bào DTTS chiếm hơn 90%. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã triển khai rất nhiều chương trình, chính sách đặc thù nhằm đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, bảo tồn và gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc. Đặc biệt, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN (Chương trình 1719) đã hỗ trợ một cách toàn diện cho bà con.
Trong giai đoạn 2021-2024, xã Cà Lúi được phân bổ gần 25,2 tỉ đồng thực hiện các dự án thuộc Chương trình 1719. Đến nay, chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 26 hộ nghèo; chuyển đổi nghề cho 70 hộ; đầu tư công trình nước sinh hoạt phân tán cho 65 hộ…
Chương trình này cũng hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững; đầu tư các công trình giao thông, thủy lợi; mua sắm trang thiết bị cho các nhà văn hóa thôn, buôn.
Thời gian tới, xã Cà Lúi sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả các chương trình, chính sách chăm lo đời sống người dân. Các hạng mục, dự án sẽ được lựa chọn một cách công khai, dân chủ, dựa trên nguyện vọng, nhu cầu thực tế của người dân.
ÔNG CHU VĂN THẢO, DÂN TỘC TÀY, TRƯỞNG THÔN TÂN LẬP, XÃ EA LY, HUYỆN SÔNG HINH: Chủ động thi đua sản xuất, giúp nhau giảm nghèo bền vững
Nhiều năm trước, cộng đồng người đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở thôn Tân Lập, xã Ea Ly rất khó khăn. Nhờ sự định hướng, hỗ trợ tích cực, đúng đắn của các cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là tinh thần chịu khó, vươn lên của bà con nên đến nay, phần lớn người dân trong thôn đã có đời sống ổn định, nhiều hộ vươn lên làm giàu.
Hiện thôn Tân Lập đã trở thành vùng đất có nhiều ưu thế phát triển cây ăn trái, cây công nghiệp dài ngày như cao su, sầu riêng, mắc ca… cho giá trị kinh tế cao. Người dân chủ động ứng dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, sản xuất nên đời sống ngày càng phát triển.
Sau khi có cuộc sống ổn định, cộng đồng người đồng bào DTTS trong thôn phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau cùng vươn lên thoát nghèo. Hoạt động giúp đỡ hộ nghèo được ban công tác thôn triển khai theo từng giai đoạn cụ thể; lồng ghép nguồn vốn của Nhà nước với các nguồn huy động hỗ trợ của các mạnh thường quân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn.
Mục tiêu của thôn là phấn đấu đến 2025, toàn thôn không còn cảnh nghèo đói, thiếu ăn; toàn bộ nhà cửa trong thôn đều được kiên cố hóa, không còn hộ đặc biệt khó khăn; mọi trẻ em đều được đến trường...
BÁC SĨ NGUYỄN VĂN CƯỜNG, DÂN TỘC CHĂM, KHOA NỘI - NHI - NHIỄM - CẤP CỨU, TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN ĐỒNG XUÂN: Đóng góp sức trẻ chăm lo sức khỏe cho bà con
Là một người con của vùng đất Đa Lộc, huyện Đồng Xuân, tôi may mắn được địa phương tạo điều kiện cử đi học tập và sắp xếp vị trí việc làm tại Trung tâm Y tế huyện Đồng Xuân, với vai trò là bác sĩ đa khoa tại Khoa Nội - Nhi - Nhiễm - Cấp cứu.
Quá trình công tác, tôi luôn nỗ lực dùng hết khả năng, nhiệt huyết của tuổi trẻ vào công tác chuyên môn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được phân công; tích cực tham gia nhiều hoạt động tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn. Tôi rất tự hào vì được đóng góp sức trẻ, kiến thức, năng lực vào việc chăm lo sức khỏe cho bà con đồng bào quê hương mình.
Quá trình công tác, tôi đã tham gia nhiều hoạt động tình nguyện khám bệnh, tư vấn, chăm sóc sức khỏe và cấp thuốc miễn phí cho người dân khó khăn vùng đồng bào DTTS. Qua đó, tôi nhận thấy bà con vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức đến việc chăm sóc sức khỏe; vẫn còn tình trạng người dân đi thầy cúng thay vì đến trạm y tế.
Thêm vào đó, các điều kiện hạ tầng, nhân lực tại một số trạm y tế xã vẫn còn nhiều hạn chế. Mong rằng, trong thời gian tới, Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục có nhiều chính sách nhằm chăm lo tốt hơn cho sức khỏe bà con đồng bào DTTS.
CHỊ ĐINH PHẠM THỊ LY THOAN, DÂN TỘC CHĂM, BÍ THƯ CHI ĐOÀN THÔN HÀ RAI, XÃ XUÂN LÃNH, HUYỆN ĐỒNG XUÂN: Tạo cơ hội khởi nghiệp, phát triển kinh tế cho thanh niên
Thời gian qua, cùng với sự quan tâm, định hướng của Đảng, Nhà nước, nhiều thế hệ đoàn viên, thanh niên người đồng bào DTTS&MN đã rất năng động, tích cực trong các hoạt động xã hội, thi đua phát triển kinh tế. Nhiều thanh niên nỗ lực học tập tại các trường cao đẳng, đại học để nâng cao trình độ, năng lực và trở lại phục vụ phát triển KT-XH địa phương.
Tuy nhiên, thực tế không phải đoàn viên, thanh niên nào cũng được bố trí, sắp xếp hoặc tìm kiếm được vị trí việc làm phù hợp, ổn định. Một số thanh niên muốn khởi nghiệp nhưng vì thiếu đất sản xuất, thiếu vốn và kinh nghiệm nên vẫn trong tình trạng lẩn quẩn, thu nhập bấp bênh.
Do vậy, không ít đoàn viên, thanh niên vùng đồng bào DTTS&MN đã phải rời quê đi làm thuê hoặc tìm kiếm cơ hội việc làm ở các địa phương khác. Đây cũng là lý do khiến các phong trào hoạt động đoàn ở các địa phương rất khó khăn.
Mong rằng, trong giai đoạn tới, Đảng, Nhà nước sẽ có thêm nhiều chính sách khuyến khích, động viên và tạo việc làm cho thanh niên vùng đồng bào DTTS&MN; hướng dẫn, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, phát triển kinh tế để có thể làm giàu ngay trên chính quê hương mình.
ÔNG OI LINH, DÂN TỘC Ê ĐÊ, NGƯỜI CÓ UY TÍN THÔN ĐỘC LẬP C, XÃ EA CHÀ RANG, HUYỆN SƠN HÒA: Phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc
Tôi từng tham gia lực lượng du kích xã, hiểu được gian khổ của chiến tranh, cũng như sự quý báu của hòa bình, độc lập. Tôi cũng chứng kiến sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào DTTS. Đảng, Nhà nước không chỉ lo nơi ăn chốn ở, mà còn hỗ trợ người dân xây dựng nhà cửa, hướng dẫn khai hoang, trồng lúa, làm rẫy, nuôi heo, bò để phát triển kinh tế.
Nhờ vậy, bà con Ê Đê không chỉ thoát nghèo, thoát đói, mà điều kiện sống ngày càng tốt hơn. Nhiều năm làm công tác người có uy tín, tôi nhắc nhở bà con luôn tin tưởng, chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, Đảng, Nhà nước còn có nhiều chính sách nhằm gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc như: xây dựng, tu sửa nhà văn hóa thôn, buôn; trang bị các bộ nhạc cụ cồng chiêng, trang phục truyền thống; khuyến khích thành lập các CLB cồng chiêng, nhảy xoang arap; khôi phục các lễ hội truyền thống, tổ chức các ngày hội văn hóa cấp xã, thôn buôn… đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của bà con. Nhờ vậy, đời sống văn hóa của người đồng bào các DTTS ngày càng phong phú; các giá trị truyền thống được gìn giữ và phát huy.
NGÔ XUÂN (thực hiện)
Nguồn Phú Yên : https://baophuyen.vn/141/321111/gui-tam-tu-nguyen-vong-den-dai-hoi.html