Hà Nội 12 ngày đêm năm 1972: Trinh sát kỹ thuật đấu với 'pháo đài bay'

Hà Nội 12 ngày đêm năm 1972: Trinh sát kỹ thuật đấu với 'pháo đài bay'
một giờ trướcBài gốc
Trong 12 ngày đêm (từ 18 đến 30/12/1972), quân và dân miền Bắc, trong đó có Hà Nội đã kiên cường chiến đấu, đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn nhất của quân đội Mỹ, làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” lẫy lừng. Góp phần làm phá sản tham vọng của Mỹ “đưa miền Bắc về thời kỳ đồ đá” là lực lượng Trinh sát kỹ thuật thuộc Tình báo quốc phòng.
“Two one radiocheck... two two radiocheck.... Đó là tên của máy bay trực thăng 21,22,23... 4 chiếc vào có nghĩa là 4 chục máy bay, 8 chiếc vào ... Như thế mình đoán được máy bay trực thăng đi phục vụ máy bay chiến đấu... Minh đoán thế.. cứ theo tỉ lệ ấy...” - Đây là những âm thanh từ chiếc máy thu tín hiệu lấy thông tin về hoạt động của không quân Mỹ trong trong “12 ngày đêm khói lửa” chiến đấu với pháo đài bay B52 cuối tháng 12 năm 1972. Những âm thanh này vẫn hiện lên rõ như in trong trí nhớ của Đại tá Trần Văn Tụng nguyên Đại đội trưởng Đại hội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 75, Cục nghiên cứu nắm Không quân, B52 trong kháng chiến chống Mỹ (nay là Cục 75, Tổng cục II, Bộ Quốc phòng).
Bảng thông báo tin tức B52
Ngay từ giữa những năm 1972, việc cung cấp tin tức không quân Mỹ được tiêu chuẩn hóa với độ tin cậy ngày càng cao. Trinh sát kỹ thuật đã nắm và thông báo trước những trận đánh quan trọng của không quân Mỹ.
Tháng 7 năm 1972, trinh sát kỹ thuật phát hiện ra bộ sóng quản lý đường bay, trong đó có đường bay của B52. Từ những tin tức đó, Tình báo đã báo cáo lên trên “Địch chuẩn bị có một đợt hoạt động lớn của không quân Mỹ ra ngoài vĩ tuyến 20, chú ý Hà Nội, Hải Phòng”
Ngày 17/12/1972, trinh sát kỹ thuật báo cáo: “Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương điện cho Bộ Tư lệnh Không quân Mỹ đình chỉ đi phép của tất cả các phi công, tất cả các căn cứ phi công ở lại căn cứ chờ lệnh”
Ngày 18/12/1972: trinh sát kỹ thuật tiếp tục báo cáo: trong hai ngày 16 và 17/12, Mỹ không chủ trương sử dụng lực lượng không quân, chỉ có vài tốp máy bay lẻn vào đánh phá.
Trên cơ sở đó, ta nhận định: đây là động thái báo hiệu Mỹ đang chuẩn bị cho một trận đánh lớn.
Hình ảnh máy bay B-52 ném bom xuống các thôn, làng Việt Nam năm 1972. (Ảnh: TTXVN)
Theo Đại tá Trần Văn Tụng, những kinh nghiệm hơn 6 năm (Từ giữa năm 1966 đến cuối năm 1972) bằng việc tự nghiên cứu, tìm hiểu, nắm chắc nguyên tắc “ra tin bằng cách phán đoán bằng dấu hiệu tình báo”, lực lượng trinh sát kỹ thuật đã giải mã thành công về quy luật hoạt động của B52 và F111, dự báo trước các đợt đánh phá của B52, giúp nhân dân và các lực lượng vũ trang kịp thời sơ tán lực lượng, có biện pháp phòng tránh hiệu quả, tránh thương vong, tổn thất cho đồng bào, chiến sĩ của ta.
“Thời gian thì biết rồi. Nó báo 7h thì có nghĩa là 9h vào đến nơi. Nó báo 7h nó lên radio check thì có nghĩa nó bảo chỉ huy của nó biết rằng đã sẵn sàng và chỉ huy nó ra lệnh cho máy bay chiến đấu cất cánh. Thì kể từ thời điểm đó cho đến khi vào đến nơi là 2 tiếng. Phán đoán thôi. Mình báo là 9h hôm nay, máy bay không quân chiến thuật vào đánh Hà Nội hoặc Bắc Giang. Rõ ràng, thời gian có, lực lượng mình đoán ra. Mình biết rằng, trực thăng lên thì trận đánh bắt đầu”, Đại tá Trần Văn Tụng nhớ lại.
Đơn vị pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô đã bắn rơi nhiều máy bay B-52 trong trận 12 ngày đêm. (Ảnh: TTXVN)
Các đợt đánh phá của không quân Mỹ, số lượng máy bay B52, F111 tham gia, thời điểm và địa điểm đánh phá đều được lực lượng trinh sát kỹ thuật báo cáo sớm với sai số rất nhỏ.
Đại tá Phạm Gia Ninh - nguyên cán bộ xử lý thông tin không quân, B52 trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không năm 1972 cho biết, thông tin đã được lực lượng trinh sát phân tích và đưa ra những thông số hết sức cụ thể: “Trinh sát kỹ thuật đã nắm trước được 3 ngày địch sẽ ném bom B52 ở miền Bắc và Hà Nội. Đêm 18/12, trinh sát kỹ thuật đã báo cáo được trước 4 tiếng đến 7 tiếng, tức là khi máy bay cất cánh từ sân bay , sau đó là nắm được cả lộ trình bay, đường bay, hướng bay và từng tốp máy bay B52 vào Hà Nội”.
Đảm nhiệm trực ban tác chiến phòng không trong sở chỉ huy “những đêm Hà Nội không ngủ”, Thiếu tá Nguyễn Văn Ninh, Trợ lý tên lửa Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam (sau này là Thiếu tướng, Phó cục trưởng Cục Tác chiến) cho biết, hằng ngày, nhiệm vụ của ông là nắm những thông tin chiến lược từ tình báo, radar về hành động của đối phương để báo cáo cấp trên, đề xuất những vấn đề về tác chiến phòng không.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nhờ những tin tức từ lực lượng trinh sát kỹ thuật, quân và dân ta đã giành được thế chủ động trên chiến trường, không bị động và bất ngờ: “Lúc 19h15p ngày 18/12, tôi đến ấn còi báo động phòng không, 19h45 phút máy bay Mỹ bắt đầu ném bom. Bộ đội thì đã sẵn sàng chiến đấu, cả Hà Nội, cả miền Bắc không bất ngờ, mà đàng hoàng, bình tĩnh bước vào cuộc chiến đấu chống cuộc tập kích bằng đường không B52 của đế quốc Mỹ”.
Xác máy bay B-52 bị bắn rơi ngày 21/12/1972. (Ảnh: TTXVN)
Với sự chủ động chuẩn bị về xây dựng lực lượng, thế trận, phương án chiến đấu, nghiên cứu cách đánh B.52, dự kiến chính xác về thời gian, khu vực, mục tiêu đánh phá của địch nên ta đã giành thế chủ động, kịp thời đưa toàn bộ lực lượng phòng không, không quân vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất, đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng không quân lớn nhất của đế quốc Mỹ, lập nên kỳ tích chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
Đây là kết quả rực rỡ của tư duy bảo vệ bầu trời Hà Nội từ sớm và góp một phần không nhỏ vào chiến thắng chung ấy là lực lượng trinh sát kỹ thuật thuộc Tình báo Quốc phòng.
Thu Hòa/VOV1
Nguồn VOV : https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/ha-noi-12-ngay-dem-nam-1972-trinh-sat-ky-thuat-dau-voi-phao-dai-bay-post1141747.vov