Tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, tránh bão
Báo cáo dẫn số liệu của các trạm Khí tượng Thủy văn cho biết, tính từ 7h ngày 19/7 đến 7h ngày 20/7, trên địa bàn TP có mưa nhiều nơi; cao nhất là tại trạm Thượng Cát đạt 75mm, trạm Hoàn Kiếm 19,8mm; các trạm Ba Vì mưa nhỏ dưới 10mm.
Cây xanh gãy đổ được thu dọn ở góc phố Lê Thạch sáng 20/7. Ảnh: Hồng Thái
Đến 7h ngày 20/7, hồ Hòa Bình đã đóng 2 cửa xả đáy, hiện còn mở 1 cửa xả đáy. Mực nước các sông chính, sông nội địa trên địa bàn TP đang ở mức thấp, dưới báo động I.
UBND TP Hà Nội đã ban hành Văn bản số 4162/UBND-NNMT ngày 19/7 về việc sẵn sàng ứng phó với bão và nguy cơ mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; Văn bản số 11136/VP-ĐT ngày 19/7 về việc khắc phục ngay tình trạng cây xanh gãy đổ do ảnh hưởng của trận giông lốc xảy ra vào chiều ngày 19/7.
Trên cơ sở nội dung chỉ đạo tại các văn bản, cuộc họp của Trung ương và TP, các sở, ban, ngành đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo ứng phó với bão số 3 (bão WIPHA) theo chức năng, nhiệm vụ và địa bàn phụ trách.
Về triển khai ứng phó, khắc phục: ngay khi có các bản tin áp thấp nhiệt đới, cảnh báo thời tiết, thiên tai bất lợi và các chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và TP; UBND các cấp, các ngành đã chủ động triển khai các văn bản, các hoạt động phòng ngừa, ứng phó với bão theo chức năng, nhiệm vụ được giao như: vận hành trạm bơm tiêu thoát nước đệm, triển khai các biện pháp hạ thấp mực nước hồ chứa thủy lợi; rà soát dừng thi công các công trình có nguy cơ ảnh hưởng của bão, đặc biệt là thực hiện nghiêm công tác cấp phép thi công các công trình liên quan đến đê điều, thủy lợi theo quy định; rà soát các khu vực nguy hiểm, xung yếu, các khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, sạt lở đất...
Mặc dù chính quyền địa phương 2 cấp vừa chính thức đi vào hoạt động và sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã từ ngày 1/7/2025, UBND các xã, phường đã chủ động tổ chức thực hiện các biện pháp ứng phó bão, bao gồm chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để xử lý tình huống khẩn cấp; tuyên truyền và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, tránh bão, ứng trực, tổ chức, sẵn sàng ứng phó khẩn cấp.
Về công tác huy động vật tư, nhân lực khắc phục thiệt hại sau mưa dông: Cơn mưa dông chiều ngày 19/7 đã xuất hiện một số điểm úng ngập, ứ đọng cục bộ tại một số tuyến đường nội đô. Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã vận hành 8/15 bơm tại trạm Yên Sở. Đến 17h45, không còn điểm úng ngập, giao thông trở lại bình thường. Công ty TNHH MTV Thủy lợi sông Nhuệ (XN Thủy lợi Phú Xuyên) đã vận hành 1 máy bơm. Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội đã huy động 100% quân số (464 người), 32 phương tiện, thiết bị các loại để cắt tỉa, thu dọn cây đổ, cành gãy.
Hà Nội có 3 người bị thương nhẹ do cơn mưa dông
Do ảnh hưởng của trận giông lốc xảy ra vào chiều ngày 19/7, trên địa bàn TP phát sinh một số ảnh hưởng, thiệt hại. Theo báo cáo của các xã, phường, trên địa bàn TP có 3 người bị thương nhẹ do cơn mưa dông (Mê Linh 1, Hồng Vân 1, Đại Mỗ 1) và đã được đưa đến các bệnh viện sơ cứu kịp thời.
Về tình hình cây đổ, cành gãy: Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Cây xanh Hà Nội: tính đến 7h sáng 20/7, có 154 cây đổ, 221 cành gãy. Hiện các cây đổ, cành gãy đã được công ty giải tỏa để đảm bảo giao thông thông suốt và đang được tiếp tục xử lý, thu dọn.
Lực lượng chức năng phường Khương Đình kịp thời khắc phục hậu quả của trận giông lốc xảy ra vào chiều ngày 19/7
Theo báo cáo của các xã, phường: tính đến 7h sáng 20/7, có 679 cây đổ, 408 cành gãy. Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự các xã, phường đã cắt tỉa, thu dọn và giải tỏa xong.
Về thiệt hại khác: 1.772 m2 mái tôn nhà, chuồng trại bị tốc; 1,5 ha nhà lưới bị sập, rách; 80 m2 nhà sàn bị đổ sập; 6 cột viễn thông và 30 cột điện bị gãy, đổ; 4 tủ điện bị cháy, chập, hư hỏng; 201m tường rào bị đổ; 1.000 con gia cầm bị chết và nhiều diện tích cây ăn quả bị ảnh hưởng. Gió giật mạnh còn làm đổ, gãy, hư hỏng nhiều biển quảng cáo, pano và trần nhà.
24 xe ô tô các loại và 7 xe máy bị hư hỏng do cây đè. Giao thông bị ảnh hưởng do cây đổ khiến người dân gặp khó khăn trong di chuyển tại các tuyến đường như Nguyễn Xiển, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, Cầu Bươu... Sân bay Nội Bài cũng phải tạm hoãn nhiều chuyến bay do thời tiết xấu.
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, để chủ động ứng phó với bão số 3 và nguy cơ mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội đề nghị UBND các phường, xã và các sở, ban, ngành khẩn trương thực hiện đầy đủ, nghiêm túc chức trách, nhiệm vụ được phân công với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
UBND các xã, phường, các sở, ban, ngành TP căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau: Tiếp tục thực hiện nghiêm các công điện, văn bản chỉ đạo của Trung ương và TP; theo dõi sát tình hình thời tiết, thiên tai; tổ chức trực ban nghiêm túc; chủ động, kịp thời triển khai công tác phòng ngừa, ứng phó theo phương châm “Bốn tại chỗ”; khắc phục hậu quả và ảnh hưởng sau thiên tai; thực hiện công tác báo cáo diễn biến thiên tai, sự cố, thiệt hại và công tác ứng phó, khắc phục trên website của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN TP theo quy định.
Ngoài ra, Rà soát, cập nhật, hoàn thiện và triển khai hiệu quả phương án ứng phó thiên tai, kế hoạch phòng, chống thiên tai theo phân cấp, báo cáo kết quả thực hiện về UBND TP, Sở Nông nghiệp và Môi trường.
Hồng Thái