Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 205/NQ-CP ngày 6/7/2025 (NQ 205) về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương. Và một trong những chỉ đạo quan trọng từ nghị quyết này của Chính phủ là đẩy mạnh xuất khẩu; phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Kiểm nghiệm chất lượng thuốc tân dược tại Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm TP. Huế
Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Bộ Công an tập trung chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ, công an các địa phương xác lập các chuyên án đấu tranh với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Đồng thời, yêu cầu Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân như thực phẩm, sữa, thuốc...
Chính phủ cũng nhấn mạnh một thông điệp rõ ràng, mạnh mẽ và kiên quyết là: “Tuyên chiến không khoan nhượng với thuốc giả, thực phẩm giả”.
Rõ ràng, NQ 205 cho thấy Chính phủ không chỉ nhắm đến mục tiêu xử lý hậu quả mà đang muốn “dọn dẹp tận gốc” các đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả có tổ chức, hoạt động chuyên nghiệp và thậm chí xuyên biên giới. Đặc biệt, việc Bộ Công an xác lập chuyên án, phối hợp chặt chẽ với công an địa phương cho phép sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để điều tra, triệt phá các đường dây phức tạp, thay vì chỉ “đánh” lẻ, “đánh” ngọn. Bên cạnh đó, việc công khai thông tin kết quả xử lý trên các phương tiện truyền thông cũng là một cách vừa để răn đe các đối tượng vi phạm, vừa củng cố niềm tin của người dân vào nỗ lực của Nhà nước trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thực tế trong nhiều năm qua cho thấy, tình trạng “hàng gian lấn hàng thật” khiến người tiêu dùng sống trong trạng thái nghi ngờ, thậm chí bất lực khi phân biệt sản phẩm thật - giả. Cũng từ đó, các doanh nghiệp làm ăn chân chính phải đối mặt với cuộc cạnh tranh không lành mạnh, mất thị phần và ảnh hưởng đến uy tín.
Với sự vào cuộc quyết liệt từ Chính phủ, các doanh nghiệp có thêm cơ hội để lấy lại thị trường, khôi phục thương hiệu, tăng đầu tư cho chất lượng, và dám nghĩ đến xuất khẩu bền vững. Người tiêu dùng cũng có thêm cơ sở để tin rằng mỗi sản phẩm trên kệ hàng không phải là một canh bạc về sức khỏe. Môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch cũng là điều kiện tiên quyết để thu hút đầu tư trong và ngoài nước - điều mà Việt Nam đang rất cần để phục hồi kinh tế sau đại dịch và trong giai đoạn tăng trưởng mới.
Cũng cần nhìn nhận, đây sẽ là một cuộc chiến lâu dài và đầy thách thức. Bởi lợi nhuận từ hàng giả, hàng kém chất lượng rất lớn, trong khi chế tài xử phạt hiện nay còn nhẹ, khả năng tái phạm cao. Nhiều đường dây làm ăn tinh vi, biết lợi dụng kẽ hở pháp lý, len lỏi trong hoạt động thương mại điện tử, giả mạo xuất xứ hàng hóa, khiến việc phát hiện và xử lý càng khó khăn. Do đó, cùng với việc tăng cường chuyên án, điều tra và xử lý nghiêm, Nhà nước cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý về sản xuất, phân phối hàng hóa; nâng mức chế tài xử lý hình sự đối với tội phạm hàng giả; tăng năng lực cho đội ngũ thực thi; ứng dụng công nghệ vào truy xuất nguồn gốc, chống gian lận thương mại.
Bên cạnh đó cũng cần nâng cao vai trò của người tiêu dùng. Mỗi người dân cần là một “người kiểm định” thông minh, nói không với hàng giả, ủng hộ hàng thật, hàng chất lượng. Khi người tiêu dùng tỉnh táo, doanh nghiệp tử tế sẽ có chỗ đứng và kẻ làm hàng giả sẽ không còn đất sống. Cuộc chiến chống hàng giả đang bước vào giai đoạn mới, quyết liệt, chủ động và toàn diện hơn. Đây không chỉ là cuộc chiến pháp lý, mà còn là cuộc chiến của niềm tin, của lòng kiên trì và sự đồng lòng từ Nhà nước, doanh nghiệp đến người dân.
Từ Ân