Gần đây, trên mạng xã hội Trung Quốc lan truyền hình ảnh cho thấy sự đối lập giữa một thiếu niên lem luốc vì bụi than và chàng tân tiến sĩ trong bộ lễ phục trang trọng. Đằng sau đó là một hành trình đầy nhọc nhằn và nghị lực phi thường.
Từ hầm mỏ tuổi 12 đến giảng đường đại học
Chàng trai sinh năm 1993 (không cho biết tên thật), quê tại một huyện miền núi nghèo của tỉnh Hà Bắc (phía bắc Trung Quốc). Từ năm 9 tuổi, cậu đã theo cha đi phụ hồ, đến năm 12 tuổi thì bắt đầu vác thuốc nổ xuống mỏ than. Làm việc trong bóng tối, khí độc và tiếng nổ dội từ lòng đất dần trở thành điều bình thường với cậu.
Tấm ảnh ghi lại hai hình ảnh đối lập - cậu bé với gương mặt đen nhẻm vì bụi thannăm nào và chàng tiến sĩ chỉn chu trong lễ phục tốt nghiệp đã thu hút sự chú ý trên mạng xã hội Trung Quốc. Ảnh: Baidu
"Khi bạn bè cùng trang lứa đá bóng, tôi đang cột thép ở công trường. Khi họ ôn thi đại học, tôi lót nhựa đường ở cao tốc Hàm Đan, vác thuốc nổ ở mỏ Tấn Thành, cuốc than ở Hồng Khánh Hà…”, tân tiến sĩ viết trong luận văn tại Đại học Công nghiệp Bắc Kinh (Trung Quốc).
Dù cuộc sống cơ cực nhưng "cậu bé mỏ than" vẫn nuôi giấc mơ đến trường. Sau 2 lần thi đại học, cuối cùng cậu cũng đỗ vào một trường cao đẳng kỹ thuật. Đó là điểm khởi đầu cho hành trình dài nhiều năm học tập liên tục, từ cao đẳng lên đại học, sau đó là cao học, rồi chương trình tiến sĩ ngành kỹ thuật khai khoáng.
Không thuộc nhóm sinh viên xuất sắc nhất lớp và cũng không có điều kiện học thêm nhưng chàng trai luôn bền bỉ với mục tiêu đã chọn. Trong những kỳ nghỉ hè, thay vì nghỉ ngơi hay đi chơi, nam sinh đi làm thêm đủ nghề: Thợ tiện ở nhà máy điện tử Thượng Hải, công nhân buộc thép ở nhà máy hóa chất, rửa bát thuê hay quét dọn trong ký túc xá.
“Chiếc điện thoại đầu tiên trong đời tôi là món quà của một bạn cùng phòng tặng. Hai chiếc quần dài tôi vẫn mặc tới ngày bảo vệ luận án, một chiếc là đồ bạn bè để lại” - những chi tiết giản dị ấy đều được anh nhắc tên trong phần “Lời cảm ơn” của cuốn luận án tiến sĩ khiến nhiều người cảm động.
"Tôi ghi nhớ từng sợi mì bạn gắp sang bát tôi, từng miếng cam bạn chia cho tôi. Mối nợ ân tình này, cả đời tôi không quên”.
Trong bản luận văn, tân tiến sĩ bày tỏ sự tri ân với 46 người, từ thầy hướng dẫn, một kỹ sư công trình, bạn học cũ đến những người xa lạ đã giúp đỡ anh trên đường đời.
Anh viết về cha mẹ, những người không biết chữ nhưng đã hy sinh cả cuộc đời để đổi lấy cơ hội học tập cho con. Anh nhắc tới những kỹ sư đã hướng dẫn anh thao tác trên TBM (máy khoan đường hầm) giữa công trường lạnh giá và bạn gái - người đã luôn ở bên dù anh không có gì ngoài sự quyết tâm.
Ngay sau khi được lan truyền, bài viết đã gây xúc động mạnh mẽ trong cộng đồng mạng Trung Quốc. Hàng triệu người đọc và chia sẻ, không chỉ vì thành tích đáng nể của chàng trai mà bởi tinh thần không đầu hàng trước hoàn cảnh được thể hiện chân thực, giản dị qua từng câu chữ.
Theo Baidu, truyền thông lập tức tìm đến để phỏng vấn nhưng vị tiến sĩ chỉ trả lời: “Nếu những gì tôi viết có thể truyền cảm hứng cho sinh viên, vậy hãy cứ lan tỏa nó". Trong tin nhắn phản hồi tới phóng viên, anh cho biết: “Hiện tại cuộc sống của tôi rất tốt, do tính chất đặc thù của ngành nghề nên tôi không tiện nhận lời phỏng vấn".
Trên các diễn đàn mạng, trong muôn vàn lời bình luận, không ít người gọi anh là “minh chứng sống” cho một chân lý giản đơn mà mạnh mẽ: Xuất phát điểm không quyết định vạch đích, điều quan trọng nhất là không ngừng bước tới.
Tử Huy