Hậu Giang: Phổ biến Mô hình thông tin công trình (BIM)

Hậu Giang: Phổ biến Mô hình thông tin công trình (BIM)
3 giờ trướcBài gốc
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hậu Giang Nguyễn Hữu Nghĩa phát biểu khai mạc Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hậu Giang Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết: “Việc ứng dụng Mô hình thông tin công trình và các giải pháp công nghệ số trong hoạt động xây dựng được quy định tại Điều 6 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021. Theo lộ trình áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 17/3/2023.
Theo danh mục chương trình, dự án ưu tiên đầu tư tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, theo Quyết định số 1588/QĐ-TTg ngày 08/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến sẽ có một số dự án đối tượng bắt buộc áp dụng BIM theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Vì vậy, Sở Xây dựng tỉnh Hậu Giang phối hợp cùng Viện Kinh tế xây dựng - Bộ Xây dựng tổ chức buổi hội thảo nhằm phổ biến, nâng cao nhận thức về BIM cho tổ chức, cá nhân, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh Hậu Giang để có thể áp dụng BIM một cách hiệu quả trong thời gian sắp tới tuân theo đúng lộ trình được Chính phủ đề ra…”.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, diễn gia đã chia sẻ các nội dung: Tổng quan về BIM; Chủ trương, chính sách áp dụng BIM tại nước ta; Ứng dụng BIM hỗ trợ công tác thẩm định; Tích hợp BIM và GIS phục vụ quản lý quy hoạch và xây dựng thành phố thông minh; Kinh nghiệm áp dụng BIM trong các dự án triển khai thực hiện trong thời gian vừa qua; Ứng dụng môi trường dữ liệu chung trong quản lý thông tin tại dự án áp dụng BIM. Đồng thời, chia sẻ thực tế những dự án công trình xây dựng đã sử dụng BIM trong thời gian qua tại Việt Nam.
Tại Hội thảo, ông Trần Mạnh Hà, Giám đốc Phân Viện Kinh tế xây dựng miền Nam - Bộ Xây dựng chia sẻ: “BIM đã được áp dụng mạnh mẽ trong khối kinh tế tư nhân tại Việt Nam từ hơn 10 năm trước. Một số đơn vị tư vấn và chủ đầu tư đã bước đầu làm chủ được việc áp dụng BIM trong thiết kế và thi công xây dựng. Tuy nhiên, việc áp dụng BIM trong các dự án đầu tư xây dựng của khu vực kinh tế Nhà nước vẫn diễn ra khá chậm và gặp nhiều rào cản trong đó có nguyên nhân do thiếu cơ sở pháp lý để triển khai áp dụng BIM.
Ông Trần Mạnh Hà, Giám đốc Phân Viện Kinh tế xây dựng miền Nam - Bộ Xây dựng, thông tin chia sẻ về BIM.
Để đáp ứng nhu cầu bức thiết về việc xây dựng cơ chế và chính sách nhằm tạo lập nền tảng pháp lý cho việc áp dụng BIM trong các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn Nhà nước, ngày 22/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình tại Quyết định số 2500/QĐ-TTg. Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì thực hiện Đề án, và Viện Kinh tế xây dựng thuộc Bộ Xây dựng là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án BIM.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã giao Viện Kinh tế xây dựng nhiệm vụ xây dựng lộ trình áp dụng BIM tại Việt Nam. Ngày 17/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt lộ trình áp dụng BIM tại Quyết định số 258/QĐ-TTg. Đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển BIM tại Việt Nam, quy định bắt buộc áp dụng BIM đối với các cấp công trình theo giai đoạn: Giai đoạn 1: Từ năm 2023, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp I và cấp đặc biệt. Giai đoạn 2: Từ năm 2025, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp II trở lên.
Hiện nay, theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Xây dựng, các nội dung về Mô hình thông tin công trình (BIM) đang được đưa vào Nghị định sửa đổi Nghị định số 15/2021/NĐ-CP để có cơ sở pháp lý vững chắc phục vụ triển khai áp dụng BIM. Dự thảo hiện tại đã có quy định: Áp dụng đối với công trình xây dựng mới có quy mô từ cấp II trở lên và thuộc dự án từ nhóm B trở lên. Ngoài các hồ sơ trình thẩm định, cấp phép xây dựng theo quy định của Nghị định này, chủ đầu tư (hoặc người đề nghị thẩm định) có trách nhiệm cung cấp dữ liệu BIM của công trình.
Chuyên gia chia sẻ những thực tế hữu ích ứng dụng BIM trong các công trình xây dựng tại Việt Nam thời gian qua.
Cơ quan chuyên môn về xây dựng được sử dụng dữ liệu BIM để hỗ trợ trong quá trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, cấp phép xây dựng. Tại kết quả thẩm tra thiết kế xây dựng công trình cần có đánh giá của đơn vị tư vấn thẩm tra về tính thống nhất của mô hình BIM với các kết quả tính toán, thiết kế thể hiện tại hồ sơ nộp thực hiện thủ tục hành chính. Chủ đầu tư có trách nhiệm cập nhật tệp tin BIM trong hồ sơ thiết kế vào cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng theo quy định của Nghị định về cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng.
Nhằm thực hiện nhiệm vụ tổ chức thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức về BIM trong xã hội, Viện Kinh tế xây dựng đã phối hợp với nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để phổ biến lộ trình áp dụng BIM và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện thuộc phạm vi quản lý địa phương…
Huỳnh Biển
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.com.vn/hau-giang-pho-bien-mo-hinh-thong-tin-cong-trinh-bim-384849.html