Ngày 29/11, Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học giáo dục đã tổ chức lễ trao Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh cho 27 phó giáo sư ngành Khoa học giáo dục năm 2024.
Buổi lễ có sự tham gia của Phó giáo sư, Tiến sĩ Dương Nghĩa Bang, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư nhà nước, đại diện cho lãnh đạo Văn phòng Hội đồng Giáo sư nhà nước. Về phía Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học giáo dục, buổi lễ có sự hiện diện của Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên, Chủ tịch Hội đồng; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Lộc - Hiệu trưởng sáng lập Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), Phó Chủ tịch Hội đồng; Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trung - Giám đốc Học viện Dân tộc, Thư ký Hội đồng; các Ủy viên Hội đồng; lãnh đạo các trường đại học và 27 tân phó giáo sư năm 2024.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học giáo dục.
Trong buổi lễ, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang trình bày báo cáo tổng kết và một số định hướng nghiên cứu Khoa học giáo dục. Chủ tịch Hội đồng và Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì phần trao đổi, thảo luận về một số định hướng về nghiên cứu Khoa học giáo dục trong giai đoạn tới.
Thầy Quang cho biết, trong giai đoạn vừa qua, có 3 bài học về nghiên cứu Khoa học giáo dục cần lưu ý.
Thứ nhất, mức độ hiểu biết về Khoa học giáo dục còn khác nhau, nghiên cứu tản mạn, thiếu hệ thống, thiếu trọng tâm, trọng điểm trong lựa chọn vấn đề nghiên cứu, tính chất liên ngành còn yếu.
Thứ hai, nghiên cứu cơ bản và ứng dụng còn khoảng cách lớn, hệ thống trường - viện chưa liên kết bền chắc, nhiều vấn đề thực tiễn còn để ngỏ, đội ngũ về Khoa học giáo dục trình độ không đều, khả năng tiếp cận quốc tế còn yếu, quy trình nghiên cứu còn rườm rà, thiếu hiệu quả.
Thứ ba, từ quản lý, cơ chế nghiên cứu trong nghiên cứu Khoa học giáo dục còn hạn chế so với yêu cầu 4.0, chưa tập hợp đội ngũ mạnh, chưa tạo "hệ sinh thái" trong nghiên cứu Khoa học giáo dục.
Toàn cảnh Lễ trao Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh cho 27 phó giáo sư ngành Khoa học giáo dục năm 2024.
Từ đó, thầy Quang đề xuất hội đồng chuyên gia về Khoa học giáo dục và liên ngành phát triển các mô hình nghiên cứu cơ bản, từ các trường, viện nghiên cứu về giáo dục; xây dựng các danh mục cụ thể nghiên cứu khoa học giáo dục, viết mới các giáo trình sư phạm về Khoa học giáo dục và nghiên cứu sâu về 3 phạm vi môi trường trong hệ thống (giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, quản lý và quản trị).
Tại buổi lễ, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang và Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Lộc đã trao Giấy chứng nhận và hoa chúc mừng các ứng viên đạt tiêu chuẩn phó giáo sư ngành Khoa học giáo dục năm 2024.
Các tân phó giáo sư ngành Khoa học giáo dục đón nhận Giấy chứng nhận
Ảnh lưu niệm chụp bên ngoài văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước.
Năm nay, 3 cơ sở đào tạo có thêm 3 phó giáo sư ngành Khoa học giáo dục là Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên); Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) và Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Riêng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Đồng Tháp có thêm 2 phó giáo sư/trường.
Phó giáo sư trẻ nhất của ngành năm 2024 là cô Nguyễn Thị Việt Nga của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 (sinh năm 1986).
Trần Trang