Hé lộ màn trình diễn của Không quân tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam

Hé lộ màn trình diễn của Không quân tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam
một giờ trướcBài gốc
Ngay từ sáng sớm nay 14/12 tại sân bay Hòa Lạc (Trung đoàn Không quân 916), đội ngũ cán bộ, phi công, nhân viên kỹ thuật thuộc các đơn vị trong Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) đã tích cực, khẩn trương huấn luyện, chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ bay chào mừng Lễ khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 sẽ diễn ra ngày 19/12 tới.
Trong buổi bay hợp luyện cùng các đơn vị tham gia lễ khai mạc triển lãm, lực lượng trực thăng ở sân bay Hòa Lạc có 7 trực thăng bay theo đội hình 3-4.
Tại khu vực sân đỗ, lực lượng kỹ thuật của các Trung đoàn 916 (Sư đoàn 371), Trung đoàn 917 (Sư đoàn 370) và Trung đoàn 930 (Sư đoàn 372) cùng phối hợp với các cán bộ, trợ lý của Phòng Nghiên cứu Máy bay động cơ, Viện Kỹ thuật PK-KQ bảo đảm tốt công tác treo cờ cho máy bay tham gia huấn luyện và thực hiện nhiệm vụ.
Cờ treo trực thăng sau khi được trải ra sẽ thu lại và treo dây cáp. Dây cáp dài 8m sẽ được cố định vào móc treo ngoài trực thăng cùng quả đối trọng nặng 120kg đảm bảo cho dây treo cờ căng, thẳng, giữ trạng thái cờ bay đẹp khi trực thăng bay với tốc độ 80-120km/h.
Theo Thượng tá Nguyễn Đắc Quang - Phó trưởng Phòng Nghiên cứu Máy bay động cơ, Viện Kỹ thuật PK-KQ - quá trình thu, xếp và gắn cờ vào trực thăng được thực hiện theo một quy trình kỹ lưỡng nhằm đảm bảo cờ sẽ bung hết ra sau khi trực thăng bắt đầu cất cánh và bay theo đội hình. Việc tính toán góc độ bay của cờ sẽ giúp cờ bung ra đẹp hơn khi biên đội trực thăng bay qua lễ đài.
Thông thường quá trình lắp cờ trên các trực thăng họ Mi sẽ mất từ 5 đến 10 phút. Sau khi kết thúc nhiệm vụ bay, trước khi trực thăng hạ cánh, vị trí cơ giới trên không đi cùng trực thăng sẽ tiến hành thu cờ từ bên trong.
Việc thu cờ trước khi trực thăng hạ cánh là nhằm đảm bảo an toàn hàng không bởi cờ có chiều dài lên đến 5,4m rất dễ bị cuốn theo luồng gió từ cánh quạt trực thăng khi chuẩn bị tiếp đất.
Những lá cờ có kích thước giống nhau, có chiều dài là 5,4m, rộng 3,6m, được làm từ chất liệu polyester, loại vải có đặc tính dai, bền và thoáng khí, đảm bảo tốt trong quá trình bay cùng trực thăng.
Theo kịch bản hợp luyện, tốp 1 xếp đội hình mũi tên gồm 3 chiếc, tốp thứ 2 gồm 4 chiếc xếp đội hình quả trám lần lượt cất cánh và thực hiện đường bay ổn định qua khu vực cách khán đài tại nhà ga Sân bay Gia Lâm 150m, ở độ cao 150m.
Khi kết thúc bài bay huấn luyện, các máy bay lần lượt được điều khiển về hạ cánh an toàn tại Sân bay Hòa Lạc.
Chia sẻ về buổi bay hợp luyện hôm nay Thượng tá Nguyễn Văn Hoàng - Phó chính ủy Trung đoàn Không quân 916 - cho biết, bài bay ảnh hưởng rất nhiều do không khí lạnh dù vậy tất cả các kịch bản có thể ảnh hưởng đến hoạt động bay đều đã được các đơn vị nghiên cứu và chuẩn bị trong giai đoạn huấn luyện.
Điều này đã được khẳng định trong buổi bay hợp luyện hôm nay khi các tổ bay trực thăng hoàn thành xuất sắc kế hoạch và đảm bảo an toàn tuyệt đối cũng như bay qua khán đài đúng thời gian quy định.
Cũng theo Thượng tá Nguyễn Văn Hoàng, tới thời điểm hiện tại, tất cả các tổ bay trực thăng nói riêng và các lực lượng không quân khác nói chung đều đã sẵn sàng mang đến lễ khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 những hình ảnh đẹp nhất của không quân Việt Nam.
Lực lượng tham gia nhiệm vụ lần này đều là những người có nhiều kinh nghiệm tham gia bay đội hình 3-4 chiếc tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2022, bay chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/he-lo-man-trinh-dien-cua-khong-quan-tai-trien-lam-quoc-phong-quoc-te-viet-nam-ar913667.html