Các nhà thiên văn học vừa phát hiện ra một thiên thể lớn mà họ mô tả là "hóa thạch vũ trụ", quay quanh Mặt Trời ở bên ngoài quỹ đạo của Sao Diêm Vương.
Theo Space.com, thế giới kỳ lạ này được định danh là 2023 KQ14 và có biệt danh là "Ammonite", tức Cúc đá - một nhóm sinh vật biển cổ đại mà ngày nay chúng ta chỉ có thể biết thông qua các hóa thạch.
"Hóa thạch vũ trụ" Ammonite có thể là bằng chứng cho thấy một hành tinh đã bị đẩy ra khỏi hệ Mặt Trời - Ảnh đồ họa: Ying-Tung Chen/ASIAA
Ammonite vũ trụ được phân loại là "sednoid", tức nhóm vật thể ngoài Sao Hải Vương có quỹ đạo lệch tâm cao và ở rất xa Mặt Trời. Kể cả ở điểm cận nhật, Ammonite cũng nằm cách ngôi sao mẹ của chúng ta một khoảng cấp 71 lần khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trời.
Ước tính Ammonite có bề rộng lên đến 220-380 km.
Đây chỉ là sednoid thứ tư được biết đến. Các phép đo cho thấy thiên thể này có quỹ đạo rất khác so với các sednoid "anh em".
Xem xét cẩn thận vật thể kỳ lạ này bằng kính viễn vọng Subaru của Đài thiên văn Quốc gia Nhật Bản (NAOJ), nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi TS Yukun Huang - cũng từ NAOJ - cho biết vào khoảng 4,2 tỉ năm trước, quỹ đạo của 4 sednoid vốn tương đồng.
Điều này có nghĩa là một sự kiện kịch tính đã xảy ra ở rìa hệ Mặt Trời vài trăm triệu năm sau đó, làm xáo trộn quỹ đạo một số vật thể.
"Có khả năng một hành tinh đã từng tồn tại trong hệ Mặt Trời nhưng sau đó bị đẩy ra ngoài" - TS Huang nói.
Điều này có nghĩa hy vọng về "hành tinh thứ 9" ngày một xa xôi: Hoặc nó đã bị đẩy đến nơi rất xa trong hệ sao và rất khó để tìm kiếm, hoặc Mặt Trời đã đánh mất nó mãi mãi.
Việc các hành tinh bị rơi khỏi hệ sao của nó không phải là hiếm trong vũ trụ, thường xảy ra trong các hệ sao non trẻ, nơi liên tục xảy ra các vụ va chạm cuồng nộ.
Mặc dù vậy, sự xuất hiện của Ammonite và cách mà các nhà khoa học tìm thấy nó lại mở ra một cánh cửa mới.
"Việc hiểu được sự tiến hóa quỹ đạo và tính chất vật lý của những vật thể xa xôi, độc đáo này là rất quan trọng để hiểu được toàn bộ lịch sử của hệ Mặt Trời" - TS Huang cho biết.
Anh Thư