Chiều 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến-Quyết thắng của QĐND Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Tháng 1/1954, Ngoại trưởng 4 nước: Liên Xô, Mỹ, Anh và Pháp đã họp tại Beclin (Đức) và quyết định sẽ triệu tập một hội nghị quốc tế ở Genève để giải quyết hai vấn đề: Chiến tranh tại Triều Tiên và lập lại hòa bình ở Đông Dương. Ngày 26/4/1954, khi QĐND Việt Nam kết thúc đợt 2 ở Điện Biên Phủ thì Hội nghị Genève bắt đầu được khai mạc. Tham dự hội nghị có đại diện của các bên gồm: Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Pháp, Mỹ, chính quyền Bảo Đại, Campuchia và Lào. Ban đầu, hội nghị bàn về vấn đề chiến tranh Triều Tiên chứ không bàn ngay về vấn đề Đông Dương. 17 giờ 30 phút, ngày 7/5/1954, tin thất bại của thực dân Pháp ở chiến trường Điện Biên Phủ gửi về hội nghị từ Đông Dương. Do đó, sáng ngày 8/5/1954, vấn đề Đông Dương được đưa lên bàn nghị sự.
Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã đánh bại ý chí xâm lược của thực dân Pháp, buộc chúng phải chấp nhận đàm phán tại Hội nghị Genève. Hiệp định Genève cho thấy sự phối hợp chặt chẽ giữa quân sự với ngoại giao, giữa thắng lợi quân sự trên chiến trường trong Chiến cục Đông - Xuân 1953 - 1954 với đấu tranh ngoại giao trên bàn đàm phán. Hiệp định Genève trở thành một văn bản mang tính quốc tế cho một giải pháp kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam trên các mặt quân sự, chính trị, xã hội và pháp lý. Việc ký kết Hiệp định Genève đã giải phóng hoàn toàn miền Bắc, mở ra một giai đoạn mới cho cách mạng Việt Nam, với mục tiêu thống nhất Tổ quốc.
Tại Hội nghị Genève, Đoàn đàm phán của nền ngoại giao “non trẻ” nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tham gia vào một hội nghị quốc tế với đại diện của 5 nước lớn là: Liên Xô, Mỹ, Pháp, Trung Quốc và Anh. Hội nghị đã diễn ra trong 75 ngày, với 31 phiên họp, trong đó, có 8 phiên toàn thể và 23 phiên họp hẹp cấp trưởng đoàn, cùng với rất nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương và đa phương bên lề hội nghị. Hai đồng Chủ tịch hội nghị là Molotov, Ngoại trưởng, Trưởng đoàn Liên Xô và Eden, Ngoại trưởng, Trưởng đoàn Anh thay phiên nhau làm chủ tọa. Phái đoàn ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn.
Trong bối cảnh tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, nhưng nhờ có sự chỉ đạo sâu sát của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 20/7/1954, chúng ta đã cùng với Pháp ký các hiệp định đình chỉ chiến sự và cùng các bên ra tuyên bố cuối cùng của hội nghị vào ngày 21/7/1954. Lần đầu tiên, tất cả các nước lớn đã phải thừa nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, tạo tiền đề và cơ sở pháp lý rất quan trọng để chúng ta tiến hành cuộc đấu tranh chống sự can thiệp và xâm lược của đế quốc Mỹ.
Hiệp định Genève là một thắng lợi lớn không chỉ của riêng nhân dân Việt Nam, mà còn của phong trào giải phóng dân tộc ở khu vực và trên thế giới. Pháp phải rút quân về nước và cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam, Lào và Campuchia. Hiệp định này đánh dấu sự sụp đổ hệ thống thực dân thống trị trên quy mô toàn cầu, góp phần quan trọng cổ vũ cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa trên thế giới; đồng thời, khẳng định tính tất thắng của cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc ta. Kết quả đó bắt nguồn từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ truyền thống yêu nước, ý chí quật cường của nhân dân Việt Nam.
Trong các chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng xuyên suốt là “dựa trên cơ sở những thắng lợi đã đạt được mà phấn đấu để thực hiện hòa bình ở Đông Dương, phá tan âm mưu của đế quốc Mỹ kéo dài và mở rộng chiến tranh Đông Dương, củng cố hòa bình và thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc”[1]. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ cũng là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ”[2]. Trong Báo cáo trước Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (khóa II) mở rộng trong các ngày 15 - 17/7/1954, đồng chí Trường Chinh cũng nhấn mạnh: “Đặt vấn đề Đông Dương vào trong vấn đề bảo vệ hòa bình và dân chủ thế giới đặng giải quyết một cách thích đáng”[3].
Tin về Chiến thắng Điện Biên Phủ của QĐND Việt Nam chiều 7/5/1954 được truyền đến Genève và ngay sáng sớm 8/5/1954 (giờ Genève), vấn đề Đông Dương chính thức được đưa lên bàn nghị sự. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Hiệp định Genève không chỉ tạo tiền đề và cơ sở pháp lý rất quan trọng để chúng ta tiến hành cuộc đấu tranh chống can thiệp và xâm lược Mỹ, mà còn giúp chúng ta rút ra được những bài học quý báu để có thể đi vào đàm phán, đấu trí về ngoại giao trong gần 5 năm và cuối cùng buộc Hoa Kỳ phải ký kết Hiệp định Paris, trong đó quy định: “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Genève năm 1954 về Việt Nam đã công nhận”[4].
Hiện nay, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động hội nhập quốc tế. Những bài học kinh nghiệm rút ra từ Hội nghị Genève có giá trị to lớn để chúng ta tiếp tục vận dụng trong giai đoạn mới, nhằm bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ thành quả cách mạng, sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ nền văn hóa và uy tín, vị thế quốc tế của đất nước; bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; củng cố, tăng cường môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước, đóng góp tích cực vào gìn giữ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.
Hơn 70 năm đã trôi qua, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và Hiệp định Genève vẫn in đậm dấu ấn trong tâm trí của các thế hệ người dân Việt Nam và nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Ý nghĩa to lớn và những bài học quý về Hiệp định Genève sẽ trường tồn cùng thời gian, được nhân lên, phát huy hơn nữa trong chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 15 (1954), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2001, tr.225.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 15 (1954), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2001, tr.230.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 15 (1954), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2001, tr.186.
[4] Điều 1 Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ký tại Paris, ngày 27/1/1973. Dẫn theo: Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước - Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973 - Qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn, tập 2 - Ký kết và thực thi, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2012, tr.15.
Nguyên Vũ