Hiệu quả mô hình sử dụng phế phụ phẩm từ sâm trong chăn nuôi

Hiệu quả mô hình sử dụng phế phụ phẩm từ sâm trong chăn nuôi
3 giờ trướcBài gốc
Chị Mừng chia sẻ, người dân mới chủ yếu sử dụng hoa và củ sâm Nam núi Dành, còn phụ phẩm gần như bỏ đi, gây lãng phí. Vì vậy, năm 2022, chị đã cùng một số thành viên thành lập Hợp tác xã (HTX) Hệ sinh thái nông nghiệp Mạnh An với mục tiêu xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn không rác thải, tận dụng phụ phẩm dược liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi cho gà, lợn, giúp nâng cao giá trị chăn nuôi.
Đàn gà nuôi bằng cám thảo dược.
Theo đó, ngoài trồng sâm Nam núi Dành, HTX thu mua thêm: Thân, lá sâm núi Dành, bã sâm sau khi chiết tách thành nước sâm, trà sâm... đun nước uống cho gà, lợn; kết hợp với các loại ngô, khoai, sắn, đậu tương, bột cá, cám gạo, xả, lá sắn dây, tía tô, chùm ngây, đinh lăng, cỏ mần trầu, cỏ xước, ... ép thành thức ăn chăn nuôi dạng viên.
Trong thời điểm nguồn nguyên liệu dồi dào, HTX phơi sấy khô phụ phẩm, rồi nghiền nhỏ hoặc nấu thành cao (bảo quản được thời gian dài hơn) để dùng dần làm thức ăn, pha vào nước uống cho vật nuôi.
Từ năm 2022 đến nay, HTX đã nuôi thử nghiệm mỗi năm trên 2.000 con gà và 100 con lợn thịt sử dụng cám thảo dược. Kết quả cho thấy, gà, lợn nuôi bằng cám thảo dược và uống nước từ sâm không phải dùng kháng sinh trong suốt quá trình nuôi, kháng bệnh tốt, khỏe mạnh, tỷ lệ sống đạt hơn 90% (đối với gà); đạt 100% đối với lợn; sinh trưởng và phát triển tốt, thịt thơm ngon, giá bán cao hơn so với gà, lợn nuôi theo phương pháp truyền thống từ 20-30%. Sản phẩm đạt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, hướng tới đáp ứng yêu cầu tiêu thụ không chỉ tại thị trường trong nước mà còn có thể xuất khẩu.
Đàn lợn nuôi bằng cám thảo dược cho chất lượng thịt thơm ngon, giá bán cao.
Ông Lê Văn Ban (thành viên HTX), thôn Thành Lập, xã Quang Tiến chia sẻ, năm 2023, ông nuôi 2 lứa gà ri, khoảng 1.000 con/lứa và cho gà ăn thức ăn, nước uống có thành phần phụ phẩm từ sâm nên đàn gà khỏe mạnh. Trừ chi phí lãi 70 triệu đồng/lứa. Hhộ bà Nguyễn Thị Toàn cùng thôn cũng nuôi 2 lứa lợn trong năm 2023, mỗi lứa 100 con từ cám thảo dược, lợn hồng hào, không bị bệnh, sau khi trừ chi phí thu lãi bỏ túi 200 triệu đồng/lứa, tổng lãi 400 triệu đồng/năm.
Từ nghiên cứu, tham khảo một số tài liệu, HTX đã xây dựng quy trình sản xuất thức ăn, nước uống cho gà, lợn theo từng giai đoạn có sử dụng phụ phẩm từ sâm. Đây là bước quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả mô hình chăn nuôi.
Mô hình chăn nuôi sử dụng phụ phẩm từ sâm Nam núi Dành đã bước đầu cho hiệu quả, có tiềm năng nhân rộng trên địa bàn tỉnh bởi Bắc Giang hiện có hàng trăm ha sâm Nam núi Dành và đang tiếp tục được mở rộng. Điều này mở ra cơ hội phát triển chăn nuôi bằng thảo dược, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm vừa bảo vệ môi trường ở nông thôn.
Hải Vân
Nguồn Bắc Giang : http://baobacgiang.vn/hieu-qua-mo-hinh-su-dung-phe-phu-pham-tu-sam-trong-chan-nuoi-172314.bbg