Dù chính sách là cần thiết cho mục tiêu minh bạch hóa hoạt động thương mại và hiện đại hóa quản lý thuế, nhưng điều quan trọng là phải được triển khai đúng cách để tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh - những mắt xích nhỏ nhưng thiết yếu trong nền kinh tế.
Những người bán hàng - nhóm dễ bị tổn thương nhất khi chính sách thay đổi đột ngột hoặc thiếu hướng dẫn cụ thể. Ảnh: LÊ VŨ
Tuần trước, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo tham vấn về kết quả khảo sát hộ kinh doanh liên quan đến việc thực hiện hóa đơn, chứng từ theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP. Tại đây, đại diện một hộ kinh doanh phụ tùng ô tô ở Hà Nội cho biết, “bản thân rất ủng hộ chủ trương chuyển từ thuế khoán sang kê khai”, nhưng “khi thực hiện thì vướng rất nhiều”, từ việc xử lý hàng tồn kho, công nợ cũ, đến sự thiếu đồng bộ giữa dữ liệu đầu vào và đầu ra. Nhân viên kế toán lúc nào cũng lo lắng vì mức xử phạt cao, tâm lý sợ sai khiến họ không dám chủ động nữa.
Đây chỉ là một mảnh ghép trong bức tranh chung về những khó khăn của hộ kinh doanh trong thực hiện các quy định mới về nghĩa vụ thuế. Nghị định 70/2025/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 20-3-2025 để sửa đổi Nghị định 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn, chứng từ, trong đó yêu cầu hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỉ đồng/năm phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối trực tiếp với cơ quan thuế. Quy định này lập tức thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng kinh doanh bởi phạm vi ảnh hưởng lớn và tác động sâu tới hoạt động thường nhật của hàng triệu hộ kinh doanh cá thể.
Theo kết quả khảo sát của VCCI, có đến 94% hộ kinh doanh được hỏi cho biết đã nghe nói đến Nghị định 70/2025/NĐ-CP, chứng tỏ chính sách đã được phổ biến tương đối rộng rãi. Như nhận xét của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phó tổng thư ký VCCI, hiếm có nghị định nào Chính phủ ban hành mà chỉ trong thời gian ngắn mức độ nhận biết tương đối lớn như vậy. Tuy nhiên, điều đáng nói là chỉ 11% trong số đó hiểu rõ nghĩa vụ thuế của mình, và hơn một nửa chưa từng được cơ quan thuế liên hệ hay hướng dẫn cụ thể, cho thấy chính sách đã đến “tai” nhưng chưa chạm được đến tầm “hiểu”, mà chưa hiểu thì rất khó thực thi.
Hiếm có nghị định nào Chính phủ ban hành mà chỉ trong thời gian ngắn mức độ nhận biết tương đối lớn như vậy. Tuy nhiên, điều đáng nói là chỉ 11% trong số đó hiểu rõ nghĩa vụ thuế của mình, và hơn một nửa chưa từng được cơ quan thuế liên hệ hay hướng dẫn cụ thể, cho thấy chính sách đã đến “tai” nhưng chưa chạm được đến tầm “hiểu”, mà chưa hiểu thì rất khó thực thi.
Gần năm triệu hộ kinh doanh đang hoạt động trên cả nước chiếm tỷ trọng đáng kể trong nền kinh tế nội địa. Họ không chỉ là những người bán hàng quán chợ, chủ tiệm tạp hóa, quán ăn gia đình... mà còn là những tác nhân lan tỏa việc làm, giữ cho các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ địa phương không đứt gãy. Mặt khác, đây cũng là nhóm dễ bị tổn thương nhất khi chính sách thay đổi đột ngột hoặc thiếu hướng dẫn cụ thể.
Khảo sát của VCCI đã cho thấy rõ hơn những khó khăn mà hộ kinh doanh đang gặp phải khi triển khai hóa đơn điện tử. 73% gặp khó do thiếu kỹ năng công nghệ; 53% lo ngại thủ tục phức tạp; gần một nửa gặp trở ngại do thay đổi thói quen kinh doanh. Thậm chí có tình trạng hiểu sai chính sách, khi không ít hộ kinh doanh lo rằng việc kê khai doanh thu thực tế sẽ làm tăng đột biến số thuế phải nộp so với hình thức thuế khoán trước đây. Vì thế, 63% hộ kinh doanh được khảo sát lựa chọn giảm quy mô, duy trì hoạt động nhưng thu hẹp lại. Rõ ràng, chuyển đổi sang hóa đơn điện tử không đơn giản chỉ là thay thế công cụ, mà còn thay đổi cả một hệ sinh thái vận hành - từ tư duy, thói quen đến năng lực tiếp cận công nghệ của hộ kinh doanh.
Hộ kinh doanh ủng hộ đóng thuế, ủng hộ áp dụng hóa đơn điện tử - nhiều người trong số họ đã khẳng định điều này tại hội thảo của VCCI. Bởi lẽ, áp dụng hóa đơn điện tử có thể giúp họ minh bạch hóa hoạt động tài chính, thuận tiện hơn trong quản lý sổ sách, tạo uy tín với khách hàng; thậm chí mở ra khả năng tiếp cận vốn tín dụng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, để những lợi ích này trở thành hiện thực, điều kiện tiên quyết là chính sách phải được thực thi hiệu quả.
Tất cả những gì hộ kinh doanh mong muốn là một lộ trình hợp lý, phù hợp với khả năng thực thi của họ, cùng với cơ chế hỗ trợ thực chất và truyền thông dễ hiểu, dễ tiếp cận. Từ góc độ chính sách, điều cấp thiết hiện nay không phải là tiếp tục đẩy mạnh áp dụng quy định, mà là thiết kế cơ chế thực hiện phù hợp hơn. Theo đó, cần có lộ trình phân tầng áp dụng - ưu tiên triển khai ở đô thị lớn, với các hộ kinh doanh có quy mô đáng kể, rồi mới nhân rộng ra toàn quốc. Việc thí điểm trước ở một số địa phương cũng là một cách “thử lửa” chính sách, giúp cơ quan thuế kịp thời hiệu chỉnh trước khi triển khai đại trà. Đồng thời, cần có cơ chế hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, truyền thông đồng bộ, cũng như phải đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng kỹ thuật: phần mềm hóa đơn, máy tính tiền kết nối mạng, đào tạo kỹ năng số cho hộ kinh doanh.
Bên cạnh đó, không thể thiếu vai trò của truyền thông chính sách. Cơ quan thuế cần biên soạn hướng dẫn bằng infographic, video... sát với từng mô hình hộ kinh doanh. Đặc biệt, việc thiết lập tổng đài tư vấn, hỗ trợ 24/7 sẽ là một sáng kiến đáng giá giúp các hộ dễ dàng tìm được câu trả lời trong lúc cần thiết, thay vì mò mẫm giữa rừng quy định.
Hộ kinh doanh tuy số lượng lớn nhưng lại là những “người chơi nhỏ”. Chỉ một rào cản trong chính sách hay kỹ thuật cũng có thể khiến họ bị gạt ra khỏi guồng quay chung. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số trong quản lý thuế - dù là xu hướng tất yếu và mang lại lợi ích lâu dài, nhưng đòi hỏi tinh thần đồng hành, hỗ trợ thay vì áp đặt cứng nhắc.
Hộ kinh doanh là một phần máu thịt của nền kinh tế địa phương, là cấu phần không thể thiếu trong nền kinh tế quốc gia. Nếu biết lắng nghe, hỗ trợ và dẫn dắt hộ kinh doanh đi cùng, họ sẽ trở thành lực đẩy bền vững nhất cho phát triển kinh tế - xã hội, cho hành trình chuyển đổi số quốc gia. Ngược lại, nếu không kịp thời đồng hành và hỗ trợ thích đáng, nhóm này sẽ gặp khó khăn trong việc thích nghi với chính sách mới. Điều này không chỉ tác động đến sinh kế của hàng triệu người dân, mà còn làm chậm quá trình số hóa quản lý kinh tế, thậm chí làm mất đi tiềm năng hình thành hàng triệu doanh nghiệp nhỏ, vừa và lớn trong tương lai.
An Nhiên