Chiều 17-7, họa sĩ Lê Thiết Cương đã vĩnh viễn rời xa thế gian, tại chính ngôi nhà của mình ở tuổi 63. Hà Nội là nơi ông cất tiếng khóc chào đời và cũng chính nơi đây đã tiễn đưa ông trong một ngày nắng ngặt.
Người của chủ nghĩa tối giản
Họa sĩ Lê Thiết Cương sinh năm Nhâm Dần 1962. Có cha là nhà thơ, nhà biên kịch Lê Nguyên (1931-2019) nên từ nhỏ ông đã tiếp xúc với môi trường nghệ thuật. Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội khóa 1985-1990, ông không nối nghiệp cha mà rẽ sang con đường cầm cọ chuyên nghiệp.
Họa sĩ Lê Thiết Cương đã sống một cuộc đời tài hoa, độc đáo. Ảnh: FBNV
Và gần như suốt cuộc đời ông là hành trình sáng tạo bền bỉ không ngơi nghỉ, từ hội họa, gốm đến thơ và cả nghệ thuật sắp đặt. Hôm 12-7, trong dòng trạng thái cuối cùng trên trang cá nhân, ông viết: “Thiền sư Từ Đạo Hạnh, thời Lý: “Có thì có tự mảy may/ Không thì cả thế gian này cũng không””. Một câu thơ cổ mang đầy màu sắc thiền, tĩnh tại mà cũng đầy quyết liệt như chính cuộc đời và nghệ thuật của ông.
“Có thì có tự mảy may. Không thì cả thế gian này cũng không".
Từ đầu thập niên 1990, ông bắt đầu theo đuổi con đường hội họa theo khuynh hướng tối giản (minimalism). Khởi điểm với mỹ thuật tối giản, ông từng kể: “Năm 1984, tôi rời quân ngũ, thất nghiệp nằm nhà, thỉnh thoảng sang bên hàng xóm là nhà cụ Đặng Đình Hưng làm chân phục vụ chiếu rượu của cụ. Tôi học được nhiều ở cái “trường” ấy và cụ Đặng Đình Hưng là người phát hiện ra tố chất tối giản trong tôi, đẩy một cú cuối cùng để tôi rơi vào tối giản. Thực ra là tôi gặp tối giản chứ không thể quyết tâm là ngày mai tôi đi tìm chủ nghĩa tối giản. Gặp chủ nghĩa tối giản cũng là tôi gặp tôi”.
Tác phẩm "Phục sinh" của họa sĩ Lê Thiết Cương.
Thành công trong nghề, có cuộc sống vật chất sung túc, ông biến căn nhà 39 Lý Quốc Sư (Hà Nội) trở thành điểm gặp gỡ thân thuộc của giới văn nghệ cả nước. Bạn bè của ông không chỉ là họa sĩ mà còn có nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, diễn viên, hoa hậu…
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn gọi Lê Thiết Cương là người “đa tài, dấn thân, sống hết mình với bạn bè và nghệ thuật”. Với ông, Lê Thiết Cương là người Hà Nội rất điển hình: Tinh tế, dí dỏm, không dễ dãi. “Chia sẻ cuối cùng của anh vẫn là một câu thiền về có và không. Đó cũng là lời chào của một nghệ sĩ từng đi về phía tối giản để tìm ra cái phong phú của nội tâm” - nhà thơ Lê Thiếu Nhơn chia sẻ.
Ông từng chia sẻ: “Niềm vui lớn nhất của tôi là sự chia sẻ. Tôi luôn có những người bạn hiểu mình, cùng nhau chia sẻ về nghề nghiệp, những quan niệm sống. Khi môi trường sống bị ô nhiễm quá nhiều cả về vật chất và tinh thần như hiện nay, người nghệ sĩ rất dễ bị tổn thương”.
Họa sĩ Lê Thiết Cương trong một buổi tọa đàm về hội họa
Tự nhận mình là người khó tính trong nghệ thuật, ông từng nói: “Phải đòi hỏi cao với chính mình mới làm nghệ thuật được”. Theo ông, nghệ sĩ và người tu hành Phật giáo có một điểm chung: Đi tu là trở về mình, còn nghệ sĩ là đi tìm mình. “Khi tìm ra được vân tay của mình, là bạn có nghệ thuật. Bạn tìm thấy lòng mình là bạn có nghệ thuật. Tất cả bậc thầy về nghệ thuật trên thế giới đều là những người tìm được vân tay của mình”.
Một cuộc đời tài hoa, độc đáo
Họa sĩ Lê Thiết Cương đã sống một cuộc đời tài hoa và phóng khoáng. Dù hạnh phúc riêng tư có nhiều gập ghềnh, ông vẫn luôn lạc quan và rộn ràng. Dự án nào có ông cũng thu hút dư luận. Sự kiện nào có ông cũng để lại dư âm thú vị. Ngay cả khi biết mình mang bệnh hiểm nghèo, ông vẫn miệt mài làm việc.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kể lại trong những ngày cuối ở bệnh viện, Lê Thiết Cương đã nắm tay bạn bè mà nói: “Cầm tay tôi đi”. Đó là cái nắm tay vĩnh biệt, trong khi chính ông vẫn không đầu hàng số phận.
Dù bác sĩ khuyên đưa ông về nhà vì không thể can thiệp gì thêm nhưng ông vẫn muốn ở lại với một hy vọng mong manh sẽ khỏe lại để được mổ. Ông không khuất phục, không buông xuôi. “Thần chết không phải lúc nào cũng đe dọa được mọi người, cho dù thần chết luôn giành phần thắng vào phút cuối” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết.
Chiều hôm ấy, khi được đưa về nhà theo ý nguyện, ông mở mắt nhìn quanh một lần cuối rồi chìm vào hôn mê. Và đúng vào nơi ông từng sống, từng sáng tác, từng hạnh phúc và đau đớn, ông đã khép mắt vĩnh viễn, bên mẹ già, các con và bạn bè thân thiết.
Một đời sống không dễ dàng, một lựa chọn nghệ thuật không dễ dãi, một cá tính không ai có thể hòa lẫn - Lê Thiết Cương sống đúng với con người ông đến tận giây phút cuối cùng. Ông không sợ hãi, ông điềm tĩnh và ông đi như cách một nghệ sĩ khép lại bản nhạc của đời mình - không lặp lại, không nói thêm, chỉ để lại dư vang...
Ngoài hội họa, ông còn đam mê viết sách. Ba cuốn sách đã xuất bản gồm: Thấy (2017), Người và nhà (2024) và Trò chuyện với hội họa (2025).
Trong đó, ông nhiều lần trăn trở về văn hóa Việt: “Các làng nghề truyền thống đang thoi thóp do sản phẩm không bán được. Cuộc sống đổi thay, nhu cầu đổi thay nhưng mẫu mã của họ vẫn không thay đổi cho kịp xu hướng. Theo tôi, thiết kế là yếu tố quan trọng nhất đối với bất kỳ làng nghề nào. Muốn bảo tồn và phát triển phải bắt đầu từ yếu tố con người. Không có nghệ nhân tâm huyết thì không có thế hệ kế tiếp, chúng ta phải tôn vinh họ. Đồng thời cũng cần nhanh chóng thay đổi chính sách nhằm kích hoạt các nghệ nhân và các làng nghề truyền thống”.
HỒ VIẾT THỊNH