Hoàn thiện khung pháp lý về giảm phát thải và bảo vệ tầng ôzôn

Hoàn thiện khung pháp lý về giảm phát thải và bảo vệ tầng ôzôn
2 giờ trướcBài gốc
Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các đơn vụ thuộc Cục, Vụ, Viện nghiên cứu trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường báo cáo về việc triển khai thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường liên quan đến giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (Điều 91), bảo vệ tầng ôzôn (Điều 92) và phát triển thị trường các-bon (Điều 139). Theo ông Cường, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 nhằm cụ thể hóa các quy định này. Tuy nhiên, trước tình hình thực tế hiện nay với nhu cầu phát triển mạnh mẽ của thị trường các-bon và hoạt động trao đổi tín chỉ các-bon, việc sửa đổi Nghị định 06/2022/NĐ-CP là cần thiết. Những nội dung sửa đổi sẽ tập trung vào việc tăng cường công tác kiểm kê khí nhà kính, phân bổ hạn ngạch phát thải và quản lý tín chỉ các-bon. Ngoài ra, các biện pháp bảo vệ tầng ôzôn cũng cần được đẩy mạnh để đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.
Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường thông tin tại cuộc họp.
Ông Tăng Thế Cường cho biết thêm quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định được thực hiện nghiêm túc và hoàn toàn tuân thủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, Dự thảo Nghị định đã được sửa đổi với tổng cộng 20 trong số 35 điều, đồng thời bổ sung một điều mới và bãi bỏ một điều trong Nghị định số 06/2022/NĐ-CP. Bên cạnh đó, 12 biểu mẫu đã được chỉnh sửa, 26 biểu mẫu mới được bổ sung và một biểu mẫu đã bị bãi bỏ thuộc phụ lục của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP
Tại cuộc họp, các lãnh đạo từ các đơn vị đã tham gia thảo luận sôi nổi, đi sâu vào từng nội dung cụ thể của Dự thảo Nghị định. Những vấn đề chính được bàn luận bao gồm việc tăng cường công tác kiểm kê khí nhà kính, một yếu tố quan trọng trong việc quản lý và giảm thiểu phát thải. Thảo luận cũng tập trung vào quy định về tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính nhằm đảm bảo việc phân phối công bằng và hợp lý trong việc sử dụng các nguồn phát thải.
Ngoài ra, việc tổ chức và quản lý thị trường các-bon cũng được xem là một trong những nội dung quan trọng cần được củng cố cùng với đó là việc quản lý tín chỉ các-bon để thúc đẩy các hoạt động bền vững hơn trong ngành công nghiệp và sản xuất. Cuối cùng, các quy định liên quan đến bảo vệ tầng ô-dôn cũng được nhấn mạnh nhằm bảo đảm sự an toàn cho môi trường sống của chúng ta trước những thách thức ngày càng gia tăng từ biến đổi khí hậu. Thông qua những nỗ lực này, mục tiêu chung là hướng tới một môi trường trong lành và phát triển bền vững cho tương lai.
Toàn cảnh cuộc họp diễn ra vào ngày 25/9.
Các đại biểu đã tích cực thảo luận và xây dựng các nội dung liên quan đến thủ tục hành chính (TTHC) nhằm cải thiện tính hiệu quả trong quá trình thực hiện. Một trong những mục tiêu chính là sửa đổi và bổ sung các TTHC theo hướng đơn giản hóa, tăng cường phân cấp, thúc đẩy xã hội hóa và số hóa cũng như tái sử dụng dữ liệu. Đáng chú ý, Dự thảo Nghị định mới đã bổ sung thêm 09 TTHC, trong đó có 02 TTHC được điều chỉnh để minh bạch hóa và đơn giản hóa trong số 04 TTHC được quy định tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP. Đồng thời, Dự thảo cũng xã hội hóa cho các tổ chức có đủ điều kiện tham gia thực hiện 02 TTHC và có giải pháp để thực hiện dịch vụ công trực tuyến đối với các TTHC trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống đăng ký quốc gia…
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đã dẫn chứng ý kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII: “Kiên định phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường là trung tâm…” nhấn mạnh rằng phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với bảo vệ môi trường phải là trọng tâm. Theo đó, cần tập trung phát triển lực lượng sản xuất mới, bao gồm chuyển đổi số và chuyển đổi xanh nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và tiến tới phát thải ròng bằng “0”.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng chỉ đạo rằng các vấn đề như giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ôzôn, tổ chức thị trường các-bon và quản lý tín chỉ các-bon đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ cộng đồng quốc tế. Đây là những lĩnh vực vừa mới mẻ, vừa phức tạp do đó việc sửa đổi các văn bản pháp luật cần đảm bảo tính chắc chắn và toàn diện. Những vấn đề “đủ chín”, đã rõ cần quy định chặt chẽ, những vấn đề còn nghiên cứu, bổ sung, cần từng bước có những thí điểm để từ đó hoàn thiện về mặt lý luận, thực tiễn và pháp lý.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy điều hành và định hướng cuộc họp.
Để thực hiện điều này, Bộ trưởng đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiến hành đánh giá tổng thể và đưa ra những điều chỉnh phù hợp, bảo đảm rằng các chính sách pháp luật khi triển khai có thể dễ dàng được áp dụng vào thực tiễn. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cập nhật những thực tiễn toàn cầu để hoàn thiện dự thảo theo các tiêu chí quốc tế.
Cuối cùng, Bộ trưởng yêu cầu cần xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp và người dân trong việc tham gia vào các chương trình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn. Các nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền lợi của các bên liên quan cần phải được quy định rõ ràng, từ quản lý, kiểm kê, đo lường đến định lượng các đối tượng phát thải. Bộ trưởng khẳng định, việc xây dựng chính sách phải đi đôi với việc phân cấp, phân quyền và phân bổ nguồn lực, đồng thời tăng cường giám sát và cải cách các thủ tục hành chính một cách mạnh mẽ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các chính sách này.
Khí nhà kính đã và đang gây ra nhiều hệ quả tiêu cực như nhiệt độ Trái Đất tăng, băng tan ở hai cực, mực nước biển dâng cao, và thời tiết trở nên cực đoan hơn. Hạn hán, lũ lụt và bão ngày càng gia tăng về cường độ và tần suất, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đe dọa an ninh lương thực và sinh kế của hàng triệu người trên thế giới. Ngoài ra, sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu cũng tác động tiêu cực đến các hệ sinh thái, đẩy nhiều loài động thực vật vào nguy cơ tuyệt chủng. Nhận xét của GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Trưởng Ban Khoa học của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam về khí nhà kính như sau: "Khí nhà kính như một bẫy nhiệt, cho bức xạ mặt trời đi qua nhưng hấp thụ bức xạ sóng dài mặt đất rồi lại phát xạ, phần hướng về phía mặt đất sẽ được hấp thụ, biến thành nhiệt. Cơ chế bẫy nhiệt này giống như việc xây dựng nhà kính giữ nhiệt để trồng cây nên gọi các chất khí này là khí nhà kính. Như vậy khí nhà kính có công rất lớn giữ ấm cho trái đất, còn sự nóng lên rất nhanh hiện nay là do gia tăng phát thải khí nhà kính vào khí quyển do hoạt động của con người. Vẫn có nhiều ý kiến khác nhau về “thủ phạm” gây nên sự gia tăng của khí nhà kính trong khí quyển. Khí nhà kính mà chủ yếu là CO2 phát thải chủ yếu từ tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, cụ thể là đốt để phát điện, đốt để có năng lượng phục vụ nhiều ngành công nghiệp, đốt sưởi ấm, phục vụ nấu ăn, chạy phương tiện giao thông,… Hiện nay, trong kiểm kê khí nhà kính, người ta thường tách thành các nhóm nguồn phát thải như các ngành năng lượng (bao gồm năng lượng trong giao thông vận tải), nông nghiệp, xử lý chất thải và các quá trình công nghiệp (IP) đều mang dấu dương đặc trưng cho phát thải khí nhà kính vào khí quyển còn LULUCF (sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp) được coi là bể hấp thụ KNK nên mang dấu âm."
Việc giảm khí nhà kính là một nhiệm vụ cấp bách để bảo vệ hành tinh khỏi những hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Giảm lượng khí nhà kính phát thải không chỉ giúp làm chậm quá trình nóng lên toàn cầu mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng hệ sinh thái và bảo vệ môi trường sống của con người.
Thanh Mai
Nguồn Kinh tế Môi trường : https://kinhtemoitruong.vn/hoan-thien-khung-phap-ly-ve-giam-phat-thai-va-bao-ve-tang-ozon-93610.html