PV:Ông đánh giá ra sao về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và đóng góp của doanh nghiệp Việt Nam vào phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2019 - 2024?
TS Cấn Văn Lực: Thứ nhất, kết quả kinh doanh của khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cao hơn so với doanh nghiệp tư nhân (DNTN) và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2024, đến cuối năm 2022, DNNN chiếm 57,5% doanh thu thuần và 23,9% lợi nhuận trước thuế của toàn bộ doanh nghiệp cả nước.
TS Cấn Văn Lực
So với khối doanh nghiệp ngoài nhà nước, kết quả sản xuất kinh doanh của DNNN có nhiều điểm nổi trội hơn như: Quy mô vốn bình quân/doanh nghiệp đạt 6.500 tỷ đồng, gấp 130 lần DNTN và gấp 12,7 lần doanh nghiệp FDI; Lợi nhuận trước thuế bình quân/doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2022 tăng 87,7% so với giai đoạn 2016 - 2020, cao nhất trong 3 khu vực kinh tế và đạt 187,2 tỷ đồng năm 2022, gấp gần 240 lần DNTN và gấp 7,7 lần doanh nghiệp FDI.
Tỷ lệ DNNN kinh doanh có lãi tăng 3,6% và chiếm đến 82,9% tổng số DNNN năm 2022, cao nhất trong 3 khu vực, tỷ lệ thua lỗ giảm 3,8%; Hiệu suất sử dụng lao động đạt 21,1 lần, cao hơn khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước (19,3 lần) và khu vực FDI (13,9 lần); thu nhập bình quân/lao động đạt 16,9 triệu đồng, cao nhất trong 3 khu vực; số thuế và các khoản phải nộp bình quân của DNNN trong giai đoạn 2019 - 2022 là 576 tỷ đồng, gấp 43 lần doanh nghiệp FDI và 14 lần doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Thứ hai, DNNN nắm giữ nguồn lực lớn, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2024 và Bộ Tài chính, ước tính đến cuối năm 2023, DNNN đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh là 1.860 doanh nghiệp, chỉ chiếm 0,3% tổng số doanh nghiệp nghiệp trong nền kinh tế, song chiếm tới 20,5% tổng nguồn vốn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nền kinh tế (35,3 triệu tỷ đồng); 10,2% vốn chủ sở hữu và 7,63% giá trị tài sản cố định; tạo việc làm cho 1 triệu lao động, chiếm 6,6% tổng số lao động của khu vực doanh nghiệp.
PV: Triển vọng phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2025 - 2030 đối diện cơ hội, thách thức gì thưa ông?
TS Cấn Văn Lực: Dự báo trong giai đoạn 2025 - 2030, kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ phục hồi tốt hơn và đồng đều hơn, song đan xen các rủi ro, thách thức phức tạp và khó lường. Phát triển khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo; kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng sang năng lượng tái tạo, năng lượng xanh… là những xu thế phát triển mới, tất yếu toàn cầu đã, đang và sẽ tác động sâu rộng, đa chiều đến tất cả các quốc gia, nền kinh tế.
Nằm trong khu vực phát triển năng động và có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế - khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đã và đang thích ứng, bắt nhịp nhanh với các xu thế phát triển mới của thế giới, lường đón và vượt qua thách thức, góp phần hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia số ổn định, thịnh vượng, nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và nước phát triển thu nhập cao vào năm 2045.
Các diễn giả tham gia phiên tọa đàm. Ảnh: Đức Minh
Với bối cảnh quốc tế và trong nước, dự báo trong giai đoạn 2025 - 2030 của các doanh nghiệp Việt Nam có cả cơ hội và thách thức, rủi ro.
Về thuận lợi, cơ hội, xu hướng số hóa, xanh hóa mang lại nhiều cơ hội đổi mới mô hình tăng trưởng, khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới.
Thị trường quốc tế và trong nước đang ngày càng rộng mở, mang lại cơ hội lớn cho sản xuất, tiêu dùng nhờ sự đa dạng hóa phương thức hợp tác trong chuỗi cung ứng (như friendshoring, nearshoring), sự gia tăng tầng lớp trung lưu mang lại cơ hội lớn cho sản xuất, tiêu dùng trong nước, sụ thay đổi hành vi, phương thức tiêu dùng theo hướng số hóa, xanh hóa…
"Thế chế về kinh tế số, kinh tế xanh chưa theo kịp yêu cầu phát triển, hạn chế về hạ tầng công nghệ, nhân lực số…, vẫn là những thách thức lớn cần được chú trọng khắc phục trong thời gian tới" - TS Cấn Văn Lực
Về thách thức, những điểm nghẽn chưa thể giải quyết như: Mô hình tăng trưởng kinh tế vẫn theo chiều rộng; cơ cấu nền kinh tế còn chưa hợp lý, dàn trải; năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng chưa cao; khả năng chống chịu với các cú sốc bên ngoài còn yếu, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn trong quá tình hoàn thiện.
Thách thức từ việc thực thi các hiệp định thương mại mới, nhất là sức ép cạnh tranh xuất nhập khẩu, thu hút vốn FDI trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu được triển khai từ năm 2024 và xu hướng dịch chuyển vốn về các thị trường nội địa, các nước phát triển.
PV: Theo ông, để doanh nghiệp phát triển bền vững tạo động lực thúc đẩy tổng cầu cần thêm giải pháp gì?
TS. Cấn Văn Lực: Nhằm khắc phục tồn tại hạn chế, thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam, đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển lớn, mạnh, xanh và bền vững, Thứ nhất, cần quán triệt, thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp theo các chiến lược, chính sách về phát triển doanh nghiệp, doanh nhân.
Định kỳ hằng năm cần có đánh giá, báo cáo Chính phủ, Quốc hội việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu của các Nghị quyết, Quyết định trong đó đánh giá kết quả, tồn tại, nguyên nhân, đề xuất định hướng, giải pháp xử lý... (có thể điều chỉnh các chỉ tiêu cho phù hợp với bối cảnh mới).
Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng chụp ảnh lưu niệm cùng các chuyên gia trong và ngoài nước. Ảnh: Đức Minh
TS Cấn Văn Lực cho rằng, cần sớm ban hành các Luật sửa đổi Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Chứng khoán năm 2019, Luật sửa đổi Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (Luật 69), hoàn thiện khung pháp lý cho kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng như cơ chế thử nghiệm sandbox cho FinTech, cơ chế thí điểm phát triển kinh tế tuần hoàn, Đề án phát trển thị trường tín chỉ carbon, danh mục phân loại xanh... tạo hành lang pháp lý thuận lợi, cơ hội cho doanh nghiệp.
Thứ hai, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho cả 3 khu vực kinh tế.
Tăng cường cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng giữa khu vực DNNN và DNTT trong tiếp cận các nguồn lực (đất đai, tài chính, công nghệ, nhân lực, hạ tầng, thị trường, các cơ chế ưu đãi, thông tin, dữ liệu, tiêu chuẩn, chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp, phát triển bền vững, thực hành ESG...).
Thứ ba, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn, nâng cao hiệu quả DNNN. Theo đó, cần tiếp tục phối hợp Ủy ban quản lý vốn nhà nước với các bộ, ngành, địa phương, Cục tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), Ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước - SCIC trong đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn, nâng cao hiệu quả cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới DNNN.
Thứ tư, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ năm, tăng tính kết nối, hợp tác, phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt lớn mạnh, phấn đấu trở thành các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu; phấn đấu vào nhóm các doanh nghiệp lớn nhất châu Á - Thái Bình Dương; nhóm các doanh nghiệp, thương hiệu, uy tín hàng đầu thế giới, từ đó, tạo động lực, quyết tâm nâng tầm quốc tế với toàn cộng đồng doanh nghiệp Việt./.
PV: Xin cảm ơn ông!
Văn Tuấn - Thế Anh (thực hiện)