Một ca sản xuất của công nhân Công ty CP Dụng cụ thể thao Delta.
Để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được huyện Hoằng Hóa chú trọng thực hiện đó là cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời, tập trung rà soát quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, định hướng vùng sản xuất hàng hóa. Ngoài ra, huyện cũng chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng các cụm công nghiệp, tạo thuận lợi về mặt bằng, cơ chế chính sách và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó số lượng, cơ cấu, quy mô doanh nghiệp trên địa bàn huyện ngày một tăng. Theo thống kê, toàn huyện Hoằng Hóa hiện có gần 1.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 15.000 lao động với thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Điển hình như Công ty TNHH Công nghệ quốc tế Hongzhan tạo việc làm cho trên 600 lao động; Công ty TNHH Công nghiệp quốc tế LongFeng tạo việc làm cho trên 700 lao động... Với sự quan tâm, tạo điều kiện từ cấp ủy, chính quyền, nhiều doanh nghiệp đã mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư nhà xưởng, đổi mới dây chuyền thiết bị với công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng hàng hóa, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đơn cử như Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia, ở xã Hoằng Phụ. Từ một cơ sở sản xuất nước mắm quy mô nhỏ, năm 2023, công ty được tạo điều kiện mở rộng quy mô sản xuất trên diện tích hơn 1ha đất ở một địa điểm quy hoạch mới, bảo đảm đủ diện tích để công ty đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu sản xuất và xuất khẩu hàng hóa. Từ sự quan tâm này, công ty đã tập trung đổi mới công nghệ, thay đổi phương pháp muối mắm truyền thống, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm trên thị trường như mắm tép và nước mắm Lê Gia, ruốc tôm sú Lê Gia; đồng thời sử dụng mã tem, mã vạch trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm để người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng sản phẩm. Hiện sản phẩm mắm của công ty không chỉ có mặt tại các siêu thị lớn ở trong và ngoài tỉnh mà còn xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Mỹ, Hồng Kông, Đài Loan.
Hay như Công ty TNHH Quốc Đại, doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ mây, tre đan ở xã Hoằng Thịnh. Những năm gần đây, công ty luôn duy trì và không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Từ chỗ chỉ có 1, 2 mã sản phẩm đến nay công ty đã sản xuất tới 80 mã sản phẩm như chao đèn, sọt, hộp đựng đồ... Sản phẩm của công ty được xuất sang thị trường các nước như Thụy Điển, Pháp và nhiều nước trên thế giới. Ông Lường Ngọc Đào, Giám đốc Công ty TNHH Quốc Đại, cho biết: “Công ty đang tạo việc làm cho 170 lao động làm việc trực tiếp tại nhà máy với mức thu nhập bình quân khoảng 7 triệu đồng/người/tháng và hơn 3.000 lao động tại các cụm làng nghề với mức thu nhập từ 3,5 đến 4 triệu đồng/người/tháng. Trong quá trình hoạt động, công ty luôn chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hằng năm, công ty đóng thuế cho Nhà nước khoảng 10 tỷ đồng và tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động an sinh xã hội đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.
Thực tế cho thấy, doanh thu của các doanh nghiệp đã đóng góp một phần quan trọng cho phát triển kinh tế của địa phương. Chia sẻ tại buổi gặp mặt, tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu năm 2024, Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa Lê Thanh Hải cho biết: “Cộng đồng doanh nghiệp trong huyện không chỉ đóng góp cho ngân sách địa phương mà còn tích cực tham gia các hoạt động chung tay XDNTM, đóng góp thực hiện các chương trình an sinh xã hội, hỗ trợ nhiều tỷ đồng cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, người khuyết tật, các quỹ khuyến học, khuyến tài, hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do thiên tai, bão lũ và rất nhiều hoạt động xã hội ý nghĩa khác. Những việc làm thiết thực, ý nghĩa đã lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân huyện Hoằng Hóa, được Nhân dân và các cấp chính quyền trong huyện ghi nhận, đánh giá cao”.
Trong năm 2024, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Hoằng Hóa đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tập trung đẩy mạnh sản xuất; các sản phẩm công nghiệp có giá trị lớn, sản phẩm truyền thống duy trì sản xuất ổn định, nhiều doanh nghiệp có thêm đơn hàng mới như Công ty CP Dụng cụ thể thao Delta, Công ty TNHH MTV TCE Jeans, Công ty TNHH Daehan Global Thanh Hóa... Đặc biệt, trong năm, Công ty TNHH Sakurai Việt Nam (100% vốn Nhật Bản) đầu tư tại Cụm công nghiệp Bắc Hoằng Hóa đã đi vào hoạt động với trên 1.000 lao động, sản xuất 5 triệu sản phẩm/năm. Hiện trên địa bàn huyện có 147 doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực công nghiệp, tạo việc làm hơn 9.000 lao động; trong đó có gần 27 doanh nghiệp lĩnh vực dệt may, da giày tạo việc làm ổn định cho người lao động... Kết quả này đã góp phần quan trọng đưa kinh tế của huyện tiếp tục tăng trưởng khá, quy mô kinh tế xếp thứ 4 toàn tỉnh với tổng giá trị sản xuất đạt 14.687 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất là 9,53%.
Bài và ảnh: Phong Sắc