Hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng

Hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng
8 giờ trướcBài gốc
Những năm qua, hoạt động đưa người lao động (NLĐ) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, hoạt động này vẫn còn nhiều tồn tại, đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng và hiệu quả trong thời gian tới.
Nhiều lao động được chọn đi làm việc ở nước ngoài
Muốn tìm một công việc có mức lương cao, anh Nguyễn Ngọc Toàn (xã Diên Điền) đã đến tham gia phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức. Tại đây, anh Toàn được các nhà tuyển dụng tư vấn kỹ về chương trình đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, các mức hỗ trợ vay vốn, lãi suất vay để xuất cảnh, điều kiện học tập, lao động, chế độ của nước sở tại… Thấy hợp lý, anh Toàn đã đăng ký tham gia chương trình đi làm việc ở Nhật Bản. Sau hơn 6 tháng học tiếng, học nghề, tác phong nghề nghiệp, làm các thủ tục và vượt qua các kỳ đánh giá của nhà tuyển dụng, đầu năm 2025, anh Toàn đã được xuất cảnh đi làm việc với thời hạn 5 năm trong lĩnh vực xây dựng có mức lương hơn 35 triệu đồng/tháng…
Nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn chính sách đi làm việc ở nước ngoài cho người lao động trên địa bàn tỉnh qua phiên giao dịch việc làm.
Ông Nguyễn Thanh Xuân - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay, đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước, các công ty cung ứng nhân lực và các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, tuyển chọn NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đến nay, đã có gần 280 NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại các thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Bulgaria, Đức, Đài Loan, Hy Lạp… Đa số NLĐ trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài thuộc các ngành, nghề như: Điện tử, chế biến thực phẩm, nhà hàng, khách sạn, xây dựng, nông nghiệp, điều dưỡng, hộ lý, thi công cốt thép, hàn, cơ khí, sơn, dệt, may mặc… với mức thu nhập từ 20 đến hơn 35 triệu đồng/người/tháng. NLĐ tham gia chương trình đi làm việc ở nước ngoài không chỉ góp phần giảm áp lực việc làm trong tỉnh, mà còn mang về nguồn ngoại tệ đáng kể và tiếp thu được công nghệ, kỹ năng làm việc hiện đại. Cùng với đó, môi trường làm việc ở các nước tiếp nhận NLĐ Việt Nam luôn đảm bảo an toàn. Sau thời hạn làm việc ở nước ngoài trở về, NLĐ không chỉ tích lũy được một số vốn khá, mà còn trang bị cho bản thân về kỹ năng, trình độ tay nghề, tác phong làm việc công nghiệp. Từ đó, cơ hội tìm được công việc thích hợp ở trong nước với thu nhập ổn định là khá dễ dàng; một số NLĐ có kinh nghiệm tốt cũng chủ động mở cơ sở sản xuất riêng để phát triển kinh tế gia đình…
Tuy nhiên hiện nay, hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài vẫn còn một số hạn chế như: Chất lượng NLĐ chưa đồng đều, trình độ ngoại ngữ và tay nghề của NLĐ còn thấp, ý thức kỷ luật lao động chưa cao, số lượng NLĐ tham gia còn khá khiêm tốn so với nhu cầu tuyển dụng... Cùng với đó, chi phí xuất cảnh ở một số thị trường còn cao; chính sách hỗ trợ vay vốn cho NLĐ đi làm việc ở nước ngoài chưa rộng mở. Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền chưa được sâu sát, đa dạng nên người dân chưa tiếp cận đầy đủ, kịp thời các thông tin về làm việc ở nước ngoài…
Nâng cao chất lượng nguồn lao động
Theo lãnh đạo Sở Nội vụ, hiện nay, nhu cầu tuyển dụng NLĐ trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài khoảng 500 NLĐ/tháng. Cùng với đó, mỗi năm, tỉnh còn được Bộ Nội vụ phân bổ khoảng 200 chỉ tiêu tuyển dụng lao động tham gia chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (chương trình EPS) và chương trình đào tạo thực tập kỹ thuật cho thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản (IM Japan)… Đây là cơ hội việc làm với thu nhập cao đối với NLĐ trên địa bàn tỉnh. Do đó, trong thời gian tới, Sở Nội vụ sẽ phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp và các địa phương nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, tạo nguồn và tư vấn, định hướng cho NLĐ. Trong đó, chú trọng đào tạo tay nghề, ngoại ngữ, kỹ năng sống, luật pháp và văn hóa của nước sở tại; chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuẩn hóa giáo trình, tăng cường liên kết với doanh nghiệp để đào tạo sát với nhu cầu thực tế của nhà tuyển dụng. Cùng với đó, siết chặt công tác cấp phép, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài; cập nhật dữ liệu về NLĐ đi làm việc ở nước ngoài để theo dõi, quản lý hiệu quả hơn; tham mưu, đề xuất các chính sách hỗ trợ cho NLĐ trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn. Đồng thời thành lập các đầu mối hỗ trợ pháp lý, tư vấn và bảo vệ quyền lợi NLĐ; tạo điều kiện để NLĐ khởi nghiệp sau khi về nước thông qua các chính sách tín dụng, kết nối việc làm trong nước...
Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh sẽ chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích của đi làm việc ở nước ngoài, nhất là ở xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; triển khai nhanh chóng, kịp thời các chính sách hỗ trợ cho NLĐ khi đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động các sàn giao dịch việc làm, đưa các phiên giao dịch việc làm lưu động về tổ chức ở 65 xã, phường, đặc khu để kịp thời tư vấn cho người dân; phối hợp chặt chẽ với những đơn vị, doanh nghiệp có uy tín được Bộ Nội vụ cấp phép để thực hiện các thủ tục đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài; phối hợp tổ chức dạy ngoại ngữ cho NLĐ ngay trên địa bàn tỉnh nhằm tiết kiệm chi phí, thời gian cho NLĐ…
VĂN GIANG
Nguồn Khánh Hòa : http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202507/hoat-dong-dua-nguoi-lao-dong-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-tiep-tuc-doi-moi-nang-cao-chat-luong-c2f2b50/