Thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT năm 2025. Ảnh: Quang Vinh.
Ngay sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 kết thúc, không ít giáo viên, phụ huynh và thí sinh cho rằng đề thi môn Toán và Tiếng Anh quá khó so với chuẩn đầu ra bậc phổ thông cũng như có độ vênh với những gì học sinh được học trên lớp. Tuy nhiên, sau đó điểm thi, phổ điểm các môn thi được công bố khiến dư luận lại được một phen dậy sóng khi có nhiều điểm tuyệt đối hơn năm 2024. Hóa ra khác với những gì nhiều người lớn nghĩ, các em học sinh đã đi trước cả người lớn trong việc thích ứng với đổi mới, dù chưa được làm quen nhiều với đổi mới. Với hơn 1 triệu thí sinh, dữ liệu kết quả đủ lớn từ một kỳ thi quốc gia với học sinh đến từ tất cả mọi vùng miền trên toàn quốc cho thấy cần điều chỉnh lại cách nhìn nhận khi có một vấn đề xảy ra.
Dẫu vậy, mức điểm giỏi năm nay ở phần lớn các môn thi đều thấp hơn năm 2024. Nghĩa là sẽ không có nhiều thí sinh sở hữu điểm cao như kỳ vọng trước đó của nhà trường, gia đình và chính thí sinh. Năm nay, Bộ không công bố kết quả đối sánh học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT của các tỉnh, thành như các năm trước nhưng từ thực tế dạy và học cũng như tiếp nối các năm trước, nếu số liệu này được công bố thì hầu hết các địa phương đều có độ "vênh" giữa 2 điểm này.
Mỗi thời điểm tổng kết cuối năm học, hình ảnh phụ huynh khoe thành tích của con tràn ngập các trang mạng xã hội. Như tại lớp 4 một trường tiểu học ở Hà Nội, tổng kết cuối năm học 2024-2025 vừa qua, có 29/50 học sinh đạt xuất sắc. Trong khi đó, cấp THCS, lớp 6 của một trường công lập có 6 học sinh xuất sắc và 34 học sinh giỏi trên tổng số 48 học sinh. Không phải là các lớp chuyên, lớp chọn đầu vào nhưng tỉ lệ học sinh giỏi không chỉ riêng lớp này mà nhiều lớp khác đều cao. Những bảng điểm học bạ toàn điểm 10, không có điểm 9 khi xét tuyển vào cấp THCS ở một số trường chất lượng cao ở Hà Nội từng gây bất ngờ với nhiều người. Và càng ngạc nhiên hơn khi cũng những học sinh đó, khi tham gia kỳ thi vào trường chất lượng cao lại có mức điểm chỉ 2, 3 điểm đặt ra dấu hỏi về việc đánh giá ở trên lớp đã sát với năng lực thực tế của học sinh hay chưa.
Trở lại với điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay, bên cạnh những thí sinh đạt điểm số như mong muốn thì có không ít em nhận về điểm số không tốt như dự đoán, thậm chí là khác xa so với những đánh giá trước đây em nhận được từ nhà trường, thầy cô giáo. Đặc biệt với những thí sinh trước nay quen với điểm 9, điểm 10 trong các bài kiểm tra, bài thi thử tốt nghiệp, giờ đây ở kỳ thi chính thức mang tính quyết định, các em lại không đạt được kết quả như vậy. Lo lắng về ước mơ xét tuyển vào nhiều trường đại học top đầu của các thí sinh này có thể bị trì hoãn. Nhưng thực tế, điểm số không phải là tất cả. Cánh cửa vào đại học vẫn rất rộng mở với các thí sinh, miễn là các em chọn cho mình được ngành học, trường học phù hợp với sở thích, năng lực và điều kiện gia đình.
GS.TS Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học giáo dục nhìn nhận không nên bàn về đề thi dễ hay khó. Thay vào đó, cần bàn về việc đo lường và phân loại đúng năng lực người học. Chúng ta cần đánh giá học sinh theo cách khơi dậy tiềm năng, thay vì đánh giá các em vào cùng một chuẩn điểm số. Giáo dục là để tạo dựng nhân cách, năng lực và động lực sống suốt đời chứ không chỉ là để thi đỗ một kỳ thi.
Nếu một đề thi ra quá dễ, phổ điểm sẽ là “đồng phục điểm số”, không có tính phân loại. Như vậy, niềm tin xã hội, nhất là trường đại học sẽ không còn. Mỗi học sinh trong quá trình học và thi cần xác định được đúng năng lực của bản thân, định vị được hướng đi tiếp theo như học lên đại học sau bậc phổ thông, vừa học vừa làm hay tham gia vào thị trường lao động sớm. Điều này thực tế không chỉ cần với một kỳ thi mang tính quốc gia với đề thi chung trên toàn quốc mà ngay trong quá trình học tập tại trường phổ thông, học sinh cần được đánh giá đúng để các em nhận thức rõ mình đã làm tốt điều gì, cần phải cố gắng ở đâu. Phụ huynh cũng nhìn nhận đúng năng lực thực tế của con em mình để đồng hành, định hướng nghề nghiệp phù hợp cho con.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cũng chỉ ra, nhà trường, xã hội cần bỏ dần tư duy chỉ đánh giá dựa trên điểm số. “Chúng ta không nên nặng nề quá về điểm 9, điểm 10. Cần bỏ dần tư duy đánh giá điểm số dù nó là những con số định lượng nhưng chỉ là một trong các thông số, không phải thước đo duy nhất. Giáo dục cần đánh giá tổng thể cả quá trình học tập, rèn luyện” - ông Thưởng nói.
Lam Nhi