Các Ngoại trưởng G7 nhóm họp tại Fiuggi-Anagni, Rome, Italy từ ngày 25-26/11. (Nguồn: G7italy.it)
Ngày 25-26/11, Ngoại trưởng Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã họp tại Fiuggi, Rome (Italy), bàn luận về nhiều vấn đề nóng.
Ưu tiên giải quyết xung đột
Trước hết, xung đột Nga-Ukraine là một trong những ưu tiên hàng đầu của Hội nghị Ngoại trưởng G7 lần này. Theo đó, tuyên bố chung sau đó đã chỉ trích Nga sử dụng tên lửa đạn đạo tầm trung Oreshnik tấn công Ukraine ngày 21/11 là “minh chứng cho hành động liều lĩnh và gây leo thang”. Đồng thời, Ngoại trưởng các nước G7 bày tỏ quan ngại trước việc Nga tiếp tục kiểm soát nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia và lập trường ủng hộ của Belarus. Về thông tin binh sĩ Triều Tiên xuất hiện ở xứ sở bạch dương, G7 coi đây là hành vi “mở rộng xung đột với hệ quả nghiêm trọng tới an ninh châu Âu và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Mặt khác, tuyên bố chung thể hiện sự ủng hộ xuyên suốt với Ukraine, từ nỗ lực phản công của nước này, công cuộc tái thiết hậu xung đột hay tiến trình đưa Kiev hội nhập sâu hơn với Liên minh châu Âu (EU) và châu Âu - Đại Tây Dương.
Một vấn đề được quan tâm không kém là tình hình Trung Đông, nổi bật là xung đột Israel-Hamas. Theo đó, tuyên bố chung kêu gọi các bên ngừng bắn tại Lebanon và Dải Gaza, đồng thời cho biết các Ngoại trưởng đã thảo luận về một số sáng kiến nhằm triển khai quá trình cứu trợ nhân đạo tại hai khu vực này.
Gần như cùng lúc diễn ra Hội nghị, Tổng thống Joe Biden cho biết Israel và Hezbollah đã nhất trí với thỏa thuận ngừng bắn lâu dài cho Mỹ đề xuất, với hiệu lực bắt đầu lúc 4h ngày 27/11 (giờ địa phương). Theo đó, quân đội và cảnh sát Lebanon sẽ triển khai đến biên giới của nước này với Israel trong 60 ngày tới, trong khi quốc gia láng giềng phía Nam sẽ “dần rút quân và dân thường còn lại”. Hezbollah sẽ không được phép” vào khu vực này.
Về phần mình, Văn phòng Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết chính phủ Israel đã bỏ phiếu áp đảo ủng hộ đề xuất của Mỹ, song nhấn mạnh nước này “duy trì quyền hành động chống lại bất kỳ mối đe dọa nào tới an ninh của mình”.
Ngoại trưởng khối G7 tiếp tục chỉ trích chương trình hạt nhân của Tehran, phản đối Iran tấn công tên lửa vào Israel cũng như các hành động của một số nhóm vũ trang gây bất ổn “có liên quan tới Iran” tại khu vực. Song, tuyên bố chung không đề cập việc Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) ngày 23/11 ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Văn bản chỉ kêu gọi Israel “tuân thủ nghĩa vụ quốc tế trong mọi tình huống (thực hiện quyền tự vệ)”. Phản ứng này trái ngược so với thời điểm ICC ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đây.
Điểm nhấn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Ngoại trưởng các nước G7 dành sự quan tâm cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Khối tiếp tục theo đuổi “một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế”, cam kết thúc đẩy sáng kiến Đối tác vì cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu (PGII) tại khu vực, nhất là thông qua Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) do Mỹ khởi xướng.
Về Trung Quốc, một mặt, tuyên bố chung khẳng định G7 không “phân tách” khỏi Bắc Kinh, đồng thời thừa nhận tầm quan trọng của cường quốc châu Á với nền thương mại toàn cầu. Trên cơ sở đó, các bên cần duy trì đối thoại thẳng thắn, thường xuyên để nêu quan điểm, kiểm soát khác biệt, duy trì quan hệ ổn định, mang tính xây dựng, sẵn sàng hợp tác trong giải quyết thách thức toàn cầu.
Mặt khác, tuyên bố chung “quan ngại sâu sắc” về thái độ của Bắc Kinh với Moscow thông qua hỗ trợ cơ sở hạ tầng công nghiệp, chuyển giao vũ khí như máy bay không người lái, vật liệu lưỡng dụng. Ngoại trưởng các nước G7 kêu gọi Trung Quốc dừng các chính sách và hành động “phi thị trường”, không có hành vi “tác động hoặc gây nguy hại tới an ninh, các thể chế dân chủ”.
Đáng chú ý, bên cạnh các nội dung về nhân quyền, tình hình Hong Kong (Trung Quốc) hay eo biển Đài Loan, tuyên bố chung đã bày tỏ “sự quan ngại nghiêm trọng về tình hình Biển Đông và Biển Hoa Đông”.
Các nội dung phản đối mở rộng chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, kêu gọi ngừng bắn ở Myanmar, Libya, Somalia, vấn đề người di cư và tình hình châu Phi cũng được đề cập.
Dấu ấn có phai?
Phản ứng trước các nội dung của G7 về quan hệ Nga-Trung, tờ Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) ngày 26/11 cho rằng khối đang trở thành “liên minh địa chính trị”, hướng tới “mục tiêu chiến lược” riêng bằng cách phóng đại “mối nguy Trung Quốc”. Đồng thời, G7 chỉ trích Moscow phóng tên lửa đạn đạo tầm trung, trong khi chính Washington, nhân tố chủ chốt trong G7, lại cho phép Kiev sử dụng Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) tấn công mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga.
Đặc biệt hơn cả, tuyên bố chung mang đậm dấu ấn của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Điều này thể hiện rõ nét trong các nội dung lớn từ xung đột Nga-Ukraine, Israel-Hamas tới quan hệ với Trung Quốc. Đơn cử trong số đó là việc chỉ trích Moscow, sự ủng hộ xuyên suốt với Kiev, lập trường cứng rắn trước Tehran, “nhẹ nhàng” hơn khi đề cập chính quyền Tel Aviv hay về nỗ lực “kiểm soát khác biệt”, “không phân tách” trong quan hệ với Bắc Kinh.
Đáng chú ý, dường như chính quyền Mỹ đương nhiệm đang gạt Nga ra khỏi các cuộc đàm phán hòa bình, kịch bản được cho là có thể xảy ra khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền. Tuyên bố chung nhấn mạnh mục tiêu cuối cùng là “đạt được một nền hòa bình toàn diện, công bằng và bền vững, khôi phục sự thượng tôn đối với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế”. Văn bản nhấn mạnh “không sáng kiến (hòa bình) nào về Ukraine có thể được triển khai mà không có Ukraine”. Tuy nhiên, tuyên bố chung lại không nhắc tới vai trò của Nga trong các sáng kiến này.
Liệu “điệu valse cuối cùng” của chính quyền đương nhiệm sẽ được nhớ mãi, hay sớm lùi vào dĩ vãng khi Nhà Trắng có ông chủ mới vào năm sau?
Thời gian sẽ trả lời.
Minh Vương