Hội nghị Trung ương 12: Kỳ vọng vào tương lai phát triển của đất nước

Hội nghị Trung ương 12: Kỳ vọng vào tương lai phát triển của đất nước
6 giờ trướcBài gốc
Quang cảnh phiên bế mạc Hội nghị lần thứ mười hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, chiều 19/7. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Đánh giá về nội dung bài phát biểu, nhiều chuyên gia, trí thức và nhân dân Thủ đô cho rằng, những định hướng mà Tổng Bí thư nêu ra đã phần nào đáp ứng kỳ vọng của toàn dân về một hành trình phát triển mạnh mẽ của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Đáp ứng mong mỏi của nhân dân
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng. Ảnh: Thu Phương/TTXVN
Theo dõi sát nội dung Hội nghị trên các phương tiện thông tin đại chúng và đặc biệt là bài phát biểu của Tổng Bí thư tại phiên bế mạc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) bày tỏ đồng tình với những vấn đề được nêu trong bài phát biểu, trong đó có các nội dung về quản lý và sử dụng đất đai; tháo gỡ chồng chéo trong quy hoạch; đảm bảo nguồn lực và tăng cường đầu tư giáo dục.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An cho rằng, đây là những vấn đề cốt lõi, phù hợp với mục tiêu tiếp tục cải cách, đổi mới đất nước, đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân cả nước.
Liên quan đến vấn đề quản lý và sử dụng đất đai, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An khẳng định tính đúng đắn trong phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm đối với lĩnh vực đất đai, trong đó tập trung nhấn mạnh việc hoàn thiện khung pháp lý về sở hữu, quy hoạch, sử dụng đất, bảo đảm tính minh bạch, công bằng, hiệu quả, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An bày tỏ mong muốn Tổng Bí thư sẽ chỉ đạo quyết liệt để đội ngũ thực thi vào cuộc một cách thực chất, đảm bảo quyền lợi của nhân dân và phù hợp mục tiêu phát triển đất nước.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, với việc Luật Đất đai 2024 ngày càng hiện diện trong đời sống, các nghị định, thông tư dưới Luật sẽ được triển khai cụ thể, minh bạch, thông suốt ở tất cả các cấp.
Về vấn đề quy hoạch tổng thể cho quốc gia, cho ngành, vùng, địa phương, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An cho rằng, thời gian gần đây, các thông tin về quy hoạch đã rõ ràng hơn, bước đầu hạn chế tình trạng “mập mờ” trước kia. Điều này có lợi ích rất nhiều trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phù hợp với các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, phù hợp với định hướng tổ chức không gian kinh tế-xã hội sau sắp xếp đơn vị hành chính.
Đề cập đến hai quy hoạch lớn của Hà Nội hiện nay là: Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (theo Luật Quy hoạch) và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến 2045, tầm nhìn 2065 (theo Luật Quy hoạch đô thị), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An khẳng định, nếu làm tốt, hai quy hoạch này sẽ định hướng phát triển toàn diện, bền vững cho Thủ đô trong giai đoạn mới.
“Trên tất cả, mọi vấn đề Hội nghị đặt ra cần được triển khai quyết liệt, thực chất và phải được giám sát chặt chẽ, minh bạch. Có như vậy thì mới phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An bày tỏ.
Kỳ vọng vào hành động thực chất
Đối với vấn đề giáo dục được nêu trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm, bà Vũ Thị Xuân, cán bộ lão thành, tổ dân phố số 5 (phường Đông Ngạc) cho biết, bà rất vui mừng khi Tổng Bí thư nhắc đến việc đảm bảo nguồn lực cho đầu tư, phát triển giáo dục và đào tạo, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường thu hút tối đa nguồn lực xã hội cho phát triển giáo dục và đào tạo.
Theo bà Vũ Thị Xuân, hiện nay chính quyền địa phương hai cấp đã đi vào hoạt động ổn định với trách nhiệm và nhiệm vụ rất lớn; do đó, bên cạnh các vấn đề phát triển kinh tế, việc đầu tư cho giáo dục cũng cần được coi trọng. Chính quyền trong kỷ nguyên mới cần nắm rõ hơn nữa các thông tin về giáo dục trên địa bàn, đặc biệt là vấn đề cơ sở vật chất trường lớp, đặc thù của địa phương, hơn nữa là đời sống của đội ngũ giáo viên.
“Giáo dục và đào tạo chính là xây dựng, phát triển nguồn nhân lực cho đất nước. Cả xã hội luôn mong chờ sự đổi mới để giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu, là nền tảng để phát triển đất nước bền vững, để các thế hệ tương lai không chỉ có kiến thức chuyên môn, mà còn có cả kiến thức xã hội, kiến thức trở thành công dân toàn cầu”, bà Vũ Thị Xuân nêu quan điểm.
Với 6 nhiệm vụ trọng tâm Tổng Bí thư đề ra ngay sau khi Hội nghị bế mạc, bà Vũ Thị Xuân cho rằng, đây là những nhiệm vụ quan trọng, có liên quan trực tiếp đến sự phát triển của đất nước và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Việc tổ chức quán triệt sâu rộng các kết luận của Hội nghị Trung ương 12 sẽ làm cho mỗi cán bộ, đảng viên, người dân hiểu đúng, thực hiện đúng, đồng thuận cao, góp phần xây dựng đất nước phát triển như mong mỏi của nhân dân.
“Đất nước đang ngày càng đổi mới, tôi mong rằng, những nhiệm vụ Hội nghị đặt ra sẽ được triển khai và thực thi một cách mạnh mẽ, quyết liệt, thực chất. Có như vậy, mục tiêu phát triển đất nước và nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân mới khả thi. Tôi cho rằng đây cũng là mong mỏi của người dân cả nước trong giai đoạn hiện nay”, bà Vũ Thị Xuân bày tỏ.
Nguyễn Cúc (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/thoi-su/hoi-nghi-trung-uong-12-ky-vong-vao-tuong-lai-phat-trien-cua-dat-nuoc-20250720195337626.htm