Trong những năm qua, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo tiền đề tốt để tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời gian tới. Tuy nhiên, do sự phát triển kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hóa và sự gia tăng dân số đang diễn ra mạnh mẽ tạo ra áp lực lớn đối với môi trường, lượng chất thải rắn đang phát sinh ngày càng tăng. Trong khi đó, việc kiểm soát, quản lý loại chất thải này còn nhiều hạn chế, dẫn đến nguy cơ gây tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống và sức khỏe con người.
Lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh quán triệt nội dung hội thảo.
Đề án “Phân loại, xử lý, tái chế chất thải tập trung và phân tán trên địa bàn tỉnh Cao Bằng" được ban hành theo Quyết định số 623/QĐ-UBND, ngày 25/5/2022 của UBND tỉnh. Đề án bao gồm 3 phần: Phần I: Thực trạng công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh; Phần II: Mục tiêu, quy trình, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong giai đoạn năm 2021 - 2025; Phần III: Tổ chức thực hiện, kết luận, kiến nghị. Thời gian thực hiện Đề án từ năm 2021 - 2025. Theo đề án, chất thải rắn sinh hoạt được phân thành 3 loại, gồm: chất hữu cơ, chất vô cơ, chất thải rắn nguy hại. Theo tài liệu nghiên cứu, chất thải hữu cơ chiếm khoảng 66,98%; chất thải vô cơ chiếm 31,31%; chất thải nguy hại chiếm khoảng 1,71%. Trong tổng khối lượng 31,31 % chất thải vô cơ, khối lượng chất thải có thể tái chế chiếm 24,29% (gồm giấy bìa các loại chiếm 8,01%; túi nilon chiếm 12,28%; nhựa, thủy tinh và kim loại chiếm 4,0%). Thành phần rác thải không thể tái chế, tái sử dụng gồm có bụi, cát, sỏi các loại, xỉ than... chiếm khoảng 4,02%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, vận chuyển, xử lý hằng năm chiếm khoảng 80%; tỷ lệ thu gom rác khu vực nông thôn đạt 35,4%.
Theo kết quả giám định xã hội, “Đề án phân loại, xử lý, tái chế chất thải tập trung và phân tán trên địa bàn tỉnh Cao Bằng năm 2021 - 2025” có tính thực tiễn cao, mang tính cấp thiết. Công tác tuyên truyền, phổ biến Đề án được triển khai thực hiện tốt trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của tỉnh; các cơ quan, đơn vị ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án giai đoạn 2022 - 2025 phù hợp với tình hình thực tiễn; việc hướng dẫn quy trình sản xuất phân compost, tạo thức ăn chăn nuôi từ chất thải là rơm, rạ được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từng bước triển khai thực hiện; công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh được tuân thủ theo đúng quy định; việc xây dựng bể thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh được UBND các huyện, Thành phố triển khai thực hiện; 3 dự án cải tạo nâng cấp xử lý bãi rác huyện Nguyên Bình, Bảo Lâm, Trùng Khánh thuộc cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh đang được triển khai thực hiện; Dự án xây dựng, nâng cấp hệ thống xử lý chất thải y tế của các đơn vị trực thuộc Sở Y tế đã hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục theo quy định; nguồn kinh phí thực hiện Đề án được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công cấp tỉnh, nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường; nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia, nguồn thu từ giá dịch vụ.
Đại biểu phát biểu tại hội thảo.
Tại hội thảo, đại biểu tập trung thảo luận vào các vấn đề: Đánh giá thực trạng công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh; xem xét kết quả mục tiêu thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2024; xem xét nhiệm vụ và giải pháp trong Đề án được các cơ quan, đơn vị, thực hiện như thế nào; những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện Đề án.
Sau hội thảo, các ý kiến được Hội Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tiếp thu, xin ý kiến các chuyên gia, bổ sung các số liệu để hoàn thiện báo cáo kết quả giám định, đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền triển khai thực hiện Đề án.
Minh Hòa