Hôm nay, dự kiến Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Điện lực (sửa đổi)

Hôm nay, dự kiến Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Điện lực (sửa đổi)
9 giờ trướcBài gốc
Dự kiến Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) vào ngày 30/11 - Ảnh minh họa
Việc sửa đổi Luật Điện lực được đánh giá là rất cần thiết và cấp bách nhằm kịp thời thể chế hóa các đường lối, chủ trương mới của Đảng, tạo cơ sở cho những hành động đột phá, quyết liệt để phát triển ngành điện.
Đồng thời, nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành và những tồn tại, hạn chế như: Thiếu quy định rõ ràng, cụ thể để đầu tư các dự án điện khẩn cấp; thiếu quy định đầy đủ về cơ chế thúc đẩy đầu tư, xây dựng, khai thác các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo; chưa có quy định về cơ chế đặc thù để phát triển điện gió ngoài khơi phù hợp với điều kiện của Việt Nam từng thời kỳ để thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài; chưa có chính sách đối với điện mặt trời mái nhà, điện gió quy mô nhỏ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, trụ sở cơ quan nhà nước, công trình công cộng bảo đảm phù hợp với mục tiêu phát triển và điều kiện hệ thống điện từng thời kỳ...
Cùng với đó, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với bối cảnh, tình hình mới trong nước, quốc tế và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng nhu cầu về điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh.
Những điểm đáng chú ý để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới
Một trong những điểm đáng chú ý của Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) là nhấn mạnh đến việc phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới, phù hợp với chiến lược chuyển đổi năng lượng quốc gia và cam kết giảm phát thải. Các chính sách ưu đãi đối với năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, sẽ được tăng cường để thúc đẩy sự phát triển của các dự án năng lượng sạch. Đồng thời, các mô hình điện tự sản, tự tiêu và các loại hình năng lượng mới cũng sẽ được chú trọng phát triển.
Điện gió, điện mặt trời, điện thủy triều, điện sóng biển, điện địa nhiệt và điện hải lưu sẽ được khuyến khích phát triển với cơ chế giá hợp lý, bảo đảm an toàn hệ thống điện và tính bền vững lâu dài. Đặc biệt, việc phát triển điện mặt trời mái nhà và trên mặt nước sẽ được tập trung ưu tiên, nhằm tận dụng tối đa nguồn tài nguyên sẵn có.
Luật Điện lực (sửa đổi) dự kiến cung cấp một khung pháp lý hoàn chỉnh cho các dự án năng lượng tái tạo
Luật Điện lực (sửa đổi) dự kiến cung cấp một khung pháp lý hoàn chỉnh cho các dự án năng lượng tái tạo, bao gồm cơ chế đấu thầu với giá trần và các hình thức ký kết hợp đồng sản lượng tối thiểu, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong ngành năng lượng tái tạo. Các dự án điện gió ngoài khơi sẽ có cơ chế, chính sách để thúc đẩy triển khai.
Ngoài ra, nguồn điện sinh khối đồng phát sẽ được khai thác tối đa, kết hợp phát triển điện từ chất thải và sinh khối, nhằm tạo ra nguồn năng lượng tái tạo phong phú và bền vững. Việc phát triển năng lượng mới sẽ dựa trên các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nguồn nhân lực và khả năng tài chính, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bên cạnh đó, Luật Điện lực (sửa đổi) cũng nhấn mạnh đến cơ chế giá điện hai thành phần. Theo đó, giá điện sẽ được phân thành hai phần: giá công suất và giá điện năng, giúp phản ánh chính xác hơn chi phí sản xuất điện tại Việt Nam. Mô hình này sẽ tạo điều kiện cho việc điều chỉnh giá điện, qua đó bảo đảm lợi ích dài hạn cho các nhà máy điện, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng cao.
Trước đó, vào ngày 04/11, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã trình Bộ Công Thương đề án áp dụng cơ cấu giá điện hai thành phần, với mục tiêu thí điểm cho một số nhóm khách hàng trước khi mở rộng áp dụng vào năm 2025. Đề án này nhằm xây dựng cơ cấu biểu giá bán lẻ điện phù hợp với từng nhóm khách hàng, đồng thời thiết lập lộ trình thử nghiệm và triển khai chính thức trong tương lai. Quá trình áp dụng sẽ đảm bảo phù hợp với hạ tầng kỹ thuật của ngành điện, các yêu cầu pháp lý và khả năng thích ứng của người tiêu dùng với biểu giá mới.
Đặc biệt, Luật Điện lực (sửa đổi) còn mở ra khả năng tư nhân hóa các đường dây truyền tải điện có điện áp từ 220kV trở xuống, giúp thu hút nguồn vốn đầu tư và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án cơ sở hạ tầng điện lực.
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) bao gồm 9 chương với 130 điều, quy định về quy hoạch phát triển điện lực và đầu tư xây dựng dự án điện lực; phát triển điện năng lượng tái tạo và điện năng lượng mới; giấy phép hoạt động điện lực; thị trường điện cạnh tranh, giá điện, hoạt động mua bán điện; trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện; vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia, điều hành giao dịch thị trường điện lực; bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện; quản lý nhà nước về điện lực.
Huy Tùng
Nguồn PetroTimes : https://petrovietnam.petrotimes.vn/hom-nay-du-kien-quoc-hoi-bieu-quyet-thong-qua-luat-dien-luc-sua-doi-721347.html