Hồn chữ Việt qua nét thư pháp

Hồn chữ Việt qua nét thư pháp
8 giờ trướcBài gốc
Năm 2022, anh Hồng Phú mở lớp dạy viết thư pháp đầu tiên tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh, duy trì đến hiện tại các lớp học nối tiếp hàng năm, kéo dài từ tháng 2 đến tháng 10 với đủ lứa tuổi tham gia.
Bà Hà Thị Thi Hà là một trong những học viên kỳ cựu gắn bó từ ngày lớp học đầu tiên khai giảng. Mới ngày nào còn nắn nót từng chữ cái, giờ chỉ trong thời gian ngắn, bà đã có thể viết rất nhiều tờ giấy, sáng tạo phong cách trang trí đẹp mắt.
Ngày càng có nhiều học viên nhỏ tuổi thích chữ thư pháp. Nhu cầu tăng cao, một số trường còn tập hợp các em và mời anh Phú đến dạy. Nhận thấy các em có niềm đam mê mãnh liệt, anh mời một số đến giao lưu với thành viên trong lớp học của mình, tạo môi trường trao đổi và học hỏi lẫn nhau. Sắp tới, anh còn ấp ủ tổ chức workshop cho những người quan tâm và đam mê bộ môn này cùng trải nghiệm.
“Nét chữ nết người”. Trong thư pháp cũng vậy, từng đường nét thể hiện cá tính của cá nhân, có thể mềm mại thùy mị, có thể táo bạo, mạnh mẽ… Trong đó, mỗi người lại có trường phái riêng, như viên phong (nét tròn), lộ phong (nét gãy), điền phong (nét vuông)…
Có người tìm đến lớp học vì yêu thích khi xem qua báo, đài; có người vì đam mê đã lâu những chưa định hình phong cách; các em nhỏ đi học theo gợi ý của ba mẹ để rèn luyện tính cách, định hình sở thích…
Chị Trang (bìa trái) - học viên mới nhất của lớp là một trong số trường hợp sau khi nghe mọi người giới thiệu, xem các “ông đồ” trổ tài bày tỏ sự thích thú đã quyết tâm để chính thức học để tạo thú vui thư giãn tao nhã.
Còn bé Phan Minh Thơ, nhà tại xã Bình Hòa, dù phải di chuyển khá xa đến phường Long Xuyên dịp cuối tuần, bé vẫn kiên trì học được 2 khóa hè, rất thích thú khi thể hiện nét chữ của mình.
Anh Hồng Phú cho biết, thể hiện ra từng con chữ lả lướt là cả một quá trình rèn luyện, không chỉ đòi hỏi tính kiên nhẫn, thẩm mỹ của từng cá nhân, mà ngay trong cách cầm bút cũng thể hiện trọn vẹn tâm tính của người viết chữ. Đó là sự phối hợp mềm mại vừa sức và uyển chuyển của những ngón tay, bàn tay, cánh tay, vai, dáng ngồi trang nghiêm, làm chủ hơi thở… tạo ra lực trên ngọn bút.
Với người học, không gì vui hơn khi tự tay viết được từng chữ đầu tiên lên món quà cho bản thân. Còn với người dạy, thư pháp là một bộ môn lâu đời gắn liền với văn hóa của dân tộc, góp phần gìn giữ và phát triển chữ thư pháp chính là niềm tự hào, nhất là khi được lớp trẻ đón nhận một cách tích cực.
MỸ HẠNH
Nguồn An Giang : https://baoangiang.com.vn/hon-chu-viet-qua-net-thu-phap-a424623.html