Hướng đến những tác phẩm Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật sắc nét

Hướng đến những tác phẩm Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật sắc nét
4 giờ trướcBài gốc
Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật TP.HCM phát biểu tại tọa đàm
Ngày 23-11, Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật TP HCM thuộc Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM đã tổ chức tọa đàm "Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TP HCM 50 năm sau ngày đất nước thống nhất: Thực trạng và giải pháp".
Đây là hoạt động hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975-30.4.2025). Tham dự tọa đàm có bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM; PGS TS Phan Xuân Biên, nguyên UV BTV Thành ủy, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy; ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật TP HCM; ông Nguyễn Thọ Truyền, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy; NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM và đông đảo các nhà khoa học, nhà lý luận phê bình.
Tọa đàm "Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh 50 năm sau ngày đất nước thống nhất: Thực trạng và giải pháp" ngày 23-11 tại TP HCM
Đọc đề dẫn tọa đàm, ông Nguyễn Thọ Truyền - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy - đã nhấn mạnh, 50 năm sau ngày thống nhất đất nước là khoảng thời gian đủ dài để phát triển, nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan những thành tựu cũng như hạn chế của các hoạt động thuộc về đời sống văn hóa, trong đó có công tác Lý luận, Phê bình Văn học nghệ thuật (LLPB VHNT).
Buổi tọa đàm được tổ chức với mong muốn nhìn lại vai trò của LLPB VHNT, nhất là trong việc tạo ra một thước đo giá trị để đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo, tiếp nhận những giá trị nhân văn và nâng cao chất lượng về khoa học - học thuật; từ đó nỗ lực đưa những tác phẩm nghệ thuật có chất lượng đến với công chúng.
Nghệ sĩ Công Hậu phát biểu tại tọa đàm
"Tọa đàm đã chọn ra 47 báo cáo tham luận tập trung làm rõ đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; làm rõ thực trạng công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật, kết quả đạt được và những hạn chế của công tác sau 50 năm ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước; đề xuất những giải pháp nâng cao công tác LLPB VHNT để góp phần phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" - ông Nguyễn Thọ Truyền cho biết.
GSTS Nguyễn Xuân Tiên - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP HCM - phát biểu tại tọa đàm
Tại buổi tọa đàm, các nội dung chính được các đại biểu quan tâm và đề cập đó là: Quan điểm, đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong tiến trình xây dựng và phát triển LLPB VHNT; Sự kế thừa, đổi mới công tác LLPB VHNT; Thành tựu và hạn chế trong công tác LLPB VHNT; Đề xuất giải pháp cụ thể trong việc xây dựng công tác và Công tác giao lưu VHNT nước ngoài.
PGS TS Phan Bích Hà phát biểu tại tọa đàm
PGS TS Phan Thị Bích Hà nhận định, công tác LLPB VHNT vẫn còn tồn đọng một số vấn đề như chưa đi kịp với đời sống sáng tác nói chung; không có nhiều những bài viết đánh giá chuyên sâu những sản phẩm VHNT mà thay vào đó là tình trạng "lăng xê", "vuốt ve" các tác phẩm do nhà sản xuất đặt hàng, hoặc do những mối quan hệ thân tình giữa người LLPB và các tác giả; vẫn còn thái độ e dè, cân nhắc trước những vấn đề gay gắt nóng bỏng dẫn đến những sai lệch trong đánh giá.
Các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến rất thiết thực và một số bài tham luận đã được nêu, đặt ra nhiều vấn đề để hướng tới chiến lược đào tạo một đội ngũ kế thừa có bản lĩnh chính trị, có tinh thần cách mạng và có những bài viết LLPB VHNT sắc bén.
Bà Phạm Phương Thảo - nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM; ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật TP HCM và Nhà văn Bùi Anh Tấn - Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ - tại buổi tọa đàm
Hoạt động LLPB VHNT cũng xuất hiện tình trạng thiếu hụt những người trẻ trong đội ngũ kế thừa trong khi nhiều cây bút có thâm niên lâu năm trong nghề không còn viết nữa.
Nhìn vào bức tranh toàn cảnh, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM, đặt vấn đề: "Chúng ta cũng đang đứng trước một nghịch lý: Trường đào tạo nhiều nhưng tuyển sinh về lĩnh vực này lại ít, thậm chí là không tuyển sinh được. Cần nghiên cứu chính sách đặc thù, chính sách khen thưởng và đào tạo với những người làm công tác lý luận văn học nghệ thuật cả trong và ngoài nước".
Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM, phát biểu tại tọa đàm
Một luận điểm khác được thảo luận tại tọa đàm là sự gắn kết giữa người làm công tác LLPB VHNT với người sáng tạo nghệ thuật. Trong tiến trình xây dựng LLPB VHNT, giữa người làm phê bình và người sáng tác luôn tồn tại một khoảng cách nhất định. Để mỗi tác phẩm thành công thì cần có sự tiếp sức từ cả hai phía.
Nhà phê bình không đi trước nhưng đồng hành, giúp đỡ người sáng tác bởi đã từng có thời gian dài, công tác LLPB VHNT mang nặng tính học thuật, khô khan và rời xa với nhà sáng tác. Những người làm LLPB VHNT và những người sáng tạo nghệ thuật phải thấu hiểu nhau, đồng hành cùng nhau trên con đường nghệ thuật.
Phát biểu kết thúc tọa đàm, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, ghi nhận những ý kiến trao đổi thẳng thắn, cởi mở của các nhà khoa học, nhà lý luận phê bình nói riêng và đánh giá tọa đàm đã tiệm cận được nhiệm vụ đã đặt ra.
Tọa đàm sẽ là cơ sở để Ban Tuyên giáo Thành ủy cũng như Hội đồng LLPB VHNT TP HCM tiếp thu, báo cáo và tham gia vào việc tổng kết lĩnh vực VHNT sau 50 năm sau ngày đất nước thống nhất; từ đó đề xuất các giải pháp để TP HCM tiếp tục phát huy vai trò định hướng công tác LLPB VHNT trong quá trình phát triển nền văn hóa con người Việt Nam, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển của TP HCM giai đoạn mới.
Bài và ảnh: Nhựt Chi
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/huong-den-nhung-tac-pham-ly-luan-phe-binh-van-hoc-nghe-thuat-sac-net-19624112314371313.htm