Hướng tới học thực chất, nắm chắc kiến thức

Hướng tới học thực chất, nắm chắc kiến thức
13 giờ trướcBài gốc
Thí sinh Hà Nội dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Ảnh: Thanh Nguyệt
Điểm chuẩn giảm tùy từng ngành
TS Phạm Thanh Hà, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Giao thông vận tải cho rằng, môn toán là môn bắt buộc, hầu hết thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT đều phải dự thi môn này nên phổ điểm môn toán sẽ tác động rất lớn tới mặt bằng điểm chuẩn xét tuyển đại học năm nay. Phổ điểm môn toán thấp, trung vị thấp hơn năm ngoái 2 điểm, phản ánh đúng ý kiến của thí sinh và giáo viên về độ khó của đề thi năm nay. Do đó, với mặt bằng chung thì điểm chuẩn năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái khoảng 1,5 - 3 điểm tùy từng ngành.
Với môn tiếng Anh, đề thi được cho là “khó nhằn”, TS Phạm Thanh Hà nhận định, việc đánh giá và so sánh phổ điểm môn tiếng Anh sẽ rất phức tạp do năm ngoái tiếng Anh là môn thi bắt buộc trong khi năm nay đây là môn tự chọn. Một số chỉ số phổ điểm môn tiếng Anh năm nay và năm ngoái có sự tương đồng, như điểm trung bình (năm ngoái 5,51; năm nay 5,38), điểm trung vị (năm ngoái 5,2; năm nay 5,25). Tuy nhiên, chúng ta không thể chỉ nhìn vào các chỉ số này để cho rằng độ khó của đề tiếng Anh năm nay tương đương năm ngoái.
"Năm ngoái có hơn 900.000 em thi môn tiếng Anh, điểm trung vị là 5,2 thì có nghĩa là 450.000 TS có điểm dưới 5,2 và 450.000 em có điểm lớn hơn hoặc bằng 5,2. Năm nay có khoảng 350.000 em thi môn tiếng Anh, điểm trung vị là 5,25, có nghĩa là chỉ có 175.000 em có điểm lớn hơn 5,25. Con số 460.000 của năm ngoái và 175.000 của năm nay là những con số biết nói. Nó nói rằng đề tiếng Anh năm nay rất khó, mặc dù trung vị là như nhau" - TS Phạm Thanh Hà phân tích.
Theo PGS Trần Đăng Hưng, Trưởng khoa Công nghệ phần mềm, Trường Công nghệ thông tin-truyền thông, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, việc phân tích phổ điểm môn toán cho thấy có một phân bố tương đối chuẩn. Kỳ thi năm nay, môn toán có tổng cộng là 513 thí sinh đạt điểm 10, điều này khá đặc biệt bởi năm ngoái môn toán không có thí sinh nào được điểm 10. Bên cạnh đó, so sánh phổ điểm môn toán của 4 năm cho thấy 3 năm trước phổ điểm có hình dạng xô lệch về phía những mốc điểm cao (bên phải), nhưng năm nay phổ điểm có sự cân đối hơn, tiến đến gần phân bố chuẩn hơn. Điều đó cho thấy đề thi có tính phân hóa cao.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, ngay sau khi kết thúc kỳ thi, rất nhiều thí sinh lo lắng vì nhận định đề khó và dự đoán phổ điểm thấp hơn năm ngoái. Tuy nhiên, với kết quả thi được Bộ GD&ĐT công bố, GS Nguyễn Đình Đức đánh giá đề thi đã có sự phân hóa tốt, nhìn chung không có sự biến động quá lớn so với những năm trước.
Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, môn văn có nhiều đổi mới trong công tác ra đề thi nhưng điểm trung bình chung của môn văn rất cao, điều này chứng tỏ thí sinh đã thích ứng được định hướng của chương trình giáo dục phổ thông mới cũng như được rèn giũa nhiều về mặt tư duy. Môn vật lý không có thay đổi lớn, phổ điểm ổn định, số lượng thí sinh tương đương năm 2024. Đáng chú ý, hai môn hóa, sinh vì số lượng thí sinh dự thi giảm mạnh, điểm trung bình môn hóa và sinh năm nay cũng thấp hơn, phản ánh xu thế thay đổi trong tuyển sinh đại học với tổ hợp B00 khi nhiều trường Y tuyển sinh nhiều tổ hợp, thay vì chỉ tuyển tổ hợp truyền thống có các môn hóa, sinh.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho rằng, điểm trung bình của môn văn, địa năm nay vẫn tương đối cao nên điểm chuẩn của các tổ hợp có môn này sẽ không quá chênh lệch so với năm trước, tức là điểm khối C00 sẽ tương đối ổn định. Còn những tổ hợp có môn toán, tiếng Anh thì điểm chuẩn sẽ giảm từ 2-3 điểm.
TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, phổ điểm năm 2025 giảm ở tất cả các môn nên dẫn đến phổ điểm của các tổ hợp truyền thống như A00 (toán - lý - hóa), B00 (toán - hóa - sinh), A01 (toán - lý - Anh), C01 (toán - văn -lý), D01 (toán - văn -Anh) sẽ giảm từ 1-2 điểm.
Chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2026
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho rằng, các giáo viên, phụ huynh, học sinh cần nhận thức rõ để có sự chuẩn bị chu đáo hơn trong các năm tới, hướng tới học thật, thực chất, nắm chắc kiến thức. Cũng theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, phương án tuyển sinh cần giữ ổn định qua nhiều năm, không nên mỗi năm lại có thay đổi vì điều này sẽ gây khó khăn cho thí sinh. Bộ GD&ĐT cùng các cơ sở đào tạo cũng cần thông báo sớm phương án tuyển sinh, để học sinh có sự chuẩn bị tốt thay vì đợi đến tháng 3, tháng 4 mới công bố sẽ khiến thí sinh bị “sốc” vì những thay đổi đột ngột.
Theo TS Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), đề thi có sự phân hóa ở từng phần câu hỏi nên thầy cô phải nhìn lại cách dạy để giúp học sinh nắm được kiến thức thực chất và chắc chắn. Ví dụ như với môn tiếng Anh, các nhà trường cần thay đổi cách dạy, thể hiện bằng việc dạy đồng đều 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết) và thay đổi quan điểm về dạy ngoại ngữ (dạy cách sử dụng ngôn ngữ). Đơn cử, ở hai bài đọc trong đề tiếng Anh có sử dụng nhiều tập hợp từ; nếu học sinh không nắm chắc, không biết cách sử dụng tập hợp từ này thì sẽ thấy rất khó để chọn trả lời.
GS.TS Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học Giáo dục nhắn nhủ học sinh phải huy động kiến thức lịch sử, văn hóa, địa lí, chính trị, hơi thở của cuộc sống… từ đó giúp kích hoạt cảm hứng cho học sinh trong quá trình thi, quá trình dạy học. Và điều này sẽ tác động trở lại cách dạy và học trong các nhà trường.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng khẳng định kết quả kỳ thi năm nay đủ độ tin cậy để các trường yên tâm tuyển sinh. Lần đầu tiên quy chế thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học có sự kết nối chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi học sinh, hướng tới đào tạo nhân tài thật, chất lượng thật như chỉ đạo của Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ. Thứ trưởng cũng ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của học sinh, giáo viên, các cơ sở giáo dục và toàn ngành giáo dục trong kỳ thi lần này. Thứ trưởng khẳng định, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của học sinh, phụ huynh, chuyên gia, nhà quản lý, để tiếp tục thực hiện tốt hơn trong thời gian tiếp theo.
Qua phổ điểm, các địa phương thấy rằng cần có sự đổi mới trong chỉ đạo, điều hành cũng như điều chỉnh phương pháp dạy và học. Chương trình mới hướng đến phát triển năng lực người học nên đòi hỏi người giáo viên phải tận tụy hơn, trách nhiệm hơn; có như vậy mới khơi gợi được tinh thần ham học, sự đam mê của học trò…
GS.TS Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An
An Nhiên
Nguồn PL&XH : https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/huong-toi-hoc-thuc-chat-nam-chac-kien-thuc-425109.html&dm=027b572e9e1c071dcb7910c5daa29efe&utime=mjaynta3mtgymzi1mtk=&secureurl=45