ĐẢM BẢO CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI ĐẾN VỚI HỘ NGHÈO
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Thúy, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Cai Lậy cho biết, giải pháp giảm nghèo chủ yếu mà huyện Cai Lậy đưa ra trước tiên là tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện. Kịp thời tham mưu, triển khai các văn bản, quy định về các chính sách, chương trình giảm nghèo năm 2024.
Đồng chí Võ Văn Nhanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy trao quà cho hộ nghèo, gia đình chính sách dịp Tết Nguyên đán năm 2024.
Làm tốt công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2022 - 2025; đồng thời, kết quả rà soát đảm bảo đúng thực chất, không chạy theo thành tích để việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đúng đối tượng, sát thực tế, hiệu quả và đúng quy định.
Huyện tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về các chủ trương, chính sách giảm nghèo, những mô hình hay, cách làm hiệu quả, giới thiệu những gương điển hình thoát nghèo tiêu biểu, những hộ gia đình tự nguyện xin thoát nghèo trong cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của người nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng.
Đặc biệt, huyện quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng thu nhập bền vững cho hộ nghèo, hướng dẫn các hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất; chuyển giao kiến thức khoa học - kỹ thuật; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ dạy nghề gắn với giải quyết việc làm sau khi được đào tạo. Thực hiện hiệu quả các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo.
Công tác đào tạo nghề, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp cũng được quan tâm nhằm thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền.
Cùng với triển khai đầy đủ chính sách hỗ trợ và thực hiện hiệu quả các dự án giảm nghèo, huyện Cai Lậy còn thực hiện đầy đủ chính sách bảo trợ xã hội theo Nghị định 20 của Chính phủ. Tất cả người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ mồ côi, phụ nữ đơn thân... thuộc hộ gia đình nghèo và đang được nuôi dưỡng tập trung trong các cơ sở xã hội đều được nhận chế độ trợ cấp hằng tháng.
Tạo điều kiện để người nghèo, hộ nghèo nâng cao thu nhập và cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: Việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin. Từ đó, tạo thuận lợi để người nghèo tham gia và tiếp cận chính sách giảm nghèo, nâng dần điều kiện sống, mức sống và chất lượng cuộc sống của các hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo, chống tình trạng tái nghèo.
Chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo đều đến với đối tượng thụ hưởng, trong đó, 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu, có phương án sản xuất, kinh doanh được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội; 100% học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập theo quy định.
Ở huyện Cai Lậy, các tổ chức xã hội, tổ chức chính trị - xã hội còn phát động phong trào giúp đỡ nhau nguồn vốn làm kinh tế để thoát nghèo. Công tác đào tạo nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp có nhu cầu học nghề để tìm việc làm tại chỗ có thu nhập ổn định.
Với chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn miễn phí, hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại cho lao động hộ nghèo học những nghề đang khuyến khích đào tạo để đáp ứng nguồn nhân lực cho huyện; mở rộng dạy nghề định hướng và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Ở huyện Cai Lậy, trong năm qua đã triển khai thực hiện các dự án khuyến công, khuyến nông - lâm và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề; hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản sơ chế, chế biến nông sản và phát triển ngành nghề ở nông thôn rất tốt. Nhìn chung, các chính sách ưu đãi của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã đến với đối tượng thụ hưởng.
TRIỂN KHAI HIỆU QUẢ DỰ ÁN GIẢM NGHÈO
Cùng với chính sách ưu đãi, Cai Lậy còn triển khai hiệu quả các dự án của chương trình giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, huyện có sự ưu tiên hỗ trợ nhóm đối tượng là hộ nghèo, trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Với Dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, huyện Cai Lậy xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ; dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm. Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, nguyên liệu sản xuất, vật tư, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, liên kết phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cộng đồng với hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan và các nội dung khác theo quy định của pháp luật.
Anh Nguyễn Văn Tám (ấp 5, xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy) được hỗ trợ nuôi bò sinh sản từ Dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Ảnh: QUẾ NGÂN
Ở xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy việc đa dạng hình thức tuyên truyền trên địa bàn xã những năm qua đã giúp hộ nghèo nắm được thông tin, chủ động tiếp cận các chính sách hỗ trợ. Trong đó, có việc tiếp cận vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo.
Hiện toàn xã này có 13 Tổ Tiết kiệm và vay vốn, tổng dư nợ gần 21 tỷ đồng, giúp 617 thành viên vay. 3 năm qua, xã Mỹ Thành Bắc còn thực hiện 3 dự án nuôi heo và nuôi bò sinh sản, với 32 hộ tham gia thông qua việc hỗ trợ con giống và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi.
Điển hình hộ gia đình tham gia dự án có hiệu quả là hộ anh Nguyễn Văn Tám ở ấp 5. Đây là hộ cận nghèo, không có đất sản xuất, sống bằng việc làm thuê với thu nhập rất bấp bênh. Năm 2023, được hỗ trợ từ Dự án nuôi bò sinh sản, anh Tám tận dụng đất trống quanh nhà làm chuồng trại và nguồn cỏ trong tự nhiên để chăn nuôi.
Anh Tám cho biết: “Trong quá trình chăn nuôi, gia đình tôi cũng được sự quan tâm, hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ xã. Nhờ vậy mà việc chăn nuôi thuận lợi, hiệu quả, bò phát triển khỏe mạnh. Vợ chồng tôi cũng phấn đấu để vươn lên thoát nghèo”.
Đối với Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, huyện thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thông qua việc tập huấn kỹ thuật, tư vấn chuyển giao kỹ thuật; hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, vật tư, công cụ, dụng cụ sản xuất, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y…
Việc triển khai dự án này nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, tạo giá trị gia tăng cho người sản xuất, thoát nghèo bền vững. Song song đó, hỗ trợ tiếp cận, can thiệp trực tiếp, gián tiếp để phòng, chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em dưới 5 tuổi thuộc hộ gia đình nghèo và cận nghèo.
Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, huyện thực hiện khảo sát, thống kê, dự báo nhu cầu học nghề, sau đó truyền thông, hướng nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp và tạo việc làm. Đặc biệt, thực hiện hiệu quả việc phát triển mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện; đồng thời cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động.
Bên cạnh đó, huyện còn thực hiện chính sách cứu trợ đột xuất, kịp thời cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn do tai nạn, thiên tai, bệnh hiểm nghèo; hỗ trợ tiền mặt và vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện hỗ trợ, thăm hỏi, tặng quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các hộ có đối tượng bảo trợ xã hội vào dịp lễ, tết.
Với việc áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo, huyện Cai Lậy phấn đấu năm 2024 giảm 60 hộ nghèo so với đầu năm, tương đương giảm tỷ lệ 0,12%, tức giảm tỷ lệ hộ nghèo cuối năm xuống còn 0,78%.
THỦY HÀ