Hội thảo được tổ chức ngày 30/11, tại TP Nam Định.
Thông tin tại hội thảo cho biết, Huyền Trân Công Chúa (1287-1340) là con gái Phật hoàng Trần Nhân Tông, em gái vua Trần Anh Tông. Năm 1306, khi 19 tuổi, vâng lời vua cha, vì lợi ích dân tộc, bà lên đường tới Champa kết hôn với vua Champa lúc đó là Chế Mân, được phong Hoàng hậu. Tuy nhiên, chỉ một năm sau khi kết hôn, vua Chế Mân qua đời, Huyền Trân trở về Đại Việt, xuất gia tu hành ở núi Trâu Sơn (Bắc Ninh ngày nay), sau đó về tu hành ở chùa Hổ Sơn (xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định ngày nay) cho đến khi qua đời.
Đề dẫn tại hội thảo, PGS-TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo nhìn nhận những đóng góp của Huyền Trân với dân tộc là vô cùng to lớn, khi đã dâng hiến tuổi thanh xuân tươi đẹp cho mục tiêu tăng cường, củng cố mối quan hệ với Champa, củng cố hòa bình ở biên giới phía Nam của Tổ quốc.
GS-TS Nguyễn Văn Kim tham luận tại Hội thảo.
Khi trở về Đại Việt, xuất gia, bà đã tinh tấn tu hành, dạy nghề, cấp ruộng cho dân nghèo, lan tỏa tinh thần, giá trị của Phật giáo trong đời sống xã hội; khi bà qua đời được nhân dân ở nhiều địa phương trong cả nước phụng thờ cho đến ngày nay.
Tuy nhiên, theo PGS-TS Chu Văn Tuấn, những truyền thuyết dân gian, những câu chuyện dã sử, những nghi hoặc, suy luận, suy diễn, thêu dệt, phóng tác không có cơ sở của hậu thế đã “phủ một lớp sương mờ” lên cuộc đời Huyền Trân, che mờ những đóng góp to lớn của bà đối với đất nước, làm ảnh hưởng đến nhân cách cao đẹp của bà. Do vậy, rất cần những nghiên cứu, sưu tầm, khảo cứu, bổ sung các nguồn tư liệu nhằm cung cấp thêm những cơ sở khoa học, góp phần nâng cao nhận thức về vai trò, những đóng góp của Huyền Trân đối với dân tộc và Phật giáo, để có sự tôn vinh xứng đáng.
Như trong tham luận “Quan hệ Đại Việt-Đông Á thế kỷ XIII-XIV và cuộc hôn nhân Huyền Trân-Chế Mân”, GS-TS Nguyễn Văn Kim (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn-Đại học Quốc gia Hà Nội) đặt cuộc hôn nhân giữa Huyền Trân và Chế Mân trong bối cảnh quan hệ bang giao phức tạp giữa Đại Việt và các nước lân bang ở thời kỳ này.
Hòa thượng Thích Thọ Lạc tham luận.
Để tồn tại và phát triển, nhà Trần phải hướng đến thế đối ứng chính trị linh hoạt mạnh mẽ; đề ra tư tưởng chủ đạo là khoan hòa với phương Bắc và các quốc gia khu vực nhưng cũng sẵn sàng thực hiện các biện pháp cương quyết, mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, nền độc lập, tự do của dân tộc; phòng ngự có chiều sâu về chiến lược. Từ đó mới dẫn đến cuộc hôn nhân giữa Huyền Trân và Chế Mân-cuộc hôn nhân được nhìn nhận là liên-xuyên biên giới, liên-xuyên tộc người nổi tiếng trong lịch sử quan hệ Đại Việt-Champa và lịch sử ngoại giao khu vực Đông Á.
Và khi đó, trong bối cảnh đó, trong tham luận “Huyền Trân Công Chúa-cuộc đời và hành trạng”, Thạc sỹ Trần Anh Châu (Viện nghiên cứu Tôn giáo) nhìn nhận, Huyền Trân đã trở thành “sứ giả” của mối quan hệ hòa bình và hữu nghị của hai quốc gia, củng cố, tăng cường quan hệ bang giao thân thiện, tránh xung đột, để nhân dân được sống yên bình.
Hình tượng con thuyền đưa Huyền Trân Công Chúa trở về Đại Việt từ Champa (sau khi chồng là vua Chế Mân qua đời) được tái hiện tại di tích chùa Hổ Sơn (huyện Vụ Bản-Nam Định), một trong những nơi thờ phụng bà.
Duy Hưng