Trạm tập kết xe buýt điện tại thành phố Ramat Gan. Ảnh tư liệu (minh họa) : Vũ Hội/TTXVN
Trong thời gian tới, việc sạc xe điện tại quốc gia này có thể nhanh gấp 3 đến 4 lần so với hiện nay. Thế hệ trạm sạc mới sẽ hỗ trợ tốc độ sạc lý thuyết lên tới một megawatt hoặc hơn, so với mức 250 kilowatt của phần lớn các trạm sạc nhanh công cộng hiện nay.
Với công suất như vậy, các trạm sạc này có thể sạc gần đầy những bộ pin lớn chỉ trong khoảng năm phút – tương đương thời gian đổ xăng cho một xe thông thường tại cây xăng. Trong trường hợp không cần sạc đầy, xe điện có thể được bổ sung thêm hàng trăm kilomet phạm vi hoạt động chỉ trong chưa đầy hai phút. Ngoài ra, loại sạc này có thể phân chia công suất sạc siêu nhanh cho nhiều xe cùng lúc, khắc phục tình trạng giảm hiệu suất sạc khi nhiều xe kết nối cùng một trạm.
Trong năm nay, hàng chục nghìn bộ sạc công suất 1 megawatt đã bắt đầu được triển khai tại Trung Quốc, dưới sự hậu thuẫn của các nhà sản xuất lớn như BYD và Huawei – những hãng cũng đã bắt đầu sản xuất dòng xe tương thích với công nghệ sạc này. Các nhà sản xuất pin hàng đầu như CATL đã bắt đầu tung ra thị trường loại pin hỗ trợ tốc độ sạc mới. Dự kiến, những mẫu xe này từ BYD và các hãng khác sẽ cập bến Israel vào năm sau.
Chi phí đầu tư và lắp đặt các trạm sạc này vẫn còn rất cao, lên đến hàng chục nghìn USD mỗi trạm, do tích hợp các công nghệ đặc biệt như hệ thống làm mát bằng nước cho cả trạm và cáp sạc, cùng bộ lưu trữ năng lượng bên trong để xử lý sự cố từ mạng lưới điện.
Trước khi công nghệ sạc siêu nhanh trở nên phổ biến với các dòng xe dân dụng, lợi ích chủ yếu của nó nằm ở phân khúc xe tải và xe logistic – những phương tiện sử dụng pin dung lượng lớn và thường mất nhiều thời gian để sạc đầy. Đây là rào cản lớn trong việc chuyển đổi sang xe điện ở lĩnh vực vận tải hàng hóa.
Ít nhất một nhà cung cấp trạm sạc lớn tại Israel – Gnrgy – đang triển khai thí điểm trạm sạc siêu nhanh tại trung tâm logistic của một công ty vận tải hàng đầu. Trong thử nghiệm, các trạm sạc công suất 720 kilowatt đang được sử dụng, có khả năng sạc đồng thời hai xe tải hoặc xe thương mại. Những trạm sạc tương tự dự kiến sẽ được triển khai thương mại tại Israel vào quý IV năm nay, nhưng trước mắt sẽ chỉ đạt mức 450 kilowatt do hạn chế về hạ tầng điện. Một số nhà nhập khẩu xe khác cũng đang xem xét lắp đặt trạm sạc siêu nhanh tại trụ sở và kho bãi chính của họ, tùy thuộc vào điều kiện lưới điện.
Hãng Tesla chi nhánh tại Israel đang tiến hành đánh giá khả năng triển khai thế hệ trạm Supercharger V4 mới, với tốc độ sạc lý thuyết lên đến 500 kilowatt – gần gấp đôi so với các trạm hiện tại. Các trạm này được thiết kế để có thể nâng cấp lên mức 1,2 megawatt trong tương lai. Tesla hiện đã vận hành mạng lưới trạm sạc này tại Mỹ với tốc độ thực tế khoảng 325 kilowatt, và đã đưa vào hoạt động những trạm đầu tiên tại châu Âu từ năm ngoái.
Ủy ban Tiện ích Công cộng về Điện của Israel cho biết hiện có một số công ty tại Israel đang nghiên cứu các công nghệ này.
Thanh Bình (TTXVN)