Kẻ đi người về giữa lúc Syria bất ổn

Kẻ đi người về giữa lúc Syria bất ổn
5 giờ trướcBài gốc
Đôi mắt của Nadia ngấn lệ khi rời Syria sang Lebanon, cuối cùng bà cũng sắp được gặp con trai mình. Lần cuối hai người gặp nhau là lúc con trai 14 tuổi, nay cậu 22 tuổi và đang sống tại Đức.
Người con trai rời khỏi nhà ở thành phố Hasaka (miền Bắc Syria) vào năm 2013 lúc nội chiến leo thang. Nadia, người chồng Saiman cùng con gái Sydra ở lại. Họ chẳng thể nào ngờ phải chờ lâu đến vậy mới có thể đoàn tụ. Chiều 11.12, Nadia và Saiman đến cửa khẩu Masnaa, sau đó lên đường đến Beirut để lên chuyến bay sang Đức.
Bà Nadia sang Đức đoàn tụ với con trai sau 11 năm - Ảnh: CNN
Sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad là tin vui khiến nhiều người Syria tị nạn nhanh chóng sắp xếp về nước. Nhưng tốc độ giành quyền kiểm soát đất nước của lực lượng nổi dậy trong hơn 1 tuần qua cộng thêm hành động quân sự của Israel (không kích phá hủy kho vũ khí chiến lược trên lãnh thổ Syria, đưa quân đến cao nguyên Golan) làm dấy lên lo ngại tình hình sẽ bất ổn hơn nữa, thúc đẩy không ít người vội vã rời khỏi.
Cửa khẩu Masnaa lúc này có cả kẻ ra đi lẫn người trở về. Taxi đổ xô đến đây mời khách, một số đòi tiền xe cắt cổ cho hành trình đến Beirut hoặc Damascus.
Mohammed cùng vợ nằm trong số người về Syria. Họ gặp nhau lần đầu ở Lebanon sau khi cả hai đều tị nạn vì nội chiến, giờ đây sau 11 năm họ đưa gia đình trở về.
“Các con trai của tôi đều sinh ra tại Lebanon. Đây là lần đầu chúng đến Syria. Tôi rời xa quê hương quá lâu rồi. Tôi chỉ muốn về nhà, về làng của mình”, Mohammed chia sẻ
Việc trở về khó hơn ông nghĩ. Hai vợ chồng không gặp vấn đề gì nhưng các con không có giấy tờ hợp lệ vì sinh ra tại Lebanon. Một người lạ tiến đến đề nghị đưa họ qua biên giới bằng đường bộ, với tiền thù lao lớn. Mohammed từ chối.
Giấy tờ là vấn đề lớn với nhiều người Syria muốn về nước. Đa số đi tị nạn trong điều kiện bấp bênh, thường là bất hợp pháp.
Vài ngày gần đây cửa khẩu Masnaa đông đúc bất thường - Ảnh: CNN
Gia đình Diaa thì rời Syria trở về Lebanon. Ông là người Lebanon còn vợ là người Syria, họ cùng 3 người con vốn sống tại Beirut nhưng tháng 9 vừa qua sang Damascus vì giao tranh giữa Israel với nhóm Hezbollah quá ác liệt. Hoạt động quân sự gây nguy hiểm cho những đứa trẻ.
Đến khi chính quyền al-Assad bị lật đổ, Israel thực hiện gần 500 đợt không kích kho vũ khí chiến lược lẫn hạm đội hải quân Syria. Thổ Nhĩ Kỳ cũng vừa phá hủy thiết bị quân sự của lực lượng dân quân người Kurd.
Bóng ma xung đột lại phủ bóng. Ông Diaa chia sẻ: “Lebanon có chiến tranh. Syria cũng có chiến tranh. Tôi chỉ muốn giữ an toàn cho con mình mà thôi”.
Sự sụp đổ của chính quyền al-Assad đem đến cả niềm vui lẫn nỗi buồn. Không ít người lo lắng cho tương lai.
Lực lượng nổi dậy tập hợp vô số nhóm với hệ tư tưởng và chủ trương khác biệt, khiến cộng đồng thiểu số như người Alawite, người Hồi giáo Shia, người Ismaili, người Druze, người Kurd, người theo Thiên chúa giáo sợ bị đối xử bất công. Người ủng hộ chế độ cũ thì lo bị trả thù.
Bên kia cửa khẩu Masnaa, hàng nghìn người chờ đợi xin nhập cảnh Lebanon. Họ đã ở đây nhiều ngày và chấp nhận ngủ trên mặt đất ngoài trời. Fatina - một trong số người muốn rời khỏi Syria - nói với CNN: “Trời rất lạnh vào ban đêm. Nơi đây lại có rất nhiều trẻ em”.
Cô cùng gia đình chạy khỏi Damascus sau khi lực lượng nổi dậy xông vào nhà đe dọa sẽ giết tất cả nếu họ không rời đi. Fatina là người Hồi giáo Shia.
Cơ quan An ninh Lebanon cho biết thời gian gần đây xảy ra tình trạng người không giấy tờ hợp lệ cố gắng nhập cảnh phi pháp từ cửa khẩu Masnaa. Nước này phải triển khai quân đội cùng lực lượng an ninh để giữ ổn định tình hình.
Saiman và Nadia cũng quyết định sang Đức đoàn tụ với con trai do lo ngại bất ổn cùng bạo lực tại quê nhà. Là người Kurd sống ở miền Bắc Syria, họ sợ rằng giao tranh giữa Thổ Nhĩ Kỳ với dân quân người Kurd leo thang.
Đến sáng 11.12, gia đình Mohammed về được đến làng. Nhưng ông không nhìn thấy căn nhà trước đây nữa vì cuộc không kích đã san phẳng nó.
Cẩm Bình
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/ke-di-nguoi-ve-giua-luc-syria-bat-on-227125.html