Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa tuyên bố muốn chấm dứt xung đột ở Ukraine - lần này không bằng cách trực tiếp nhắm vào Nga, mà bằng cách gây sức ép với các quốc gia đang mua dầu từ Nga. (Ảnh minh họa)
Hai cái tên đứng đầu danh sách này là Trung Quốc và Ấn Độ - hai nền kinh tế lớn nhất châu Á.
Ông Trump cảnh báo rằng Mỹ có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế, nếu Nga không đồng ý đàm phán hòa bình trong vòng 50 ngày. Điều này có thể gây xáo trộn lớn không chỉ với Trung Quốc và Ấn Độ, mà còn ảnh hưởng đến toàn thị trường năng lượng toàn cầu, khi hai nước này buộc phải tìm nguồn cung thay thế để tránh bị Mỹ đánh thuế cao, hoặc áp lệnh trừng phạt.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Nga đã thu về khoảng 192 tỷ USD từ xuất khẩu dầu trong năm ngoái. Nếu dòng tiền này bị chặn, hiệu quả có thể rõ ràng - nhưng cái giá phải trả không hề nhỏ. Thị trường dầu có thể biến động mạnh, nếu hơn 7 triệu thùng/ngày mà Nga đang xuất khẩu bị rút khỏi nguồn cung toàn cầu.
Hiện tại, thị trường dầu thế giới vẫn chưa phản ứng rõ rệt trước tuyên bố của ông Trump, chủ yếu vì chưa rõ ông có thật sự hành động hay không, và nếu có thì sẽ làm theo cách nào.
Phản ứng từ Trung Quốc hôm thứ Ba cho thấy nước này không quá lo lắng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “Ép buộc không phải là cách giải quyết xung đột ở Ukraine”. Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ hôm thứ Năm nói rằng New Delhi đang theo dõi sát diễn biến, nhưng nhấn mạnh “an ninh năng lượng là ưu tiên hàng đầu” và cảnh báo về nguy cơ “tiêu chuẩn kép” trong cách tiếp cận vấn đề.
Dù vậy, nếu Mỹ thực sự áp thuế nặng để buộc các nước ngừng mua dầu từ Nga, đây sẽ là một biện pháp mạnh tay. Hành động này có thể làm tổn hại đáng kể đến ngân sách của Nga, nhưng đồng thời cũng đẩy kinh tế toàn cầu vào thế khó.
Biện pháp mạnh
Kể từ khi chiến sự Ukraine nổ ra, Mỹ, Anh và EU đã nhanh chóng cấm nhập khẩu dầu Nga và áp giá trần. Tuy nhiên, Nga nhanh chóng điều chỉnh chiến lược, chuyển hướng xuất khẩu sang châu Á - đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ - nhờ vào mức giá chiết khấu hấp dẫn.
3 năm rưỡi trôi qua, xung đột vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ông Trump - sau nửa năm trở lại Nhà Trắng - bắt đầu tỏ ra mất kiên nhẫn với việc Tổng thống Putin không mấy mặn mà với đàm phán hòa bình.
Tại Thượng viện Mỹ, một dự luật lưỡng đảng đang thu hút sự ủng hộ. Dự luật này cho phép Tổng thống áp mức thuế lên đến 500% với các nước mua dầu, hoặc uranium từ Nga. Giới lập pháp gọi đây là “biện pháp mạnh” mà ông Trump cần để gây áp lực chấm dứt xung đột.
Hôm thứ Hai, ông Trump công bố kế hoạch riêng, trong đó đề cập đến việc Mỹ sẽ áp “thuế thứ cấp”. Một quan chức Nhà Trắng sau đó làm rõ với CNN rằng ông đang nói đến “lệnh trừng phạt thứ cấp” - tức là nhắm vào các nước mua dầu của Nga, chứ không trực tiếp trừng phạt Nga.
“Đây là trừng phạt thứ cấp - nghĩa là đánh vào các nước đang mua dầu từ Nga. Về bản chất, không phải là trừng phạt Nga trực tiếp”, Đại sứ Mỹ tại NATO Matt Whitaker nói với CNN tại Nhà Trắng.
“Việc này sẽ nhắm vào các nước như Trung Quốc và Ấn Độ - những nước đang mua dầu Nga. Và điều đó chắc chắn sẽ có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Nga”, ông nói thêm.
Thuế thứ cấp - Công cụ mạnh nhưng đầy rủi ro
Thuế thứ cấp - tức là áp thuế trên diện rộng đối với toàn bộ hàng hóa từ một quốc gia xuất khẩu vào Mỹ - được xem là một biện pháp còn khá mới mẻ. Tuy nhiên, nếu được áp dụng, đây có thể là đòn bẩy tài chính mạnh mẽ khiến Ấn Độ và Trung Quốc phải tính đến việc ngừng mua dầu từ Nga. Cả hai nước hiện đang trong quá trình đàm phán thương mại riêng với Mỹ để giảm bớt các mức thuế mà ông Trump từng áp trước đây.
“Đây là con bài mạnh nhất mà các nước ủng hộ Ukraine có thể sử dụng, nếu xét về mặt năng lượng”, ông Ben McWilliams - chuyên gia chính sách năng lượng và khí hậu tại tổ chức tư vấn Bruegel (Brussels) - nhận định. “Nhưng câu hỏi là, ngay cả khi công cụ đó được triển khai, liệu Mỹ có thực sự nghiêm túc trong việc thực thi hay không?”.
Khó áp dụng
Dù là “con bài mạnh”, nhưng việc áp thuế thứ cấp có thể dẫn đến những hậu quả mà chính ông Trump chưa chắc sẵn sàng đối mặt. Trước tiên là khối lượng dầu cần thay thế - rất lớn.
Theo bà Muyu Xu, chuyên gia phân tích dầu cấp cao tại công ty dữ liệu thương mại Kpler, dầu Nga hiện chiếm 36% lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ và gần 20% của Trung Quốc. Con số này tính cả lượng dầu mà Trung Quốc nhập qua đường ống. Điều đó khiến Nga trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất cho cả hai quốc gia này.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một khách hàng lớn của dầu Nga, dù quy mô nhỏ hơn. Ngoài ra, theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) tại châu Âu, dầu Nga vẫn đang được vận chuyển tới Hungary và Slovakia thông qua đường ống - nhờ các ngoại lệ trong lệnh trừng phạt của EU.
“Giả sử không ai còn mua dầu Nga nữa, thì lấy đâu ra nguồn thay thế? OPEC có một chút công suất dự phòng, nhưng rất khó để họ tăng thêm 3,4 triệu thùng/ngày một cách nhanh chóng”, bà Xu nói, đề cập đến sản lượng dầu Nga xuất khẩu qua đường biển.
“Việc lấp đầy thị phần đó gần như không thể, và giá dầu chắc chắn sẽ tăng mạnh”, bà nói thêm. Điều này không chỉ gây sức ép cho ông Putin - mà còn đẩy ông Trump vào tình thế khó.
“Chúng ta đều biết ông Trump không thích giá dầu cao. Và đây chính là điều khiến vấn đề thêm rắc rối”, ông Giovanni Staunovo - chuyên gia phân tích hàng hóa tại ngân hàng UBS (Zurich) - nhận định.
“Nguồn cung dự phòng hiện tại không nhiều, và rất khó để bù đắp khi xảy ra đứt gãy lớn trong chuỗi cung ứng. Điều đó không phù hợp với quan điểm muốn giữ giá dầu thấp của ông Trump”, ông cho biết.
Ông cũng lưu ý rằng công suất dự phòng và kho dự trữ đều có giới hạn, trong khi cần từ vài tháng đến vài năm để tăng được sản lượng. Điều này khiến việc giữ giá dầu ở mức thấp càng trở nên khó khăn. Dù vậy, Washington có thể sẽ gia hạn thời gian trước khi biện pháp thuế thứ cấp có hiệu lực, nhằm tạo điều kiện cho các bên chuẩn bị nguồn cung thay thế. Ngoài thuế thứ cấp, còn nhiều công cụ khác có thể được đưa vào bàn.
Theo ông Gregory Shaffer - Giáo sư Luật quốc tế tại Đại học Georgetown - các cố vấn của ông Trump có thể đang trình lên nhiều kịch bản khác nhau, từ các biện pháp tài chính đến các hình thức trừng phạt qua thuế, để Tổng thống lựa chọn.
Các đòn trừng phạt khác ngoài thuế - và những toan tính phía sau
Theo ông Gregory Shaffer, ngoài việc áp thuế thứ cấp, Mỹ còn có thể sử dụng những biện pháp trừng phạt thứ cấp quen thuộc hơn, như nhắm vào tổ chức, hoặc cá nhân nước ngoài có liên quan đến việc mua bán dầu với Nga. Các biện pháp này có thể mở rộng thêm, ví dụ như hạn chế giao dịch chứng khoán, hoặc tiếp cận công nghệ Mỹ tại các quốc gia vẫn tiếp tục nhập khẩu dầu từ Nga.
Trên thực tế, chính quyền Biden hồi đầu năm nay đã áp đặt những lệnh trừng phạt mạnh nhất từ trước đến nay lên ngành dầu mỏ Nga, đưa hai tập đoàn dầu lớn và gần 200 tàu chở dầu của nước này vào danh sách đen.
Theo các chuyên gia, các biện pháp trừng phạt phạm vi hẹp - dù không rầm rộ như đánh thuế - vẫn đủ sức răn đe nếu được thực hiện nghiêm túc.
“Khả năng cao là ông Trump sẽ không dùng đến thuế thứ cấp, vì nó gây quá nhiều xáo trộn”, ông Richard Bronze - Giám đốc phụ trách địa chính trị tại công ty tư vấn Energy Aspects (London) - nhận định. “Khả năng lớn hơn là ông ấy sẽ dùng trừng phạt thứ cấp - một công cụ chọn lọc hơn và đã có tiền lệ”, ông nói.
Ông Bronze cũng nhắc lại việc ông Trump từng ký sắc lệnh cho phép áp thuế 25% lên hàng hóa từ các nước mua dầu Venezuela vào tháng 3, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện động thái cụ thể nào.
Đòn cảnh báo mang tính biểu tượng?
Những lời đe dọa trừng phạt dường như nhắm đến hai mục tiêu: Gửi thông điệp cho Nga rằng họ có thể bị cắt nguồn thu, và gây sức ép lên các đối tác thương mại lớn của Moscow.
Hôm 16/7, Tổng thư ký NATO Mark Rutte kêu gọi Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil thúc đẩy Nga nghiêm túc tham gia các cuộc đàm phán hòa bình. Ông cho rằng nếu không có bước đi như vậy, những biện pháp cứng rắn do ông Trump đề xuất có thể dẫn đến những hệ quả không mong muốn.
Tuy vậy, dù Nga theo dõi sát sao các tuyên bố này, giới quan sát cho rằng Trung Quốc và Ấn Độ khó có động thái gây áp lực lên Moscow nếu chưa thấy ông Trump thực sự hành động. Cả hai nước đều có quan hệ chiến lược chặt chẽ với Nga, và nhiều lần lên tiếng bảo vệ việc mua dầu từ Nga. Trung Quốc và Ấn Độ đều khẳng định không đứng về phía nào trong xung đột này.
Trung Quốc có thể sẽ linh hoạt, giảm mua dầu Nga để tránh căng thẳng với Mỹ, nhưng không có nghĩa là họ sẽ thay đổi cách tiếp cận với Moscow. Theo bà Yun Sun - Giám đốc chương trình Trung Quốc tại Viện nghiên cứu Stimson (Washington): “Tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ gây sức ép với Nga, ít nhất không phải vì lý do bị Mỹ thúc ép vào thời điểm hiện tại”.
Hơn nữa, Trung Quốc vốn đã quen với việc Mỹ “làm ngơ” khi họ nhập dầu Iran bị cấm vận thông qua các bên trung gian.
Còn với Ấn Độ, ông Ajay Srivastava - người sáng lập Sáng kiến Nghiên cứu Thương mại Toàn cầu - cho rằng nước này “không thấy lý do gì để nhượng bộ trước sức ép của Mỹ về vấn đề dầu Nga”. Ông nhận định đây chỉ là một trong nhiều yêu cầu “khó lường” từ phía Mỹ, và sẽ không ảnh hưởng đến những quyết sách chiến lược của New Delhi.
Chính mối quan tâm của ông Trump trong việc duy trì quan hệ thương mại với các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Ấn Độ cũng khiến nhiều người nghi ngờ về khả năng ông sẽ thực sự ra tay - và nếu có thì sẽ thực hiện theo cách nào.
“Lời đe dọa lần này có thể chỉ mang tính biểu tượng”, ông Shaffer từ Đại học Georgetown nhận định. Nhưng ông cũng nói thêm: “Trong bối cảnh xung đột ở Ukraine, tính biểu tượng cũng mang giá trị nhất định”.
Nh.Thạch
AFP