Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong cuộc họp báo tại Kazakhstan, ngày 28/11. (Ảnh: AP)
Trong tháng này, những cảnh báo của Nga trở nên dữ dội hơn sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho phép Kiev dùng tên lửa tầm xa của Mỹ để tấn công vào sâu trong lãnh thổ của Nga.
Sau bước đi này, Tổng thống Putin đã sửa đổi học thuyết hạt nhân của Nga và bắn một tên lửa đạn đạo mới có khả năng mang đầu đạn hạt nhân vào Ukraine. Thông điệp này được coi là một lời cảnh báo rõ ràng gửi tới các bên ủng hộ Ukraine: Đừng thử thách chúng tôi.
Tuy nhiên, giới phân tích phương Tây cho rằng sau gần 3 năm chiến sự, những lời cảnh báo như vậy đã trở nên quen thuộc.
Mỗi lần Ukraine đưa ra yêu cầu, ban đầu là xe tăng, sau đó đến máy bay chiến đấu, bom chùm, tên lửa tầm xa, các đồng minh phương Tây lại đau đầu không biết có nên chấp thuận hay không, vì lo ngại điều đó sẽ làm leo thang xung đột và khiến Nga phản ứng mạnh.
Mỗi lần như vậy, phương Tây cuối cùng cũng chấp nhận yêu cầu của Ukraine, biến điều cấm kỵ trong một thời gian dài trở thành điều bình thường mới.
Các nhà phân tích phương Tây nói với CNN rằng có rất ít lý do để tin lần này sẽ khác.
Họ cho rằng đây là một ví dụ nữa cho thấy chiến lược thành công của Điện Kremlin trong việc buộc phương Tây phải nhìn nhận cuộc xung đột theo điều kiện và khái niệm của Nga, khi mỗi nỗ lực mới nhằm hỗ trợ Ukraine đều bị coi là "sự leo thang" lớn.
Ngoài chiến trường, Điện Kremlin đã “buộc phương Tây phải lập luận từ tiền đề của Nga thay vì tiền đề của chính mình, và đưa ra quyết định dựa trên những thực tế mà Nga tạo ra để từ đó Mátxcơva giành chiến thắng trong thế giới thực", Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) viết trong báo cáo hồi tháng 3.
Ông Kateryna Stepanenko, đồng tác giả của báo cáo, nói với CNN rằng chiến lược này là sự hồi sinh của khái niệm "kiểm soát phản ứng" thời Liên Xô, trong đó một quốc gia áp lựa chọn của mình lên đối thủ, buộc đối thủ phải đưa ra quyết định đi ngược lại lợi ích của chính mình.
"Các cuộc tranh luận dai dẳng và sự chậm trễ trong viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine là ví dụ rõ ràng về chiến lược kiểm soát phản ứng thành công của Điện Kremlin”, ông Stepanenko nhận xét.
Theo các nhà nghiên cứu, có thể nhìn thấy chiến lược này trong cuộc tấn công vào Ukraine bằng tên lửa Oreshnik vừa qua. Tổng thống Putin tuyên bố đây là phản ứng của Nga đối với quyết định của chính quyền Tổng thống Joe Biden về việc cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí tầm xa.
Nhà nghiên cứu Stepanenko cho rằng những thay đổi chính sách gần đây của phương Tây, sau khi khoảng 11.000 quân Triều Tiên được nói là đã đến Nga để hỗ trợ Mátxcơva, "không phải là sự leo thang”.
Một hệ thống ATACMS do Mỹ chế tạo. (Ảnh: AP)
Ranh giới đỏ giả
Chính quyền Mỹ đã đưa hệ thống tên lửa chiến thuật ATACMS tới Ukraine vào đầu năm nay, nhưng không cho phép Kiev bắn vào lãnh thổ của Nga.
William Alberque, cựu giám đốc Trung tâm kiểm soát vũ khí, giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cho rằng điều kiện này mang lại lợi ích to lớn cho Nga.
Thực tế là Ukraine từ lâu đã phóng máy bay không người lái tự chế vào các mục tiêu ở tận thủ đô của Nga và các vùng đất ở Ukraine mà Mátxcơva đang kiểm soát. Vì thế, giới phân tích phương Tây cho rằng việc tấn công bằng tên lửa tầm xa của phương Tây vào đất Nga chỉ là khác biệt về mức độ, không phải về bản chất.
Trong hơn 1 năm, Kiev đã sử dụng tên lửa Storm Shadows của Anh để tấn công Crimea, nơi Nga kiểm soát từ năm 2014. Trong nhiều tháng, Kiev đã được phép bắn ATACMS vào các vùng đất của Ukraine mà Nga đang kiểm soát. Theo luật của Nga, Mátxcơva coi những nơi đó là lãnh thổ thuộc chủ quyền của mình và cảnh báo về hậu quả thảm khốc nếu Ukraine tấn công vào đó bằng vũ khí của phương Tây.
Vào tháng 5, Washington cho phép Kiev sử dụng tên lửa tầm ngắn của Mỹ để tấn công các mục tiêu ở Nga giáp biên giới với vùng Kharkiv ở miền đông bắc Ukraine. Trước khi Tổng thống Biden cho phép điều đó, Nga đã đưa ra cảnh báo hạt nhân.
"Chúng ta đã nhiều lần chứng minh rằng, khi vượt qua ranh giới đỏ giả, thực sự chẳng có gì xảy ra cả", Alberque nói.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu này đánh giá những lời đe dọa của Nga đã đủ để ngăn cản phương Tây cung cấp cho Ukraine những vũ khí và khí tài mà nước này rất cần.
Trong những ngày qua, nhiều lời cảnh báo đã được Nga đưa ra. Tuy nhiên, ông Albuquerque cho rằng có rất ít lý do để tin rằng lần này thực sự sẽ khác. Theo ông, việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sắp nhậm chức – có vẻ đúng như mong muốn của Nga – sẽ khiến những cảnh báo của Nga ít có khả năng trở thành hiện thực hơn.
Thu Loan
Theo CNN